Thị trường tiêu thụ sụt giảm mạnh do dịch Covid-19, những quả xoài Úc, đặc sản của huyện Cam Lâm - nơi được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hoà, đang rớt giá chưa từng thấy. Không ai thu mua, người trồng xoài chỉ biết bất lực nhìn cảnh những quả xoài rụng đầy vườn.
Xoài Úc chín rụng chất đống trong vườn
Về Cam Lâm những ngày này, không khí ảm đạm bao trùm cả vùng trồng xoài rộng lớn. Dù đang vụ thu hoạch, đi các vườn xoài, chúng tôi cũng chỉ thấy lác đác vài vườn đang có người hái quả. Số khác không buồn thu hoạch, để xoài rụng đầy vườn.
Xoài Úc không ai thu mua, chín rụng đầy vườn. Ảnh: Hải Đình. |
Ông Đặng Nguyên Giang (ngụ thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) có 2 ha xoài Úc đứng nhìn vườn xoài rụng thối đầy gốc buồn bã: “Năm nay 2 ha xoài ước sản lượng khoảng 18 tấn. Đầu vụ có bán khoảng 9 tấn, số còn lại không ai mua, nên tự chín, tự rụng”.
Trồng xoài 20 năm, nhưng chưa bao giờ ông Giang buồn đến vậy. Cả năm ăn ngủ ở gốc xoài, khi đến vụ quả nhiều tưởng sẽ được một năm bội thu.
"Chưa bao giờ tôi thấy quả xoài rớt giá thê thảm như thế này. Do dịch Covid-19, xoài không xuất đi được thị trường Trung Quốc, sức tiêu thụ trong nước cũng giảm mạnh. Các vựa xoài, mối quen cũng không thu mua cả tháng nay rồi, dù giá rất thấp”, ông Giang nói.
Ngoài những lý do ông Giang nói, theo các chủ vườn, xoài Úc được trồng quá nhiều, sản lượng đạt cao dẫn đến tình trạng cung vượt cầu quá xa.
“Nhiều người không thuê công nhân hái xoài, mà để tự rụng rồi thu dọn sau. Còn vườn của tôi, sau khi thu xong, bán cho các vựa xoài giá cũng chỉ được 2.500-3.000 đồng/kg", ông Giang cho biết thêm.
Mọi năm xoài Úc được bán cho thương lái có 2 loại. Loại 1 có giá khoảng 20.000 đồng/kg; loại 2 khoảng 7.000-8.000 đồng/kg. Còn năm nay, thị trường giảm sâu, các thương lái chỉ thu mua theo giá cào bằng từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Giá quá thấp, không đủ trả tiền công hái, các chủ vườn chỉ biết thay phiên giúp nhau thu hoạch, được chừng nào hay chừng đó.
Một số chủ vườn cố gắng thu hoạch, hy vọng có thương lái đến mua. Ảnh: Hải Đình. |
Ông Nguyễn Đức Duy có 6.000 m2 vườn xoài ở thị trấn Cam Đức, vụ xoài năm ngoái, thấy tình hình thị trường có tiến triển, ông đầu tư mua thêm 1 ha đất ở xã Cam Hiệp Nam với ý định mở thêm vườn. Nhưng với tình trạng xoài "điêu đứng" như hiện nay, ông Duy chưa biết xoay sở như thế nào.
"Chủ các vườn xoài như tôi mấy ngày nay tập trung lại họp bàn, rồi đi từng vườn để giúp nhau thu hoạch, mong gỡ lại được phần nào tiền phân, thuốc chăm sóc. Đa số đều bỏ cho xoài rụng, mùi chua, thối bay cả vườn. Chưa hết, khi hết vụ lại phải đào hố, gom xoài hư chôn, vệ sinh môi trường, nếu không xoài vụ sau sẽ dễ bị bệnh hại", ông Duy xót xa nói.
Nguyên nhân do đâu?
Người trồng gặp khó, thương lái cùng chung cảnh ngộ. Bà Nguyễn Thị Hoa là người chuyên đi thu gom, mua xoài trực tiếp tại vườn rồi mang về bán lại cho các vựa. Bà cho hay: "Thị trường xoài năm nay quá thảm, không chỉ là cảnh được mùa mất giá, mà nay, giá thấp lắm rồi vẫn không bán được. Vụ xoài này, tôi cũng chỉ đi gom mua để gọi là có làm, chứ lời lãi chẳng được bao nhiêu".
Theo chủ các vựa, năm nay việc thu mua xoài thu mua để xuất khẩu chỉ đạt khoảng 20%-30% so với mọi năm. Thị trường tiêu thụ không có, các vựa không dám nhập hàng.
Chưa bao giờ đặc sản xoài Úc Khánh Hòa rớt giá thê thảm như năm nay. Ảnh: Hải Đình. |
Hiện, huyện Cam Lâm có gần 6.300 ha, ước sản lượng đạt 40.000 tấn/năm. Hiện lượng xoài đã tiêu thụ được ước đạt 20.000 tấn, thông qua khoảng 50 vựa xoài trên địa bàn.
Theo Hội nông dân tỉnh Khánh Hòa, do đang chính vụ thu hoạch xoài Úc và trùng với thời vụ thu hoạch xoài của các nước láng giềng như Trung Quốc (253.000 ha), Campuchia (100.000 ha), cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xoài Khánh Hòa khó tiêu thụ.
Một số vựa xoài đã ngừng thu mua khiến giá xoài lao dốc. Trước tình hình trên, UBND huyện Cam Lâm đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành liên quan chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân tiêu thụ xoài Úc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhiều loại trái cây đang vào mùa, lượng trái thu hoạch nhiều nhưng gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc vì dịch bệnh.
Theo ông, không chỉ khó xuất hàng mà xoài Việt còn phải cạnh tranh với xoài Campuchia khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Năm nay, Trung Quốc cho phép Campuchia xuất khẩu chính ngạch đến 500.000 tấn xoài. Không chỉ vậy, sắp tới một mặt hàng Việt Nam phải cạnh tranh với Campuchia sang Trung Quốc là trái long nhãn", ông nói.
Về giải pháp, ông Nguyên cho rằng cần nghiên cứu trồng rải đều vụ trong năm. Như xoài chỉ rộ mùa vài tháng, lại trùng với mùa vụ xoài ở Trung Quốc, Campuchia giá xuống thấp và khó xuất khẩu.