Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xét nghiệm kháng thể có thực sự là ‘cây đũa thần’ giúp gỡ phong tỏa?

Xét nghiệm kháng thể đang được coi là “chìa khóa” để cuộc sống trở lại bình thường, biết ai đã miễn dịch. Nhưng xét nghiệm này đang được đề cao quá mức, các thách thức bị xem nhẹ.

Hàng chục công ty công nghệ sinh học và phòng lab đang gấp rút sản xuất các bộ xét nghiệm này, quảng bá là “xét nghiệm nhanh” hoặc “xét nghiệm huyết thanh”. Các chính quyền trên khắp thế giới đang nhập hàng triệu bộ xét nghiệm, hy vọng chúng có thể định hướng cho việc nới lỏng giãn cách xã hội, giúp người dân quay trở lại làm việc.

Chính phủ Đức đang tiến hành một cuộc "đại xét nghiệm", lấy mẫu ngẫu nhiên toàn bộ dân số để tìm kháng thể trong những tháng tới nhằm xác định xem bao nhiêu % dân số đã được miễn dịch, từ đó tính toán các bước mở cửa trở lại nền kinh tế, theo New York Times.

Nhiều nhà khoa học chia sẻ sự hào hứng này. David Smith, nhà virus học tại Đại học Tây Australia ở Perth, nói trước mắt cần một xét nghiệm có thể cho các y bác sĩ và nhân viên làm ngành nghề thiết yếu biết liệu họ có đang gặp nguy có nhiễm bệnh không.

Trong tương lai, xét nghiệm này còn có thể đánh giá xem vắcxin nào đang tạo miễn dịch cho người dân.

Thế nhưng, bài viết của Nature lưu ý rằng tương tự mọi công nghệ mới, sự hứa hẹn của xét nghiệm kháng thể có thể đang được đề cao quá mức, còn các thách thức đang bị xem nhẹ.

xet nghiem khang the anh 1

Xét nghiệm kháng thể có thể góp phần đẩy lùi đại dịch, nhưng còn nhiều rào cản cần vượt qua. Ảnh: AFP.

Các bộ xét nghiệm đã có nhiều trên thị trường, nhưng hầu hết không đủ chính xác để khẳng định mọi người đã tiếp xúc với bệnh hay chưa, theo chuyên san Nature.

Ngay cả khi xét nghiệm kháng thể tin cậy được, vẫn chưa thể khẳng định một người đã miễn dịch, theo các nhà khoa học. Sẽ phải mất thời gian nữa để khẳng định xét nghiệm kháng thể hữu ích như kỳ vọng.

“Không xét nghiệm còn hơn là xét nghiệm tệ”, Michael Busch, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vitalant ở San Francisco, trả lời Nature.

Một ví dụ đau đớn là Anh. Thủ tướng Anh nói xét nghiệm kháng thể sẽ “thay đổi cuộc chơi”, sau đó nước này nhận ra 3,5 triệu bộ xét nghiệm đặt hàng của nhiều công ty từ cuối tháng 3 không đủ chính xác.

Xét nghiệm kháng thể được quảng bá quá mức

Xét nghiệm kháng thể cũng đang được giới nghiên cứu tiến hành ở cấp cộng đồng để xác định mức độ lây nhiễm trong một cộng đồng nhất định.

Đây là thông tin rất quan trọng, nhất là khi nhiều nơi chưa thể tiến hành nhiều xét nghiệm PCR - vốn là loại xét nghiệm khẳng định chắc chắn một người có virus hay không. Ngoài ra, nhiều người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng.

xet nghiem khang the anh 2

Một trạm dã chiến thực hiện xét nghiệm kháng thể ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Khi cơ thể nhiễm virus, cơ thể sản sinh ra kháng thể để chiến đấu với virus. Xét nghiệm kháng thể có hai loại: loại dùng trong phòng thí nghiệm, cần các nhân viên trình độ cao, mất khoảng một ngày, và loại “xét nghiệm nhanh” dùng tại chỗ, cho kết quả trong 15 phút.

Nhưng một số công ty, bao gồm Premier Biotech ở Mỹ và Autobio Diagnostics ở Trung Quốc, lại đang quảng bá “xét nghiệm nhanh” tại chỗ cho người bình thường dùng ở nhà, công việc đáng lẽ ra dành cho nhân viên y tế.

Các xét nghiệm này không phát hiện virus, vì vậy không có tác dụng chẩn đoán người nào đó có đang nhiễm virus hay không. Nhưng ở một số nơi, như ở Mỹ và Canada, các xét nghiệm này lại đang được dùng trong một số trường hợp nghi nhiễm Covid-19, mà xét nghiệm PCR tiêu chuẩn cho kết quả âm tính.

Các nghiên cứu ban đầu về người khỏi bệnh Covid-19 cho thấy họ sản sinh ra ba loại kháng thể riêng cho SARS-CoV-2, và các nhà sản xuất xét nghiệm nhắm đến các loại kháng thể này. Chẳng hạn, công ty dược Đức EUROIMMUN đã phát triển xét nghiệm để phát hiện các kháng thể IgG và IgA.

xet nghiem khang the anh 3

Một điểm xét nghiệm ở Denver, bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Vì tình hình cấp bách, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã nới lỏng các quy định, cho phép các xét nghiệm này được tiến hành ở phòng thí nghiệm bởi các nhân viên y tế.

Nhưng FDA yêu cầu phải cảnh báo với bệnh nhân rằng các xét nghiệm này chưa qua quá trình kiểm tra của FDA và không nên chỉ dựa vào kết quả đó để xác nhận nhiễm Covid-19.

Việc cấp phép chóng vánh này là phù hợp trong tình huống đại dịch, ông Smith nói. Biết xem ai đã sản sinh kháng thể sẽ góp phần quan trọng vào việc quản lý bệnh nhân, truy vết tiếp xúc, dù kết quả phải được đọc một cách thận trọng, ông nói với Nature.

xet nghiem khang the anh 4

Một nhân viên y tế cầm bộ xét nghiệm tại một thành phố ở Israel ngày 26/2. Ảnh: AFP.

Xét nghiệm không chính xác có thể “lợi bất cập hại”

Nhưng việc cấp phép và đưa vào sử dụng quá vội vàng ở nhiều nơi cũng có nhiều vấn đề. Một vấn đề lớn là các bộ xét nghiệm đều chưa trải qua quá trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, để đảm bảo chúng tin cậy được, theo ông Busch.

Kathy Hall, quan chức phụ trách chiến lược xét nghiệm Covid-19 của Anh, nói trước một ủy ban Quốc hội Anh rằng chưa nước nào kiểm tra xác nhận được chất lượng của xét nghiệm kháng thể.

Các bộ xét nghiệm nói chung cần phải được kiểm tra để khẳng định tính chính xác trên mẫu số lượng lớn: hàng trăm người đã nhiễm Covid-19, và hàng trăm người không nhiễm, theo Peter Collignon, bác sĩ tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra. Nhưng hầu hết đánh giá hiện nay về xét nghiệm kháng thể chỉ có hàng chục người, vì nhu cầu cần sản xuất bộ xét nghiệm thật nhanh chóng.

Theo Nature, nhiều bộ xét nghiệm là không đủ chính xác về cả độ nhạy (sensitivity) lẫn độ đặc hiệu (specificity). Xét nghiệm chất lượng cao cần đạt độ nhạy và độ đặc hiệu 99% hoặc hơn, có thể hiểu nôm na là mỗi 100 ca dương tính thật và 100 ca âm tính thật thì chỉ được có 1 kết quả dương tính giả và 1 âm tính giả.

Nhưng một số xét nghiệm kháng thể đang được bán có độ đặc hiệu chỉ 40% đối với các ca vừa mới nhiễm virus. Trong một khảo sát 9 xét nghiệm ở Đan Mạch, 3 xét nghiệm phòng lab có độ nhạy 67-93% và độ đặc hiệu 93-100%. Cũng khảo sát này, trên 6 xét nhiệm “tại chỗ” thì có 5 xét nghiệm có độ nhạy chỉ 80-93%, độ đặc hiệu khoảng 80-100%. Nhưng một số xét nghiệm chỉ được thử trên khoảng 30%.

Nhìn chung, độ nhạy của tất cả xét nghiệm tăng lên theo thời gian, cho thấy có thể các kháng thể được tạo ra theo thời gian nhiễm virus. Độ nhạy cao nhất được ghi nhận đối với thời điểm hai tuần sau khi có triệu chứng bệnh.

Các xét nghiệm tại chỗ có độ tin cậy thấp hơn các xét nghiệm trong phòng lab, theo ông Smith. Đó là vì các xét nghiệm tại chỗ dùng mẫu máu nhỏ hơn, thường là chọc ngón tay, và được tiến hành trong môi trường không được kiểm soát chặt như phòng lab. Vì vậy, chúng ta phải nhìn nhận thận trọng.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các “xét nghiệm nhanh” tiến hành tại chỗ, thông qua chọc ngón tay, chỉ nên được dùng cho mục đích nghiên cứu. Nếu các xét nghiệm không đủ tin cậy, “có thể lợi bất cập hại”, ông Collignon nói với Nature.

xet nghiem khang the anh 5

Bộ xét nghiệm virus corona ở Nga, ngày 4/2. Ảnh: AP.

Phụ thuộc thời gian nhiễm virus

Một điều chưa rõ trong việc xét nghiệm kháng thể là liên hệ giữa thời gian nhiễm virus và độ chính xác. Nếu xét nghiệm quá sớm sau khi một người nhiễm bệnh, cơ thể có thể chưa sản sinh ra kháng thể. Nhưng giới khoa học chưa biết thời gian đó là bao lâu.

Ngược lại, có thể có hiện tượng dương tính giả, chẳng hạn nếu xét nghiệm phát hiện nhầm kháng thể của bệnh khác, theo ông Smith. Một khảo sát đối với xét nghiệm kháng thể của hãng EUROIMMUN cho thấy xét nghiệm phát hiện ra kháng thể trên ba người mắc Covid-19, nhưng cũng phát hiện được kết quả dương tính giả ở hai người nhiễm chủng khác của virus corona.

Việc làm rõ các vấn đề trên mất thời gian, và cần nhiều lần thử sai, theo ông Collignon. Mất vài năm để phát triển xét nghiệm kháng thể cho virus HIV để có độ đặc hiệu trên 99%.

xet nghiem khang the anh 6

Phòng thí nghiệm xét nghiệm virus corona ở California. Ảnh: AP.

Khỏi bệnh chưa chắc đã miễn dịch

Một câu hỏi lớn khác là liệu nhiễm bệnh có mang lại khả năng miễn dịch với bệnh hay không. Để miễn dịch, cơ thể cần sản sinh ra kháng thể trung hòa (neutralizing antibody), có thể ngăn virus xâm nhập tế bào.

Nhưng chưa rõ có phải toàn bộ người từng nhiễm Covid-19 sản sinh ra những kháng thể này hay không. Một khảo sát chưa được công bố trên 175 người ở Trung Quốc đã hồi phục cho thấy 10 người không có kháng thể trung hòa, dù họ có mức độ cao các kháng thể khác. Chưa rõ những người này có trở nên miễn dịch hay không.

Cho đến nay, dù có các trường hợp “dương tính lần hai” các nhà nghiên cứu chưa có bằng chứng cho thấy một người có thể “bị nhiễm virus trở lại”.

“Chúng ta nên giả sử rằng một khi nhiễm, khả năng bạn bị nhiễm lần hai trong 2-3 tháng là khá thấp”, ông Collignon nói với Nature. Nhưng khả năng miễn dịch được bao lâu sau đó vẫn là dấu hỏi.

Ngay cả khi đa số người nhiễm có sản sinh ra “kháng thể trung hòa”, như theo khảo sát ở Trung Quốc nói trên, hầu hết xét nghiệm hiện tại không phát hiện ra chúng. Những xét nghiệm phát hiện được kháng thể trung hòa thường rất phức tạp trong khâu nghiên cứu và khó nhân rộng.

Thực trạng này - xét nghiệm kháng thể bán trên thị trường không phải loại phát hiện được kháng thể trung hòa - có tầm quan trọng lớn, giữa lúc các chính khách cổ xúy cho ý tưởng dùng xét nghiệm kháng thể để cấp “hộ chiếu miễn dịch”, cho phép ai được quay lại làm việc hay nới lỏng phong tỏa.

Giới nghiên cứu vẫn còn đang nghiên cứu liệu những kháng thể mà xét nghiệm phát hiện được có mối liên hệ nào với miễn dịch thực sự hay không, theo ông Smith.

Một vấn đề khác với “hộ chiếu miễn dịch” là xét nghiệm kháng thể không thể khẳng định một người từng nhiễm bệnh không còn lây bệnh nữa. Một nghiên cứu đăng trên Nature trong tháng này cho thấy lượng ARN của virus giảm dần sau khi cơ thể có kháng thể, nhưng sự hiện diện của ARN này đồng nghĩa với việc người đó vẫn có thể ho hoặc hắt hơi ra virus.

Bất chấp các thách thức, một khi xét nghiệm kháng thể được hoàn thiện, chúng sẽ là công cụ quan trọng để tìm hiểu xem nhóm nào, cộng đồng nào đang lan truyền virus và làm sao để kiềm tỏa sự lây lan, theo ông Collignon. Chúng cũng có thể hỗ trợ các xét nghiệm PCR “chính thống” khi xét nghiệm PCR cho kết quả nghi ngờ, ông Smith nói thêm.

Làn sóng người Hàn dương tính lại với Covid-19 tăng dù đã hồi phục

Hơn 160 người Hàn Quốc xét nghiệm dương tính lần thứ hai với virus corona, cho thấy virus có thể tồn tại trên người lâu hơn dự tính, một khảo sát mới cho thấy.

Xét nghiệm huyết thanh - ‘chìa khóa’ để mở cửa lại sau phong tỏa

Đó là xét nghiệm cho thấy ai đã từng nhiễm Covid-19 và về lý thuyết có thể quay trở lại làm việc. Những người đó sẽ là bước đầu tiên để kinh tế thoát khỏi tình trạng đóng băng.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm