Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (còn được gọi là xóm chạy thận Bạch Mai) được trang trí cờ hoa, băng rôn chào năm mới. |
Khác với khung cảnh ảm đạm bên ngoài khi những hàng quán đã đóng cửa nghỉ Tết, các phòng trọ trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị rộn ràng tiếng nói cười. Họ là những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai. Năm nay, vì dịch bệnh và vướng lịch chạy thận, họ không về quê ăn Tết |
Bà Dương Thị Hoài (67 tuổi, quê Nam Định) đã có 12 năm ở xóm trọ này. "Hồi tôi phải đi Hà Nội chạy thận, chồng tôi đi theo để chăm sóc. Đến năm 2017, ông nhà tôi mất vì ung thư, tôi ở một mình tại đây được 4 năm nay", bà Hoài kể và cho biết trước Tết, các con đã đến thăm và gửi quà cho bà. |
"Tôi chạy thận mới được 5 năm thôi. Tết năm nay ở lại vì dịch bệnh nguy hiểm quá, vì sức khỏe của bản thân và cũng vì xã hội, cộng đồng. Nhưng nói chung Tết không được về đoàn tụ với gia đình cũng buồn", bà Trương Thị Thu (48 tuổi, quê Nam Định) nói khi chuẩn bị ăn trưa để vào viện theo lịch chạy thận. |
Trong dãy trọ có 7 phòng, 7 bệnh nhân coi nhau như người trong gia đình. Mỗi bữa, họ nấu dư thức ăn để chia cho nhau. "Mỗi người một món vậy là bữa cơm ai cũng có thịt, có rau, có canh. Tình cảm lắm", bà Hoài nói. |
Ở dãy trọ lâu nhất, bà Phan Thị Tảo (63 tuổi) chạy thận được 14 năm. "Những năm trước tôi khỏe, dịp Tết nhất định về với gia đình. Một, hai năm nay sức khỏe đi xuống, cộng với việc dịch bệnh Covid-19 nên tôi phải ở lại", bà Tảo nói. Dù hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe không tốt và bận rộn với lịch chạy thận 3 buổi/tuần, nhưng các bệnh nhân ở xóm trọ này đều lạc quan. "Tết năm nay ai cũng ở lại nên vui. Nhà nào cũng có thịt, có bánh chưng, có gạo, có rau quả...", bà Thu kể. |
Giáp Tết, các bệnh nhân được chính quyền địa phương tặng quà. Họ cũng thường xuyên được các mạnh thường quân giúp đỡ bằng nhiều hình thức khác nhau. "Năm tới, tôi hy vọng dịch bệnh sẽ qua đi để tôi còn có cơ hội đi làm. Năm vừa rồi dịch bệnh khiến tôi không được thuê đi làm việc nhà nữa mà phải chạy xe ôm, thu nhập thấp hơn", bà Mai Thị Hường (vợ một bệnh nhân chạy thận) tâm sự. |
Thức ăn trong bữa cơm trưa của bệnh nhân chạy thận. |
Cánh tay bệnh nhân Trần Văn Tiến (38 tuổi) chằng chịt những vết kim, nhiều chỗ nổi cục lớn. Anh cùng vợ đều phải chạy thận. Riêng anh đã phải chữa trị bệnh liên quan đến thận 22 năm nay. |
Chiếc bánh chưng giả được anh Tiến treo trong phòng trọ để tạo không khí Tết. |
Đôi mắt đục, nhìn không còn rõ của bệnh nhân 70 tuổi Nguyễn Thị Sự (quê Bắc Giang). Bà hy vọng năm mới mọi tai ương sẽ qua đi, bệnh tật không còn để bà được tranh thủ gặp con, cháu. |
Tính từ ngày 28/1 đến tối 10/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 504 người mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dịch đã lan ra 13 tỉnh, thành gồm Hải Dương (341 bệnh nhân), Quảng Ninh (54), Hà Nội (28), Gia Lai (26), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (34), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2). |