Toni Morrison là nhà văn đã dày công tìm hiểu bản sắc người gốc Phi trên đất Mỹ và đặc biệt là trải nghiệm của những người phụ nữ da đen nơi viễn xứ. Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giành giải thưởng Nobel về văn học, là tác giả của 11 cuốn tiểu thuyết cũng như các cuốn sách thiếu nhi và các tập tiểu luận. Năm 2018, Oprah Winfrey đã phát biểu về bà: “Bà là lương tri, là ngôn sứ của chúng tôi, cũng là người nói lên sự thật về chúng tôi.”
Tất cả các tác phẩm của bà đều xoay quanh hành trình của những người da đen trên đất Mỹ. Mỗi tác phẩm đều là một nỗ lực của Toni Morrison trong việc tách văn hóa Mỹ gốc Phi ra khỏi tầm ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa châu Âu. Bà không ngần ngại phơi bày ra ánh sáng những trang sử tối tăm của một chủng tộc bị đối xử tàn tệ và giáng cấp, một quá khứ đau thương đến không tưởng của một thời đại thiếu vắng tình yêu thương. Ám ảnh về căn cước dân tộc của bà sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta ngày hôm nay.
Nữ nhà văn Toni Morrison. Ảnh: USA Today. |
Để tôn vinh ngọn hải đăng huyền thoại của văn hóa người Mỹ gốc Phi, chúng ta hãy cùng điểm qua và tìm đọc 11 cuốn tiểu thuyết của bà:
The Bluest Eye (1970)
Cuốn tiểu thuyết đầu tay này kể về một cô gái da đen Pecola lớn lên ở Lorain, Ohio (quê hương Toni Morrison) trong những năm sau cuộc Đại khủng hoảng. Pecola luôn bị trêu chọc về làn da, mái tóc và đôi mắt đen của cô, khiến cô luôn thường trực sống với mặc cảm và tự ti, cô khao khát những đặc điểm của người da trắng mà cô cho là đẹp hơn, đặc biệt là một đôi mắt biếc. Nỗi khao khát đôi mắt biếc này thể hiện nỗi đau đớn tột cùng của những bản sắc tự bôi xóa chính mình. Nhưng khi cô gái trẻ cầu nguyện có được đôi mắt xanh, cuộc sống cá nhân của cô có một bước ngoặt đau lòng.
Sula (1973)
Sula đưa độc giả qua cuộc sống và những chặng đường đời khác nhau của hai người bạn thân thiết: Nel và Sula. Một người quyết định ở lại quê nhà và chăm sóc gia đình, trong khi người kia đi học đại học, tận hưởng cuộc sống thành phố. Họ sớm tái hợp, nhìn lại những khác biệt và hệ quả của những lựa chọn cuộc sống của chính họ.
Song of Solomon (1977)
Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Morrison, là sự pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thực, truyện ngụ ngôn và giả tưởng. Tác phẩm đã giành được National Book Critics Circle Award năm 1978. Tác phẩm kể về cuộc đời của Macon Dead (còn gọi là Milkman) và những nhân vật vây quanh anh, đưa đến một thông điệp hùng hồn: Giữ vững bản sắc cội nguồn là căn cước của sự sống.
Tar Baby (1981)
Tiểu thuyết lãng mạn này mô tả mối tình khó có thể xảy ra của một cặp vợ chồng trẻ da đen đến từ hai thế giới khác nhau: Jadine là một người mẫu thời trang xinh đẹp quen với cuộc sống thượng lưu; Son là một người dân nhập cư sống trong bần hàn. Hai vợ chồng đã cùng chiến đấu để sống trong một thế giới nơi những khác biệt bề ngoài không tạo ra khoảng cách. Các nhân vật đã thẳng thừng chối bỏ “gia phả” vì hạnh phúc cá nhân.
Beloved (1987)
Toni Morrison có lẽ được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của bà mang tên Yêu dấu. Cuốn sách đã giành giải thưởng Pulitzer năm 1988, được chuyển thể thành phim năm 1998 với diễn viên chính là Oprah Winfrey. Câu chuyện kể về Sethe, một nô lệ trốn thoát đến Ohio vào những năm 1870. Dù được tự do, cô vẫn luôn thấy mình bị ám ảnh bởi những tổn thương trong quá khứ và những bóng ma của thời kỳ nô lệ kinh hoàng. "Yêu dấu được viết bằng một thứ văn xuôi không cực đoan, vừa giàu có, duyên dáng, kỳ lạ, thô ráp, trữ tình, tội lỗi, vừa thông tục và đi thẳng vào nhiều vấn đề", Margaret Atwood đã viết trong một bài phê bình năm 1987 cho tờ New York Times như thế.
Tiểu thuyết Yêu dấu, Toni Morrison. Ảnh: NN. |
Jazz (1992)
Lấy bối cảnh năm 1920, câu chuyện lịch sử này mô tả mối tình tay ba đầy kịch tính của nhân viên bán hàng Joe, cô vợ Violet và cô bạn gái tuổi teen Dorcas. Một sự kiện bất ngờ xảy đến, sau khi Dorcas bắt đầu phẫn nộ và từ chối Joe, anh đã giết chết cô gái trẻ. Cuốn tiểu thuyết cho phép độc giả tiếp cận thế giới cảm xúc phức tạp của các nhân vật chính trong hoàn cảnh sống bi thảm.
Paradise (1997)
Đây là tác phẩm được Câu lạc bộ sách của Oprah lựa chọn năm 1998. Paradise ghi lại những sự kiện dẫn đến một hành động bạo lực gây sốc ở Ruby, một thị trấn toàn người da đen cư ngụ. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên xuất bản của Morrison sau khi giành giải thưởng Nobel Văn học năm 1993. Cuốn tiểu thuyết hé lộ lịch sử đau đớn của cả một cộng đồng người thời thiên đường đã mất.
Love (2003)
Tập trung xung quanh một chủ khách sạn đột ngột qua đời qua một tình huống đáng ngờ tên là Bill Cosey, cuốn tiểu thuyết mở ra nhiều ngã rẽ về cuộc đời của nhiều phụ nữ có chung mối quan hệ với nhân vật chính. Những người phụ nữ này đã lấp đầy cuộc sống của Cosey bằng tình yêu và sự khốn khổ của họ.
A Mercy (2008)
Cuốn sách mang đến cái nhìn sâu sắc về nạn buôn bán nô lệ những năm 1680. Độc giả sẽ theo chân một nhà thám hiểm người Anh gốc Hà Lan, người đã bắt một cô gái trẻ tên Florens để gán nợ. Cô gái làm việc tại trang trại của anh, tìm kiếm tình yêu và sự bảo vệ từ những người xung quanh cùng cảnh ngộ. Tiểu thuyết đã lật lại những trang sử đầy tủi nhục và nước mắt của một chủng tộc bị đọa đày và bị giáng cấp.
Home (2012)
Frank Money, một cựu chiến binh da đen trẻ tuổi của chiến tranh Triều Tiên, sau khi trở về nhà lại bị đẩy vào một cuộc chiến mới với những chấn thương chưa kịp lành. Cuối cùng anh ta trở về quê nhà Georgia để cứu em gái bị lạm dụng. Cuốn tiểu thuyết mang trong nó nỗi hoài vọng những giá trị nhân văn sâu sắc như sự trở về cõi thiện nguyên sơ.
God Help the Child (2015)
Như tên gọi, cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh thế kỷ 21 thể hiện một niềm tin khởi thủy Thượng đế cứu vớt nhân sinh. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Bride, là một người phụ nữ có làn da ngăm đen tuyệt đẹp và tự tin, nhưng những đặc điểm khiến người mẹ có làn da sáng hơn không thể trao gửi tình yêu, thậm chí đẩy cô vào hoàn cảnh bị lạm dụng tàn nhẫn.
“Hãy kể cho chúng tôi nghe những con tàu bị đẩy ngược ra khỏi bờ vịnh ngày Phục Sinh, nắm rau hồng máu trên cánh đồng. Hãy kể cho chúng tôi nghe về những toa gông tàu chất đầy nô lệ, họ hát nho nhỏ thầm thì ra sao, hơi thở của họ không phân biệt nổi với tuyết đang rơi trắng…” (Trích từ bài diễn từ Nobel Văn học năm 1993 của Toni Morrison).
Trải qua một cơn bệnh không kéo dài, Toni Morrison đã không còn có thể kể cho chúng ta những câu chuyện từ lăng kính của bà, không còn tác phẩm nào nữa có thể được viết ra, nhưng di sản mà bà để lại sẽ mãi còn ngân vang những thông điệp.