Từ đầu tháng 4 đến nay, cơ quan quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra nhiều tiệm vàng trên cả nước. Ảnh: DMS. |
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết từ ngày 8/4 đến ngày 17/5 đã kiểm tra đột xuất 49 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn.
Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện 49 doanh nghiệp đều vi phạm với các hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện; không niêm yết giá.
Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác minh làm rõ và ban hành quyết định xử phạt đối với 31 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 900 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 400 triệu đồng. Số vụ còn lại đang tiếp tục xác minh và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh.
Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý thị trường các tỉnh, thành đã đồng loạt thanh, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn và phát hiện nhiều vi phạm.
Cụ thể tại Cà Mau, Cục QLTT đã xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa với tổng số tiền phạt 272 triệu đồng.
Hay tại TP.HCM, tính đến ngày 14/5 đã phát hiện, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng. Qua đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.
Tính đến nay, Cục QLTT TP.HCM đã xử phạt 21 vụ với số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Tại Nghệ An, ngày 15/5, Cục QLTT tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp kinh doanh vàng có trụ sở tại huyện Đô Lương với mức phạt 55 triệu đồng vì hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tại Tiền Giang, cơ quan chức năng tỉnh này xử phạt 12 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy do không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở kinh doanh.
Cục QLTT Long An hồi đầu tháng cũng xử phạt 57 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn TP Tân An và huyện Châu Thành do có hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa.
Trước đó hồi tháng 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra 18 cơ sở, phát hiện 12 cơ sở vi phạm trong kinh doanh mặt hàng vàng với tổng số tiền phạt hơn 221 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa và niêm yết giá không rõ ràng, vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Sáng 23/5, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức công bố thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, 6 tổ chức tài chính, doanh nghiệp nằm trong đợt thanh tra lần này bao gồm TPBank, Eximbank, CTCP Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời gian thanh tra kéo dài 45 ngày.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.