Là một trong những nhà văn Mỹ vĩ đại, các tác phẩm của Toni Morrison luôn được tôn trọng và đánh giá cao về giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc. Trong suốt sự nghiệp của mình, Morrison đã viết 11 cuốn tiểu thuyết cùng nhiều tác phẩm đa dạng thể loại như phi hư cấu, truyện ngắn, tiểu luận, bình luận chính trị và văn học thiếu nhi. Ảnh: Forbes. |
11. Love (2003) kể về nhân vật Bill Cosey cùng những mối quan hệ phức tạp trong gia đình giàu có và những người phụ nữ xung quanh ông. Trong đó, cuộc đời của hai người phụ nữ Heed và Christine cùng quá khứ chung với gia đình Cosey được đặc tả để làm rõ sự cạnh tranh và hòa giải của họ. Lối kể chuyện bằng văn xuôi phong phú của Morrison và sự sáng tạo trong cách phát triển nhân vật đã diễn tả được những sắc thái phức tạp và đa dạng của cốt truyện. Ảnh: Rakuten. |
10. Paradise (2003) là câu chuyện về Ruby, một thị trấn nhỏ của người da màu ở Oklahoma. Là hậu duệ của những nô lệ và người tị nạn trốn thoát khỏi xã hội cũ, người dân Ruby gia trưởng và sống trong một xã hội quy định nghiêm ngặt. Cách không xa Ruby là thị trấn Convent, nơi phụ nữ nổi dậy chống lại chế độ nam quyền. Cuộc đối đầu bạo lực giữa hai bên đã nổ ra và gợi đến sự xung đột giữa truyền thống và thay đổi trong xã hội. Ảnh: Anna Bidoonism. |
9. Recitatif (1983) là truyện ngắn duy nhất của Morrison, kể về mối quan hệ giữa hai người bạn thời thơ ấu Twyla và Roberta. Sau khi mất liên lạc trong nhiều năm, hai người bạn kết nối lại nhưng nhận ra rằng thời gian và trải nghiệm đã thay đổi nhận thức của họ. Sức mạnh biến đổi của thời gian và kinh nghiệm sống là chủ đề trọng tâm trong Recitatif, từ đó nhắc nhở người đọc suy ngẫm về góc nhìn của họ. Ảnh: LA Times. |
8. A Mercy (2008) là một bức chân dung đầy ý nghĩa và được viết rất đẹp về những ngày đầu của chế độ nô lệ ở cuối thế kỷ 17. Tác phẩm theo chân Florens, cô gái nô lệ da màu trẻ bị mẹ bỏ rơi và bị chủ gán nợ. Tại nơi ở mới, Florens tìm kiếm sự an ủi và chấp nhận từ những người cùng dân tộc. Trong A Mercy, Morrison giúp người đọc nhìn vào sự tương tác giữa nam và nữ nô lệ trong những ngày đầu lịch sử. Ảnh: The First Edition Rare Books. |
7. Trong Jazz (1992), Morrison đưa độc giả đến với câu chuyện của người bán hàng Joe Trace vào những năm 1920 khi giết chết cả người tình trẻ Violet và sau đó là người vợ Violent. Morrison đã sử dụng kỹ thuật viết mang âm hưởng nhạc jazz để truyền tải ý tưởng của mình một cách tinh tế, gợi cảm trong khi vẫn thể hiện thành công hiện thực về sự phản bội, tình yêu, sự bất công và sự cứu chuộc. Ảnh: NYT. |
6. Sula (1973) là câu chuyện về hai người bạn Sula Peace và Nel Wright, lớn lên cùng nhau ở vùng Trung Tây nhưng sau đó đi theo những con đường khác nhau. Morrison đã dõi theo hành trình của họ từ thời thơ ấu cho đến khi chết với đầy đủ cung bậc của cái thiện, cái ác, tình bạn chân thành và sự phản bội xấu xa. Thông qua đó, vai trò của những người phụ nữ da màu trong cộng đồng cũng được hé lộ. Ảnh: Substack. |
5. Tar Baby (1981). Lấy bối cảnh trên một hòn đảo Caribe, đây là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn thời hiện đại tập trung vào mối quan hệ đầy sóng gió giữa người mẫu thời trang da màu Jadine Child và Son, một người da màu trôi dạt. Dựa trên khung hình tương phản rõ rệt giữa sự hòa nhập của Jadine vào nền văn hóa da trắng và đặc quyền có được từ đó, Morrison đã khéo léo nêu bật lên các vấn đề về chủng tộc, văn hóa, lòng trung thành và sự phản bội. Ảnh: Rare Book Cellar. |
4. The Source of Self-Regard (2019) là tập hợp các bài tiểu luận, bài phát biểu, bài suy ngẫm và kiến thức hàng thập kỷ của Morrison. Được ra mắt trước khi bà qua đời, cuốn sách chứa đựng nhiều chia sẻ và trải nghiệm trên đa dạng chủ đề, từ chủng tộc, lịch sử đến nghệ thuật, văn hóa, việc trao quyền cho phụ nữ, nhân quyền, trải nghiệm của người Mỹ da màu và sự giao thoa của nhiều giá trị khác. Hơn hết, cuốn sách thể hiện trí tuệ của Morrison, không chỉ với tư cách là một tiểu thuyết gia mà còn là một nhà tư tưởng và nhà bình luận xã hội sâu sắc. Ảnh: Readingontherun. |
3. Song of Solomon (1977) là câu chuyện sử thi kéo dài nhiều thập kỷ và mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc đa chiều về cuộc phiêu lưu của Milkman nhằm tìm lại cội nguồn và di sản văn hóa. Cốt truyện Song of Solomon giàu tính biểu tượng, hệ thống nhân vật phức tạp và hình ảnh giàu sức gợi là một hành trình hấp dẫn người đọc. Trong khi nhận được sự hoan nghênh trên khắp nước Mỹ, cuốn sách vẫn vấp phải một số tranh cãi về nội dung người lớn. Ảnh: Biblio Lifestyle. |
2. The Bluest Eye (1970) là tác phẩm đầu tay và cũng mang giá trị kinh điển của Morrison. Đây là câu chuyện về cô bé da đen Pecola Breedlove, 11 tuổi, luôn khao khát được xã hội chấp nhận thông qua mong muốn có đôi mắt xanh. Lấy bối cảnh những năm 1940 ở Lorain, Ohio, quê hương của Morrison, cuốn tiểu thuyết đi sâu vào bản sắc cộng đồng, sự bất công và niềm khao khát những điều không thể đạt được. Ảnh: Onthefoothills. |
1. Beloved (1987). Được coi là kiệt tác của Morrison, đây là câu chuyện về nỗi đau của chế độ nô lệ và những vết sẹo dường như không thể lành. Lấy bối cảnh nước Mỹ thời hậu nội chiến, cuốn sách kể về sự đau khổ của nữ nô lệ Sethe và gia đình khi chạy trốn, bị truy đuổi và sự ám ảnh dù đã nhiều năm được tự do. Với cách tiếp cận chân thực đối với những tổn thương của người sống sót sau chế độ nô lệ, cuốn sách đã đoạt giải Pulitzer năm 1988 và giải Nobel văn học năm 1993. Ảnh: Stella &Rose's books. |
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.