Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xem xét cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi

Trước đề nghị xem xét kỹ đề xuất cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi, Bộ trưởng Công an cho biết việc này tạo thuận lợi trong quản trị xã hội, đáp ứng nhiều yêu cầu thực tế.

Sáng 17/3, tại ngày làm việc thứ 3 của phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với hai dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (Sửa đổi).

Với riêng Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 và thông qua tại kỳ họp tháng 10.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình phương án này.

Cân nhắc bổ sung đối tượng cấp CCCD

Báo cáo thẩm tra dự án Luật CCCD (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết cả 4 chính sách được đề xuất sửa đổi cơ bản chỉ tập trung quy định liên quan đến thẻ CCCD, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, không phải sửa đổi tổng thể, toàn diện các chính sách lớn của Luật.

Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục làm rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều.

Về quy định cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị cân nhắc bổ sung quy định này.

Theo đó, các cơ quan cho rằng ở độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác. Đồng thời, phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.

Cùng với đó, hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ cho dù là không bắt buộc vẫn phát sinh chi phí.

cap can cuoc cong dan anh 1

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật CCCD (sửa đổi) sáng 17/3. Ảnh: Phạm Thắng.

Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật Căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp thẻ CCCD cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng chính sách cấp thẻ CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận trong thẻ căn cước, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.

Về đề nghị thay thế giấy chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ CCCD, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành đề xuất này của Chính phủ.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bỏ sổ hộ khẩu giấy, cơ quan đề nghị đánh giá tác động kỹ về vấn đề này để từ đó xác định lộ trình thay thế phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân.

Hướng đến công dân các nước ASEAN đi lại không cần hộ chiếu

Làm rõ thêm các nội dung đề xuất trong Luật CCCD (sửa đổi), Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Luật CCCD đã thi hành gần 7 năm, trong khi Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu đến năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam được quản lý trong hệ thống dân cư quốc gia thống nhất.

"Giờ đã giữa nhiệm kỳ, đến năm 2030 còn vài năm nữa, cơ sở dữ liệu này nếu không hoàn thành sớm rất khó đạt mục tiêu", theo Bộ trưởng Công an.

Về đề xuất cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi, đại tướng Tô Lâm cho biết đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để cung cấp số liệu trẻ em của từng xã, phường.

Từ đó, các đơn vị tính toán hệ thống đào tạo giáo dục và cư trú, bao nhiêu trẻ em đang cư trú có hoặc không có hộ khẩu đang tạm trú tại địa bàn. Việc này phục vụ tốt cho các kỳ thi.

Theo ông Lâm, Nhà nước đang hướng đến Chính phủ điện tử thì trẻ em cũng phải được tham gia các hoạt động giao dịch.

"Bây giờ đăng ký sim điện thoại phải có căn cước, vậy các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không hay phải đăng ký của bố mẹ để dùng. Ngay cả các hoạt động trên môi trường mạng, trẻ cũng được quyền tham gia", đại tướng Tô Lâm lấy ví dụ.

Do đó, Bộ trưởng Công an cho rằng cần hoàn thiện những vấn đề trên để tránh những bất cập. Theo ông, ngay cả trẻ em mới sinh ra cũng có thể được cấp hộ chiếu ngay vì đây là yêu cầu quốc tế.

cap can cuoc cong dan anh 2

Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm rõ một số nội dung được đề xuất trong Luật CCCD (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng.

Cho rằng CCCD hiện là một trong những giấy tờ cá nhân hiện đại trên thế giới, đại tướng Tô Lâm cho biết các nước trong khối ASEAN đang phấn đấu thống nhất các loại giấy tờ. Ý tưởng này đang được Singapore và Malaysia đi đầu thực hiện.

"Trên thực tế, cộng đồng châu Âu đi lại không cần xin visa, và tiến đến công dân các nước trong ASEAN đi lại với nhau cũng không cần hộ chiếu. Sau khi các nước trong khu vực thống nhất, người dân có thể đi lại các nước ASEAN bằng CCCD", Bộ trưởng Công an nói.

Từ những lý do trên, ông Lâm cho rằng để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, không nên có khoảng trống trong Luật CCCD khi công dân không có được giấy tờ. Trong khi đó, việc cấp CCCD không ảnh hưởng đến quyền giám hộ của trẻ mà ngược lại tạo sự thuận lợi.

Cùng với đó, đại tướng cho biết thay vì cấp vô thời hạn như người lớn, cơ quan soạn thảo đề xuất với trẻ dưới 14 tuổi, CCCD sẽ được cấp 5 năm một lần do đặc trưng của trẻ em có sự phát triển.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cho rằng đứng về mặt quản trị xã hội, việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi cũng rất thuận lợi trong trường hợp trẻ đi lạc, gặp sự cố, người giúp đỡ có thể biết thông tin của trẻ để liên hệ với người thân, thay vì phải đăng tin tìm người nhà.

"Tôi cho rằng việc cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi phải được thảo luận rất kỹ, vì đây là nội dung gắn với đời sống xã hội và tạo sự tiện lợi trong quản lý Nhà nước", Bộ trưởng Công an nói.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Bài liên quan

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm