Xử án thời phong kiến. Ảnh: Flickr. |
Theo thống kê sơ bộ của tác giả, trong bộ Quốc triều hình luật có 10/13 chương có những điều luật liên quan tới vấn đề xử tham nhũng, hối lộ.
Các điều luật liên quan gồm có 102 điều trong tổng số 722 điều. Tức là chiếm gần 1/7 các điều luật. Tính về tỷ lệ thì nhiều nhất là ở chương Điền sản (32 điều) và phần Điền sản mới tăng thêm (14 điều) có 15 điều trong tổng số 46 điều của chương xử tham nhũng điền sản. Tương ứng với 1/3 số điều của chương.
Điều đó cho thấy nhà Lê sơ rất quan tâm tới việc xử lý tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế căn bản này của đất nước. Đây cũng là lĩnh vực mà nếu xét trong phạm vi của luật là lĩnh vực có nhiều tham nhũng.
Trong 102 điều xử tham nhũng, hối lộ, chỉ có 4 điều xử lý tội đưa hối lộ hoặc là trung gian đưa hối lộ; 98 điều còn lại là xét xử tội tham nhũng. Thống kê đó cho thấy vấn đề xử lý tội tham nhũng được quan tâm hơn rất nhiều so với việc ngăn ngừa, xử lý tội hối lộ. Đồng thời, đối tượng tham nhũng có tính chủ động cao hơn là đối tượng hối lộ, đút lót.
Mức độ nhẹ nhất đối với việc xét xử tội tham nhũng là biếm tư kẻ phạm tội. Tiến lên mức xử phạt cao hơn là biếm chức, bãi chức, tước hết mọi chức vị của người phạm tội ăn hối lộ. Trong thực tế từng có trường hợp Tây quân đô đốc Lê Thiệt chỉ để quân lính lấy bạc của dân châu Thoát mà bị bãi quan chức năm Đinh Hợi (1467).
Trải suốt 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, đa phần các vụ tham nhũng khi xét xử đều căn cứ vào pháp luật để xử đúng người, đúng tội.
Lấy trường hợp Hán Tông Nghiệp đưa hối lộ năm Đinh Hợi (1467) làm minh chứng, Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm biết nhưng lại dung túng, không đàn hặc, tố cáo theo chức vụ được giao. Sau này khi vụ việc bị phát giác, ngoài Hán Tông Nghiệp bị xử tội đưa hối lộ, thì Quản Công Thiêm chiểu theo luật cũng bị bắt giam.
Sự trạng này căn cứ Điều 24 Chương Vi chế có đoạn: “Nếu vì thân tình hay thù oán mà cố ý làm sai sư thực thì sẽ chiếu theo sự tình nặng nhẹ mà tăng thêm tội; nếu ăn tiền hối lộ thì xử tội thêm 2 bậc”.
Hình bộ Thượng thư Đỗ Tông Nam ăn hối lộ, ngay lập tức bị giao cho pháp ty theo luật xét tội và bãi chức (căn cứ Điều 42 Chương Vi chế, Điều 54 Chương Đoán ngục…) năm Đinh Hợi (1467), giao lại chức ấy cho Lê Bá Trù làm.
Qua những vụ án tham nhũng được xét xử thời Lê sơ, có một số vụ án, đặc biệt là những vụ án đối với đội ngũ công thần pháp luật có chiều hướng giảm nhẹ tội do công lao của họ. Ví dụ trường hợp năm Đinh Tỵ (1437), Nội mật viện sứ Lê Cảnh Xước nhận hối lộ 20 lạng bạc đáng bị tội chết, nhưng vua thấy Cảnh Xước hầu hạ lâu ngày nên ra lệnh riêng, chỉ bắt bãi chức về làm dân.
Lại có trường hợp Nguyễn Nhữ Soạn nhiều lần phạt tội tham ô, bị Thị ngự sử Đinh Cảnh An đàn hặc nhưng vua Lê Thái Tông năm Đinh Tỵ (1437) vẫn thăng Nhữ Soạn lên là Chính sự viện tham nghị hàm tứ phẩm.
Có trường hợp vì thù hằn, ghét bỏ mà áp dụng luật lệnh không đúng thời điểm để đạt được mục đích. Sử còn ghi lại việc Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường là Nguyễn Liêm vì nhận hối lộ 2 tấm lụa năm Ất Mão (1435), đáng ra phải xử theo luật lệnh hiện hành.
Tuy nhiên, Lê Sát lại căn cứ vào lệnh chỉ thời Lê Thái Tổ ghi là nhận một quan tiền hối lộ sẽ bị xử chém, để từ đó khép tội Nguyễn Liêm phải lên đoạn đầu đài đối mặt với đao phủ. Tuy nhiên, những trường hợp như trên không phải là phổ biến. Xét về tính công bằng của pháp luật nhà Lê sơ đối với việc phòng, chống, xét xử tham nhũng, ý nghĩa theo chiều hướng tích cực.
Đa phần những vụ án được xét xử đều ứng với pháp luật đã quy định. Nhờ đó mà tính răn đe, ngăn ngừa cao để những kẻ có hành vi tư lợi lấy đó làm gương mà “co vòi, rụt cổ” tránh đi vào vết xe đổ lầm đường, lạc lối đến nỗi lụy thân.