Văn chương Việt Nam đang có một thế hệ nhà văn mới, trẻ và tràn đầy nhiệt huyết với lối thể hiện “sinh ra để cô đơn”. Họ tập trung khai thác, phơi bày cảm xúc thật của mình vào những vệt buồn, dễ tổn thương và đề cao sự đơn độc hoang hoải của thời kỳ văn học trẻ đang lên. Các cây viết xuất hiện nhiều, cạnh tranh nhau khốc liệt với các tựa đề mùi mẫn, câu dẫn độc giả.
Tập truyện ngắn Xanh của nữ tác giả trẻ Chu Thùy Anh. |
Nỗi sầu giờ muôn hình vạn trạng, kẻ vật vã thương tổn vì một tình yêu đã mất, người khác lại lạc lõng, thờ ơ vô cảm trong chính thành phố mình đang sống. Tất cả đều chạy theo vòng quay cảm xúc màu tối, lặng lẽ, đều đều không nhiều nổi bật.
Xanh, cái tựa ngắn gọn, độc đáo của cây viết Chu Thùy Anh. Dòng cảm xúc giản đơn kết hợp với lối viết sắc sảo, độc đáo của một tiến sĩ vật lý đã khiến tuyển tập truyện ngắn trở nên đặc biệt.
Chu Thùy Anh dù là tay ngang viết văn nhưng được giới phê bình đánh giá cao bởi cách hành văn mộc mạc, không mơn trớn, ve vuốt độc giả. Mặc dù mỗi câu chuyện của cô hơi nặng tính chất kể lể nhưng nội dung được xây dựng mới lạ, ẩn dụ ,ngôn dụ qua những chi tiết, hình ảnh đời thường như bàn cờ, chén nước trè hay con mèo mướp.
Cuốn sách gồm 18 truyện ngắn bao gồm Cờ, Bạn bè, Gói bánh, Mèo mướp, Tất niên, Ngồi trước biển và ăn pizza… trong đó truyện ngắn Hàng xóm, đã đạt giải Giải ba Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2011-2013. Những câu truyện ngắn đã vượt không gian và thời gian đưa người đọc đến chốn yên bình, êm ả. Mà ở đó là một nét hoài cổ, chậm chạp, nên thơ rất trữ tình.
Chu Thùy Anh viết truyện dựa trên cảm xúc, những ký ức miền xa xôi khi đang du học trên đất Pháp. Bởi vậy mà văn chương của cô thấm đẫm hoài niệm, nhung nhớ hay thoáng nét mộng mơ không rõ thực hư của kẻ xa xứ lâu ngày.
Cây viết trẻ Chu Thùy Anh. Ảnh: NhavanTPHCM. |
Những nhân vật trong Xanh quanh quẩn là chàng du học sinh du học, một cô vợ thiếu đi hạnh phúc hôn nhân, những người già sống cô đơn một mình không con cái bên cạnh. Đôi khi cái mùi mặn mòi của nước mắm hay miếng thịt chó thơm lừng cũng trở thành một nỗi nhớ. Bởi vì các nhân vật đã xa quê lâu quá, có khi quên cả tiếng Việt để nói đệm cho thứ ngôn ngữ ngoại lai. Họ vẫn luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn nhưng với thời buổi khó khăn, đi lại còn khó khăn thì việc trở về nước ngỡ như không tưởng.
Đọc những mẩu truyện như Bạn bè, Tất niên, Ấm trà của mẹ mà vừa buồn lại vừa thương. Nỗi nhớ nhà biến thành một hợp chất ngấm dần vào từng thớ thịt. Chu Thùy Anh và Xanh giống như một chú cá hồi đi ngược dòng chảy. Văn chương thấm đẫm hơi thở cuộc sống, nhưng không gai góc, lên gân cường điệu. Vấn đề tiếp cận sát sườn cuộc sống càng làm những mẩu chuyện trở nên quý giá và đáng đọc, đáng suy tư hơn.
Khi văn học mạng trở thành “những cuốn cẩm nang phong cách sống”, các tác giả của chúng và các nhà phân phối đem bán giá trị của trải nghiệm cá nhân. Chu Thùy Anh viết để cảm, viết cho bản thân mình hơn cả, biến cái chết của con mèo mướp thành nỗi xót xa, nhìn rộng về mảng xám trong khía cạnh xã hội.
Trong tác phẩm tâm đắc nhất Hàng xóm, tác giả kể về một ông lão sống một mình luôn giữ thói quen tò mò nhìn xung quanh xem hàng xóm của mình là ai. Một ngày kia, ông gặp một bà lão chạc tuổi mình, khuôn mặt buồn khổ với đôi mắt ngấn nước, đặc biệt hơn nhà của bà luôn xếp gọn gàng sau đôi dép như thể đông người lắm. Lấy hết dũng cảm, ông bấm chuông và được nghe một câu chuyện bất ngờ...
Truyện của Chu Thùy Anh đọc nhẹ mà thấm, tuy nhiên các thể hiện có thể vẫn khô khan bởi lý tính văn chương quá nhiều. Nhưng câu chữ vẫn khẽ chạm, từ từ rồi lên hương, dạt dào niềm cảm xúc. Màu xanh là màu ấm áp nhất, mãi một màu xanh cô đơn.