Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe đạp điện vừa chạy vừa lo sự cố

Bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một chiếc xe đạp điện nhưng người tiêu dùng vẫn không an tâm bởi chất lượng cũng như chế độ bảo hành của loại xe này.

Xe đạp điện vừa chạy vừa lo sự cố

Bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một chiếc xe đạp điện nhưng người tiêu dùng vẫn không an tâm bởi chất lượng cũng như chế độ bảo hành của loại xe này.

>> Xe đạp điện nhỏ xinh đến từ Thụy Sĩ
>> Bất ngờ với xe đạp điện một bánh

Chủ yếu là hàng tàu

Mấy năm gần đây, xe đạp điện đang được nhiều người dân quan tâm tìm mua bởi sự tiện lợi cũng như tiết kiệm một phần chi phí xăng dầu. Người già và học sinh là khách hàng phổ biến của loại xe này.

Dạo qua các tuyến phố như Tôn Đức Thắng, Phố Huế, lượng xe đạp điện được bày bán la liệt với đủ chủng loại từ những tên tuổi như Yamaha, Honda đến những hãng của Trung Quốc, Đài Loan,... Số lượng hãng xe đạp điện sản xuất lắp ráp trong nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Giá xe cũng phụ thuộc vào tên tuổi của hãng sản xuất và thiết kế, kiểu dáng, trung bình mỗi chiếc xe đạp điện khoảng trên dưới 10 triệu đồng/chiếc, một số loại xe có giá lên tới 20 triệu đồng/chiếc.

Anh Tuấn, nhân viên một cửa hàng trên đường Tôn Đức Thắng cho hay, xe đạp điện của cửa hàng được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, mỗi ngày cửa hàng cũng bán được hơn chục chiếc, ngày cuối tuần lên tới 30, 40 chiếc.

Theo anh Tuấn, hiện nay nhu cầu mua xe đạp điện tăng cao do xăng dầu đắt, bên cạnh đó giao thông không thuận tiện nên nhiều người đã chuyển từ xe máy sang đi xe đạp điện. Trong khi nhiều cửa hàng xe máy phải đóng cửa, thu hẹp kinh doanh vì ế ẩm thì thị trường xe đạp điện vẫn hoạt động ổn định. Lượng hàng chuyển về các tỉnh vẫn chiếm phần lớn doanh số của cửa hàng này.

Chị Hậu, cửa hàng xe đạp điện Việt Nhật cũng trên đường Tôn Đức Thắng không tiết lộ về doanh thu mỗi tháng nhưng chị cho hay tiền thuê mặt bằng 30 triệu đồng/tháng, tiền trả lương nhân viên hơn 20 triệu đồng/tháng, chưa kể tính thuế và các khoản khác. Phép tính đơn giản, ít nhất mỗi tháng cửa hàng cũng lãi vài trăm triệu đồng. Thời gian gần đây, lượng khách hàng có nhu cầu mua xe đạp điện tăng mạnh. Cửa hàng hiện đang bán các loại xe đạp điện của Bridgestone, Yamaha, Honda, các hãng này đều nhập từ Đài Loan hoặc Trung Quốc, giá bán từ 11-14 triệu đồng/xe tùy loại.

Đa phần là xe đạp điện Trung Quốc

Theo khảo sát tại một số cửa hàng, lượng xe đạp điện mang thương hiệu Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu phân phối tại các tỉnh lẻ. Những loại xe này thường nhập linh kiện từ Trung Quốc, chỉ lắp ráp tại Việt Nam. Với tỷ lệ tới 70% linh kiện, phụ tùng nhập từ Trung Quốc hoặc Đài Loan, giá "xe nội" cũng rẻ hơn so với các loại xe nhập. Thị trường xe máy ế ẩm, một số doanh nghiệp lắp ráp xe gắn máy bắt đầu tìm cách nhập khẩu linh kiện xe đạp điện, chỉnh sửa lại dây chuyền lắp ráp để chuẩn bị nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này.

Rắc rối với sự cố

Xe đạp điện đã có mặt tại Việt Nam vài năm nhưng chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm về kiểm định an toàn cũng như quản lý về chất lượng. Người tiêu dùng đổ xô đi mua chủ yếu là do hỏi thăm, tư vấn từ những người dùng trước đó, chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý về hướng dẫn sử dụng cũng như những khuyến cáo về an toàn, chất lượng. Chủ một cửa hàng bán xe đạp điện thừa nhận, không ít loại xe bày bán trên thị trường nhập về qua đường tiểu ngạch.

Anh Nguyễn Đức Khánh, sống tại chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh phản ánh, anh vừa mua chiếc xe đạp điện hơn 14 triệu đồng cho mẹ. Nhưng anh vẫn đang lo lắng bởi mua xe không có chứng từ, không sách hướng dẫn sử dụng. Kiểm tra xe không tem nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu.

Khi bán hàng nhân viên chỉ viết một loại hóa đơn do cửa hàng tự in, không hề thể hiện phần giá trị thuế. Thực chất đây là sản phẩm nhập lậu, hoặc cửa hàng đã trốn thuế bằng cách không xuất hóa đơn tài chính hợp lệ cho khách hàng. Anh Khánh yêu cầu cửa hàng xuất đúng hóa đơn thì nhận được câu trả lời rằng chỉ xuất hóa đơn mẫu 2, còn nếu muốn hóa đơn giá trị gia tăng thì anh phải trả thêm 10% và phải đợi cửa hàng mấy ngày sau. Trên website cửa hàng thông báo bảo hành 2 năm nhưng thực tế trên giấy bảo hành do cửa hàng bán ra chỉ ghi 1 năm dành cho pin và động cơ, còn thân xe không bảo hành. Pin sạc của xe chỉ có tuổi thọ khoảng 2 năm, sau đó nếu thay mới anh phải tốn thêm một khỏan chi phí 3,8 triệu đồng, chưa kể bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hàng tháng.

Còn bác Trần Minh Giang, sống tại Thanh Xuân Bắc chia sẻ, bác đã sử dụng xe đạp điện được gần một năm. Nếu tính về vấn đề tài chính, loại xe này tiết kiệm khá lớn so với xe máy. Loại xe này cũng tồn tại bất cập như dễ gây tai nạn do khung nhẹ, trọng tâm cao, lốp nhỏ, phanh kém hơn xe máy. Hết thời hạn bảo hành là xe liên tục bị mất điện, dù ngày nào cũng sạc, có khi chỉ chạy được vài km là phải chuyển sang đạp chân.

Loại xe đạp điện nếu hỏng thường phải đến cửa hàng đã bán để sửa chữa. Các chỗ sửa xe thường từ chối loại xe này do thiếu phụ tùng cũng như không có kinh nghiệm. Tháng trước sang Gia Lâm, xe hỏng dọc đường, bác Giang buộc phải dắt bộ hàng km mới có cửa hàng sửa xe máy chịu sửa nhưng với giá không rẻ.

Bác Giang cũng cho biết thêm, người hàng xóm mua xe đạp điện Trung Quốc chỉ bảo hành 6 tháng, hết thời gian bảo hành xe liên tục hỏng, mất điện, pin sạc bị chai. Ông mang xe đến bảo hành, mất hơn tuần chủ cửa hàng mới sửa xong và phải mất thêm tiền để mua pin mới thay thế.

Ông Lê Minh Sơn, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại Triều Khúc phân tích, các loại xe đạp điện này ông cũng từng phải "bó tay" bởi phụ tùng thay thế không bán trên thị trường, ngay cả lốp xe cũng phải mua từ nhà sản xuất. Bộ phận động cơ dùng mạch điện nhưng loại này dễ bị hư hỏng nếu xe va chạm, hay ngập nước.

Ông Sơn cũng đưa ra lời khuyên, xe đạp điện có hai loại sạc pin và sạc ác quy. Loại xe sạc ác quy có trọng lượng gần tương đương với xe máy nên không nhẹ chút nào, đặc biệt khi đổ xe dễ gây đổ, vỡ bình ác quy, rất nguy hiểm.

Xe đạp điện chỉ chạy được quãng đường khoảng 50 km nếu chạy liên tục. Thời gian sạc pin và ác quy thường 7-8 tiếng, chính vì thế loại xe này chỉ phù hợp với những đoạn đường ngắn. Người mua xe cần cân nhắc kỹ nếu đi đoạn đường dài cần phải chờ sạc, hoặc chuyển sang chế độ xe đạp thông thường. Mỗi bình ác quy hay pin của xe "chai" theo thời gian sử dụng, tuổi thọ khoảng hai năm, sau đó phải thay thế mới.

Theo VEF

Theo VEF

Bạn có thể quan tâm