Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Bình ổn giá phải bảo vệ lợi ích của người yếu thế

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc bình ổn giá cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế.

Sáng 15/3, trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo này sẽ được trình lên Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Trong đó, các đại biểu thảo luận về hai vấn đề chính còn nhiều ý kiến bao gồm: thẩm định giá và quỹ bình ổn giá.

Đề nghị chia nguyên tắc định giá thành hai khoản

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được chỉnh lý, giải trình đầy đủ sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Tuy nhiên, còn nhiều nội dung có ý kiến khác nhau cần được cho ý kiến, thảo luận thêm.

Trong đó tại khoản 1 điều 17 về tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong trường hợp giá có biến động tác động đến đời sống người dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung cụm từ “biến động lớn”.

Cùng với đó, ông Huệ đề nghị nghiên cứu đổi tên “quỹ bình ổn giá” theo hướng rộng hơn bao gồm các cả biện pháp bình ổn giá.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế.

“Trên thực tế có những tình huống rất bất ngờ, đặc biệt như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp. Khi đó, Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt”, theo Chủ tịch Quốc hội.

luat gia sua doi anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sáng 15/3. Ảnh: Phạm Thắng.

Cơ bản đồng tình với nguyên tắc định giá, ông Huệ cho rằng nguyên tắc này nên tách ra thành hai khoản.

Cụ thể, hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương phát triển từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Với hàng hóa dịch vụ khác không được quy định tại điều 21 của dự thảo, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản, hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí có lãi, đảm bảo quy luật cung cầu cạnh tranh của thị trường.

Về phương pháp định giá, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu chỉ quy định những vấn đề về nguyên tắc như dự thảo Luật thì sẽ “vừa thừa, vừa thiếu” nên có thể quy định giao Chính phủ hoặc bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư quy định chi tiết việc này.

Ngoài ra, có thể quy định theo hướng cho phép Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội góp ý thêm về việc điều chỉnh quy định kê khai giá, niêm yết giá cần được xem xét thêm để chặt chẽ và có tính khả thi.

Cần duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu

Cho ý kiến về quỹ bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần giữ các quy định sẵn có ở Luật hiện hành.

Trong đó, quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Quỹ này chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá.

Cùng với đó, ông Tùng ủng hộ việc duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, dự thảo Luật đang quy định đưa ra khỏi danh mục một số danh mục, dịch vụ. Ông Tùng cho rằng cần có sự rà soát kỹ lưỡng và lấy thêm ý kiến bộ, ngành quản lý các mặt hàng này.

“Chẳng hạn, cần cân nhắc quy định Nhà nước định giá nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Nhà ở cũng đang được sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thực hiện đúng những chính sách của Nhà nước”, ông Tùng nói.

luat gia sua doi anh 2

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), kịp trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới. Ảnh: Phạm Thắng.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện.

Theo ông Phớc, dự thảo luật sẽ quy định theo hướng Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn phương pháp định giá chung, đối với các giá chuyên ngành, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quản lý, đối với các mặt hàng chuyên ngành thì do cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì.

Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết quỹ này nhằm đảm bảo quỹ hoạt động một cách bình ổn nhất; đảm bảo vai trò quản lý phải nộp vào đầy đủ kịp thời. Theo đó, Nghị định 95 sửa đổi sẽ đề xuất Bộ Công thương quản lý một cách chặt chẽ hơn…

Về trách nhiệm kê khai và chịu trách nhiệm về thông tin kê khai, Bộ Tài chính sẽ báo cáo lại Chính phủ và làm rõ hơn về nội dung này.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

Luật Đất đai sửa đổi: Cần có cơ quan định giá độc lập

Các chuyên gia góp ý sau khi bỏ khung giá đất, Nhà nước cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá hàng năm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Luật Đất đai sửa đổi: Đền bù tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ là thế nào?

Nhiều chuyên gia cho rằng cần làm rõ yếu tố "tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ" trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi quy định về cơ chế bồi thường, tái định cư sau khi thu hồi đất.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm