Lâu đài là một trong số ít những tác phẩm còn sót lại của thiên tài kỳ dị Franz Kafka. Cũng giống như những tác phẩm khác của KafKa, các nhân vật của Lâu đài đều bị đẩy về một vùng xa xôi, nằm ngoài hoàn toàn những vết dấu của thực tế đô thành. Đây có thể gọi là vùng Kafka, do nhà văn sáng tạo nên, và mang đậm dấu ấn của sự mộng du huyền thoại.
Lâu đài kể chuyện về K., một người đạc điền, trong một đêm khuya, dưới mưa tuyết, lặn lội đến một ngôi làng có sương mù và bóng tối bao phủ, không thể nhìn thấy ngọn đồi sừng sững và một tòa lâu đài lớn, theo giấy gọi đến làm việc. Anh xin trọ ở một quán trọ nhỏ vì không thể vào lâu đài đã đóng cửa. Người ta cho anh nằm trên một tấm dạ với lý do anh không có giấy phép ngụ cư. Khi biết anh là người được mời, người ta gọi anh tới lâu đài để xác nhận thông tin, song phía lâu đài ban đầu trả lời không, sau đó cải chính... Các chương dàn ra trong một mạch kể chuyện chậm chạp, đều đặn, kể chuyện K, chạy vạy để được những nhân viên có trách nhiệm xác nhận quyền ngụ cư hợp pháp trong làng, tìm mọi cách để tiếp cận lâu đài, nhưng dường như mọi thứ chỉ là một mơ hồ, hay một ảnh hình phản chiếu tâm trí.
Câu chuyện kéo dài trong lê thê, mỏi mệt và vô vọng, là những cuộc kiếm tìm, truy đuổi, càng tưởng rằng đến gần lại càng lùi ra xa xôi. Cái luẩn quẩn, cái mơ hồ cứ giẫm bóng lên nhau, khiến nỗ lực của con người chất chồng lên tuyệt vọng.
Mọi sự việc xảy ra trong Lâu đài tưởng chừng như đều vô cùng phi lý, khác hẳn hình dùng thường ngày của mỗi người, nhưng xét cho cùng, đó là cái mê cung luân thường đạo lý, quy tắc đời sống mà con người buộc phải chịu đựng.
Ở Lâu đài, cuộc vật lộn trong một hành trình diễn ra 6 ngày của K., hay rất nhiều ngày, nhiều tháng, hay cả một đời của những người dân sống trong làng đều là một cuộc vật lộn vô nghĩa. Cái mục tiêu họ muốn chinh phục, họ cũng luôn khẳng định về sự tồn tại của nó, nhưng thực ra, họ đều như nằm ở thế không tồn tại. Ấy là sự đan cài như hiện thực và hư ảo kết hợp nhuần nhuyễn để tạo nên một dạng thức trống rỗng của thế giới.
Đến kết tác phẩm, 6 ngày của K. vẫn tiếp diễn trong vô vọng, 6 ngày có lẽ sẽ kéo dài mãi, như cuộc đời luẩn quẩn, vô nghĩa bủa vây lấy anh. Câu chuyện đời sống thường ngày kia vẫn cứ kéo dài trong biên độ ấy, của truy đuổi, kiềm tìm, và rỗng không. Cái cuối cùng là sự rỗng không. Con người vẫn hòa toàn tay trắng trong hành trình của mình.
Tác phẩm Lâu đài của Franz Kafka. |
Đọc Lâu đài, người đọc có lẽ sẽ liên tưởng ngay tới Chờ đợi Godot của Samuel Backet. Hai người đàn ông cùng chờ đợi một người tên Godot. Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, họ làm đủ mọi việc, nghĩ ra đủ mọi câu chuyện để khiến thời gian trôi đi nhanh hơn, để họ cảm thấy mình đến gần mục tiêu hơn. Cuối cùng, không có Godot nào xuất hiện, và sự chờ đợi ấy vĩnh viễn vô vọng, và những hành động của họ cũng trở nên vô nghĩa.
Sự vô tri của con người đối với thế giới mà họ đang sống, chính là một cảnh huống quá cô độc. Rốt cuộc, họ là gì trong cuộc sống, họ làm gì trong cuộc sống, họ tìm kiếm, và chờ đợi điều gì. K. cũng như hai người đàn ông trong Chờ đợi Godot đều tưởng họ biết tất cả, nhưng rốt cuộc họ vẫn hoàn toàn xa lạ và vô tri đối với mọi điều hiện diện trong đời sống.
Câu chuyện về vô tri và quẩn quanh kia sẽ còn kéo dài, kéo dài mãi, và cuộc sống thực ra đang dịch chuyển, càng lúc càng dịch chuyển xa phía con người. Họ thuộc về, lại không thuộc về cuộc sống.
Bước về phía Lâu đài, và nhận ra rằng đi đến cùng trong đời sống này là sự vô tri đơn độc mà thôi.
Đọc Kafka thực sự là một nỗ lực khai phá đầy thách thức, nhưng cũng là sự hưởng thụ ngập tràn khoái cảm. Và dĩ nhiên, đối với một nhà văn đặc biệt như Kafka, đừng bao giờ cố gắng đi xuống đến tầng đáy của tác phẩm, bởi nó cũng vô vọng như việc bạn tìm kiếm lâu đài vậy. Hãy thưởng thức những điều ít ỏi nhưng đầy hấp lực mà bạn chạm được.