Xiaomi liên tục tung ra các mẫu smartphone có cấu hình cao và giá thành chỉ bằng một nửa các model đầu bảng của các đối thủ cạnh tranh. Hiện tại, chất lượng của smartphone Xiaomi có thể chưa bằng iPhone hay Galaxy, nhưng trên mặt trận giá thành - yếu tố quan trọng nhất cho các thị trường đang phát triển, cả Samsung và Apple đều bị Xiaomi hạ gục.
Ví dụ điển hình là Xiaomi Mi3, model đầu bảng mới ra mắt. Máy được trang bị vi xử lý Tegra 4 đầu bảng của Nvidia, camera 13MP với cảm biến do Sony sản xuất, 2GB RAM và giá thành chỉ vào khoảng 327 USD (khoảng 6,9 triệu đồng). Tại Trung Quốc, iPhone 5S được bán ra với giá 866 USD (18,3 triệu đồng), trong khi Galaxy Note 3 có giá lên tới 884 USD (18,7 triệu đồng).
"Chúng tôi sử dụng lối suy nghĩ mang tính Internet. Trên Internet, các sản phẩm tốt nhất đều miễn phí. Email miễn phí, phần lớn nội dung là miễn phí. Với mô hình kinh doanh 'miễn phí', bạn có thể thu hút người dùng nhanh nhất. Do đó, chúng tôi cố gắng bán sản phẩm gần với mức giá linh kiện nhất", CEO Lei Jun tuyên bố.
Được thành lập vào năm 2010, phải tới một năm sau Xiaomi mới bắt đầu tung ra các sản phẩm tiêu dùng. Tên của công ty có nghĩa là "cây kê" trong tiếng Trung Quốc. Các thành viên sáng lập của Xiaomi đến từ Google, Microsoft và Kingsoft (một trong những công ty phần mềm tiền khởi tại Trung Quốc).
Hiện tại, giá trị của Xiaomi trên thị trường đã cán mốc 10 tỷ USD, gấp đôi giá bán của BlackBerry cho FairFax và bằng một nửa giá trị của Sony. Doanh thu của công ty trong năm 2012 đạt hơn 2 tỷ USD. Năm ngoái, Xiaomi đạt doanh số 7 triệu máy, và tới năm 2013 công ty chỉ mất 6 tháng để đạt con số này. Năm nay, Xiaomi đặt ra mục tiêu bán ra 20 triệu máy. Để tiện so sánh, Apple bán ra 125 triệu mẫu iPhone vào năm 2012. Có rất ít công ty khởi nghiệp đạt được thành công nhanh chóng như Xiaomi.
CEO Lei Jun của Xiaomi. |
Xiaomi lần đầu đạt được sự chú ý của cộng đồng thế giới vào tháng 7/2013, thời điểm công ty nghiên cứu thị trường Canalys tuyên bố thị phần của Xiaomi (tại Trung Quốc) đã vượt qua cả Apple trong quý thứ 2 của năm. Chỉ trong vòng 1 quý, thị phần của Apple tại Trung Quốc giảm từ 8% xuống còn 5%. Một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là sự ra mắt của Xiaomi Hongmi ("Lúa đỏ"), một chiếc smartphone chỉ có giá khoảng 130 USD (2,8 triệu đồng). Được bán qua mạng, Hongmi bán hết chỉ trong vòng 90 giây. Trong tháng 10, Xiaomi đã vượt mặt HTC để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 5 tại Trung Quốc.
Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của Xiaomi trong thời gian vừa qua là sự góp mặt của Hugo Barra, người từng đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch Android tại Google. Khi đầu quân cho Xiaomi, Barra cho biết rất "ấn tượng" về cách chỉnh sửa Android của Xiaomi. Vị phó chủ tịch này sẽ đảm nhiệm vai trò mở rộng thị phần của Xiaomi trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh giá thành tốt, thành công của Xiaomi còn đến từ sự hợp tác chặt chẽ với China Mobile, nhà mạng lớn nhất thế giới do chính phủ Trung Quốc sở hữu. China Mobile có tới 745 triệu khách hàng, trong đó 465 triệu người sở hữu smartphone. Sự hợp tác với China Mobile cũng là một trong những lý do khiến Samsung đạt được thành công tại Trung Quốc trong khi Apple có thị phần ngày càng giảm. Theo các thông tin bên lề, Apple đang tiến hành phát triển các mẫu iPhone tương thích với mạng 3G của China Mobile.
Các lãnh đạo của Xiaomi cũng thích nói về cách mà công ty đang tập trung vào trải nghiệm người dùng, nhưng cách mà Xiaomi tiếp cận vấn đề này khác hẳn với Apple. Apple tự nghĩ ra những tính năng người dùng có thể sẽ sử dụng và giới hạn khả năng tùy biến sản phẩm. Xiaomi cập nhật phần mềm Android một tuần một lần, khuyến khích các kỹ sư thu nhận phản hồi từ người dùng – theo tuyên bố của CEO Lei Jun tại một hội thảo gần đây.
Chính sách bán nội dung số của Xiaomi cũng khác hoàn toàn so với Apple. Trong nhiều năm liền, gian hàng iTunes tại Trung Quốc hoạt động mà không sinh lợi nhuận, đóng vai trò "vật trang trí" marketing cho các sản phẩm giá cao. Xiaomi đi theo con đường thành công của Amazon: Bán ra phần cứng giá mềm để gia tăng thị phần, sau đó bán ứng dụng và nội dung để bù đắp vào tỉ lệ lợi nhuận thiếu hụt.
Thỏ bông Xiaomi. |
Xiaomi cũng thành công nhờ bán điện thoại trực tuyến tại chính trang chủ của công ty nhằm tiết kiệm chi phí. Gian hàng này bán đủ mọi thứ, từ phụ kiện vỏ ốp cho tới các chú thỏ bông – vật biểu tượng của Xiaomi. Thỏ bông biểu tượng của Xiaomi có giá từ 3 USD (66.000 đồng) tới 24 USD (khoảng 500.000 đồng), và được coi là "sự đóng góp của các fan dành cho Xiaomi". Theo tuyên bố của CEO Lei, "10 đến 20 triệu người mua smartphone của chúng tôi, và 500.000 người mua thỏ bông".
Hiện tại, hệ thống cửa hàng phân phối của Xiaomi cũng đang mở rộng ra toàn bộ Trung Hoa và trở thành lựa chọn số 1 của giới trẻ. Việc bổ nhiệm Hugo Barra cho thấy Xiaomi sẽ sớm mở rộng thị trường ra Đài Loan, Hong Kong và cả châu Âu. Hiện tại, Xiaomi cũng đang nuôi nhiều tham vọng mới: Công ty đang phát triển một mẫu TV 3D kích cỡ 47 inch với giá chỉ 490 USD (khoảng 11 triệu đồng). Không chỉ có vậy, Xiaomi cũng sẽ góp mặt vào cuộc đua công nghệ "hot" nhất trên thế giới: Smartwatch.
Tham vọng này đặt ra những thử thách mới cho Xiaomi. Khi mở rộng thị trường sang các quốc gia, châu lục có nhu cầu rất khác biệt nhau, chưa rõ công ty sẽ làm thế nào để tiếp tục đặt trọng tâm vào trải nghiệm người dùng. Trên thị trường quốc tế, Xiaomi cũng sẽ không có sự giúp đỡ của China Mobile. Quan trọng nhất, chưa rõ Xiaomi sẽ làm thế nào để giữ vững được tỉ lệ lợi nhuận rất thấp của mình.
Xiaomi Mi3. |
Dù sao đi chăng nữa, tiềm năng phát triển của Xiaomi cũng là rất lớn. Theo ABI Research, sản lượng smartphone giá rẻ sẽ tăng từ 238 triệu đơn vị của năm nay lên 758 triệu đơn vị trong năm 2018. Ngay từ thời điểm này, Xiaomi đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho người dùng hạn hẹp kinh phí.
Sự vươn lên của Xiaomi khiến các nhà phân tích thị trường phải băn khoăn Apple sẽ làm thế nào để đối phó với một công ty có chiến lược phát triển khác hẳn với chiến lược kinh doanh "khuôn mẫu" của mình. Trong một bài nghiên cứu của mình, nhà phân tích Mark Newman của Sanford C. Bernstein cho rằng Xiaomi là "một thế lực thay đổi mới, được chúng tôi nhìn nhận rõ ràng là một kẻ thay đổi cuộc chơi tiềm năng".
Trái ngược lại, nhà nghiên cứu Steve Milunovich cho rằng "sẽ là rất ngạc nhiên nếu như Apple có thể bị tấn công dễ dàng như vậy". Tuy vậy, ông cũng khẳng định "rất có thể Apple đang dần trở thành một công ty đưa các công nghệ cao cấp tới những người dùng cao cấp, song lại lờ đi sự tăng trưởng của thị trường cấp thấp vì công ty 'không muốn làm tổn hại tới trải nghiệm người dùng".
Cũng giống như nhiều công ty Trung Quốc khác, Xiaomi tỏ ra rất tự tin (và ngạo mạn): "Apple không quan tâm tới những gì người dùng muốn. Họ tưởng tượng ra những gì người dùng muốn", CEO Lei Jun khẳng định.
"Tôi nghĩ rằng về nhiều mặt, chúng tôi đã vượt qua Apple và Samsung. Chúng tôi yếu hơn họ ở vài mặt, và mạnh hơn ở những mặt khác. Tôi không nghĩ rằng Xiaomi cần thị trường quyết định rằng chúng tôi đang làm tốt hay làm tệ. Chúng tôi cần đi theo đúng kế hoạch của mình".