Ít nhất 86 thành phố ở miền Đông và miền Nam Trung Quốc đã phát đi cảnh báo nhiệt vào hôm 12/7, với dự báo nhiệt độ có thể vượt mức 40 độ C trong tuần này, và có thể kéo dài hai tuần.
Bất chấp cái nóng gay gắt, hoạt động xét nghiệm Covid-19 ngoài trời ở nước này vẫn chưa được tạm dừng. Nhiều hình ảnh và video trên mạng xã hội đã ghi lại cảnh những nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi trong những bộ đồ bảo hộ che kín người.
Nhiều công trình công cộng, đường sá bị nứt mẻ, hư hại, trong khi đó, một vài người tìm kiếm sự hỗ trợ trong các hầm trú ẩn dưới lòng đất.
Nắng nóng gay gắt tại Trung Quốc phần nào phản ánh một tình trạng xảy ra toàn cầu hiện nay là hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất nhiều hơn do biến đổi khí hậu. Vào tháng 6, khu vực miền Bắc Trung Quốc chịu các đợt nắng nóng, trong khi lũ lụt ở miền Trung và miền Nam khiến hàng triệu người dân nước này phải bỏ nhà cửa.
Không dám ra ngoài
Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất cả nước, giới chức nơi đây đã cảnh báo người dân chuẩn bị cho đợt nắng nóng bất thường. Kể từ năm 1873, thời điểm bắt đầu ghi nhận các số liệu, Thượng Hải chỉ có 15 ngày nhiệt độ vượt mức 40 độ C.
"Tháng 7 này quá nóng so với mọi khi", bà Wang Ying, người dân sống ở Thượng Hải, cho biết. “Tôi đã bật điều hòa cả ngày, và tôi không dám ra ngoài, kể cả ra ban công”. Bà cho biết đã lên kết hoạch làm việc tại nhà trong tuần.
Truyền thông Trung Quốc ngày 12/7 ghi lại hình ảnh nắng nóng khiến một phần đường ở tỉnh Giang Tây bị biến dạng. Ảnh: CCTV. |
Tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng tại Trung Quốc đã tăng 4 lần từ năm 1990 đến năm 2019, với tổng cộng 26.800 người chết trong khoảng thời gian này, theo nghiên cứu của tạp chí y tế Lancet vào năm 2020.
Người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ tử vong do nắng nóng cao hơn 10,4% so với nhóm tuổi còn lại. Do đó, một số thành phố tại Trung Quốc cảnh báo về sự nguy hiểm của nhiệt độ ảnh hưởng đến người cao tuổi.
Tại thành phố Nam Kinh, nơi nổi tiếng là "lò nung" với mùa hè khắc nghiệt, các quan chức đã mở hầm trú ẩn để người dân tránh nóng, với đầy đủ tiện nghi như mạng, sách báo, máy lọc nước và cả lò vi sóng.
Ở thành phố Trùng Khánh, nơi có mức báo động đỏ về nắng nóng, một bảo tàng đã phải đóng cửa sau khi tấm ngói bị chảy ra do nhiệt độ cao. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc ghi lại một phần đoạn đường bị nứt do nhiệt độ ở tỉnh Giang Tây. Nhiệt độ cao, độ ẩm và bức xạ tia cực tím cũng được dự báo bao trùm thành phố Vũ Hán.
Nắng nóng kéo dài cũng làm tăng nguy cơ cháy rừng và sốt xuất huyết trong nước.
Không dừng xét nghiệm ngoài trời
Bất chấp thời tiết cực đoan, nhiều khu vực tại Trung Quốc vẫn tiếp tục xét nghiệm Covid-19 bắt buộc ở ngoài trời, khi giới chức muốn ngăn sự lây lan của biến chủng Omicron. Đây là một thách thức không nhỏ, đặc biệt với các nhân viên y tế, khi họ phải mặc đồ bảo hộ trùm kín người và làm việc trong nhiều giờ.
Nhiều nhân viên phải sáng tạo các cách giải nhiệt khác lạ. Một hình ảnh đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho thấy các nhân viên y tế đã dính những gói kem đông lạnh quanh mũ trùm đầu khi hỗ trợ người dân xét nghiệm Covid-19. Một video khác ghi lại cảnh mồ hôi đọng thành vũng nước ở giày bảo hộ của một nhân viên khi anh tháo chiếc giày ra.
Các nhân viên y tế phải dính kem quanh mũ trùm đầu để giải nhiệt khi hỗ trợ người dân xét nghiệm. Ảnh: Weibo. |
Ngoài ra, vẫn còn hình ảnh về cảnh nhân viên y tế không chịu nổi cái nóng và đã bị sốc nhiệt tại tỉnh Hà Nam. Đoạn video ghi lại cảnh anh thở hổn hển, và các đồng nghiệp quạt cho anh bằng những bao bì từ bộ dụng cụ xét nghiệm.
Theo giáo sư Faith Chan của Đại học Nottingham, thời tiết cực đoan không phải là điều mới mẻ nếu quan sát về tình hình khí hậu ở nước này.
“Nguyên nhân đằng sau đợt nắng nóng năm nay là do hai đợt xoáy nghịch, bao gồm một đợt do áp suất cao từ vùng biển Tây Thái Bình Dương và một đợt được hình thành trên cao nguyên Ba Tư, đã di chuyển dần về cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng”, ông Faith Chan nói.