Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xem xét sử dụng ảnh CMND thay ảnh chân dung của chủ thuê bao

Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng khi chủ thuê bao đã có chứng minh nhân dân chính chủ, có thể lấy ảnh trên chứng minh (còn trong hạn) sử dụng làm ảnh bổ sung thông tin cho nhà mạng.

Liên quan đến việc yêu cầu chủ thuê bao di động phải bổ sung thông tin, ảnh chân dung cho nhà mạng, tại buổi làm việc với các nhà mạng và một số cơ quan chiều 10/4, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng với các thuê bao đã xác định chính chủ, chỉ cần cập nhật thêm dữ liệu còn thiếu. Khi có chứng minh nhân dân (CMND) chính chủ, nhà mạng có thể lấy ảnh trên CMND (còn trong hạn sử dụng) làm ảnh chụp. Cần tìm cách linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng dịch vụ dễ dàng cập nhật lại thông tin thuê bao trong trường hợp thông tin chưa chính xác. Đảm bảo hoàn thành mục tiêu cơ sở dữ liệu thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định.

Theo thống kê, hiện có khoảng 34/38 triệu thuê bao thông tin chưa chính xác. 

chup anh chan dung chinh chu anh 1
Theo Bộ TT&TT, có thể xem xét sử dụng ảnh tại CMND thay vì yêu cầu người dùng chụp chân dung mới. Ảnh: Ngô Minh.

Các đơn vị có liên quan cần xem xét để sớm trình Nghị định sửa đổi Nghị định 174/2013/NĐ-CP cho hợp lý. Ví dụ đã có CMND mới trong 5 năm thì có cần chụp nữa không, hay lấy luôn ảnh đó nhằm đảm bảo thuận lợi cho khách hàng.

Về vấn đề bổ sung thông tin thuê bao, Bộ cho rằng các nước khác có cơ sở dữ liệu công dân thì chỉ cần đưa chứng minh thư đến đối chiếu, trong khi Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu công dân nên cần có biện pháp khác hữu hiệu hơn.

Giữa năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP, yêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại mới phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là "hình chụp chân dung chính chủ".

Nếu quá thời hạn 2 tháng kể từ ngày thuê bao nhận được tin nhắn mà vẫn chưa bổ sung hình chân dung, khách hàng sẽ bị cắt dịch vụ.

chup anh chan dung chinh chu anh 2

Bộ TT&TT cho hay tổng số SIM có dấu hiệu nghi vấn là SIM rác khoảng hơn 28 triệu, sau đó đã có khoảng 4 triệu SIM thuê bao đi đăng ký lại thông tin.

Theo đó, tổng số thuê bao bị khóa tài khoản, thu hồi là hơn 24 triệu, tình trạng SIM có sẵn tài khoản khủng, SIM được khuyến mại vượt mức giảm rõ rệt.

Từ tháng 5/2017, 5 doanh nghiệp viễn thông lớn đã thống nhất 160.000 mẫu tin nhắn (trước đó chặn riêng lẻ, dẫn đến lỗ hổng là các nhà mạng ném rác sang nhau) và các nhà mạng chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung (riêng Gtel chưa triển khai).

Sau khi đưa hệ thống ngăn chặn thông minh và chia sẻ dữ liệu dùng chung, Viettel đã chặn hơn 41,6 triệu tin nhắn rác từ các nhà mạng trong năm 2017 và hơn 18,1 triệu tin nhắn rác trong 3 tháng đầu năm 2018. Vinaphone chặn hơn 138,1 triệu năm 2017 và chặn hơn 4,4 triệu trong 3 tháng đầu năm 2018. MobiFone cũng chặn hơn 14,8 triệu tin.

Đến lượt VinaPhone và MobiFone yêu cầu chủ thuê bao gửi ảnh chân dung

Theo VinaPhone và MobiFone, việc thu thập thông tin, ảnh chân dung nhằm hoàn thiện thông tin thuê bao theo Nghị định 49. Thuê bao sẽ có thể bị khoá một chiều nếu không đáp ứng.





Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm