Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dấu ấn đặc biệt của Nabokov trong địa hạt truyện ngắn

Trong cuộc đời sáng tác lừng lẫy của mình, bên cạnh một sự nghiệp tiểu thuyết đồ sộ, Nabokov còn tạo được dấu ấn đặc biệt bởi rất nhiều truyện ngắn độc đáo.

Mỹ nhân Nga,tập truyện của Nabokov vừa được xuất bản ở Việt Nam, gồm 17 truyện ngắn, được viết trong nhiều khoảng thời gian và không gian khác nhau. Đây cũng là quyển đầu trong bộ Tổng tập truyện ngắn của Vladimir Nabokov, dự kiến hoàn thành trong vòng ba năm sẽ được phát hành tại Việt Nam.

Nabokov là một nhà văn vĩ đại của thế giới, với những sáng tạo vượt thoát khỏi lối tư duy thông thường. Nếu độc giả đã từng làm quen với tiểu thuyết Lolita, Tiếng cười trong bóng tối của Nabokov từng được dịch ở Việt Nam, có lẽ sẽ không quá ngỡ ngàng khi bước vào không gian của Nabokov ở Mỹ nhân Nga. Dù vậy, tập truyện ngắn này sẽ tiếp tục khiến độc giả sững sờ, bởi lối viết duy mỹ đặc sắc đến cực đoan của Nabokov.

Lại một lần nữa, ta được chiêm ngưỡng tài năng đỉnh cao của  Nabokov trong việc mổ xẻ tâm lý con người, những bấn loạn và tưởng tượng vô hạn của con người bằng lối viết đầy những “dấu hiệu và biểu hiện”. Hơn thế, truyện ngắn chính là địa hạt thú vị mà Nabokov đã thỏa sức vùng vẫy với những thử nghiệm sáng tạo mới mẻ, và táo bạo.

Ma cây là truyện ngắn đầu tay của Nabokov, được ông viết năm 22 tuổi, tái hiện lại một cuộc gặp gỡ mơ hồ tưởng như “chỉ là một cơn mê sảng đồng bóng” của con người với Ma Cây, là lời chia bày thủ thỉ, mời gọi, là tiếng nói quyến rũ từ vực sâu ảo tưởng, hay là một cơn mê sảng, để rồi khi tất cả ảo mộng ấy tan biến, chỉ còn vương vấn “mùi hương tinh tế tuyệt trần của cây bạch dương”. Không gian ảo ảnh như sương đêm của câu chuyện, vướng vất mãi khiến người đọc không thể dứt ra được.

Cái mỹ cảm tinh tế của Nabokov đã ngay lập tức được bén sắc từ những vùng chữ nghĩa đầu tiên ấy, để rồi từ đó người đọc có cơ hội được khẽ khàng mở cửa, bước vào thế giới nhẽ nhại đẹp đẽ, lấp lánh đau buồn của Nabokov.

17 truyền ngắn trong Mỹ nhân Nga là 17 câu truyện hoàn toàn độc lập và khác biệt. Ở Ma cây là cái hư thực của mộng tưởng tâm tư, thì Một truyện đồng thoại lại là viễn tưởng đầy huyền thoại về khao khát ham muốn của con người, ở Lá thư đến từ nước Nga chính là những tiếng hoài vọng của ký ức đẹp đẽ, Mỹ nhân Nga là nỗi trầm ngâm trước sự phai tàn của nhan sắc, Mối tình đầu lại là sự óng ánh thơm tho của những rung cảm đầu tiên....  Đọc tập truyện, dù mỗi tác phẩm mang lại những khác lạ, hoàn toàn mở mẻ, hoàn toàn không có sự trùng lặp, nhưng có một niềm rung cảm mạnh mẽ trội lên trên, chính là phức cảm u buồn về một nước Nga xa xôi, được nuôi cấy từ sâu thẳm tâm tư của nhà văn, như lời ông từ nói từng khẳng định: “Đầu nói bằng tiếng Anh, tai nghe bằng tiếng Pháp nhưng trái tim nói bằng tiếng Nga!"

truyen ngan cua Nabokov anh 1
Tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga của Vladimir Nabokov.

Dù ở đâu - Berlin, Paris hay Mỹ, Nabokov luôn có được vị trí xứng đáng trên văn đàn. Nước Nga trong ông không giống nước Nga của Bunin, Kuprin, I.S.Smeliev, B. K.Zaitsev. Trong tác phẩm Nabokov không có các thành phố, các làng mạc được chỉ tên, không có những hình tượng nhân vật có thể gọi theo kiểu Nga, cũng không mảy may có sự miêu tả trực tiếp các thảm họa gây chấn động lịch sử dân tộc trong thế kỷ qua. Tác phẩm của ông là cái cốt cách vời vợi tỏa ra khắp mọi ngõ ngách của từ ngữ.

Trong truyện ngắn Mưa phục sinh, nước Nga được hiện lên từ những cử động rất nhỏ của tâm trí. Những cử động của sự ấm áp và nỗi cảm mến, là thứ dường như thật khó tìm trong Josephine thời hiện tại. Người đàn bà đã từng sống ở Nga ấy, cố gợi nhắc, cố lôi kéo, nhưng dường như quá khứ kia là thứ người ta buộc phải trốn chạy, bởi nó chỉ là thời đẹp đẽ đã quá xa xôi.

Sự mê sảng sau cơn mưa ấy đã khiến bà được đắm chìm trong ký ức ấy sống động của cõi xa xưa, hay đã trút hết đi những vầy vò của nỗi nhớ, trả về cho bà sự hồi sinh. Độc giả có lẽ cũng sẽ liên tục rơi vào những tự vấn dai dẳng, sau khi những dấu chấm cuối cùng trong những truyện ngắn của Nabokov.

Dù chỉ sống hai mươi năm đầu đời ở nước Nga, nhưng lòng hoài nhớ chưa bao giờ dứt trong trái tim Nabokov, và dấu ấn của nước Nga để lại mạnh mẽ nhất trong tác phẩm của Nabokov chính là thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp, run rẩy như giọt sương hư ảo giữa rừng bạch dương mùa đông xào xạc.

Ngôn ngữ điêu luyện và độc đáo của Nabokov đã thấm đẫm vào trái tim ông, không chỉ là công cụ và trợ thủ, mà còn là nhân vật trong tất cả các cuốn sách của ông. Thế nên, sợi dây nối kết chặt chẽ giữa những truyện ngắn riêng lẻ ấy, chính là thứ ngôn ngữ đẹp đẽ khiến độc giả luôn phải cúi đầu ngưỡng mộ, và dĩ nhiên là hưởng thụ trong mãn nguyện, hoan lạc và mê đắm.

Đọc Nabokov vẫn sẽ là một thử thách cho độc giả, nhưng chính thử thách ấy, cũng là một “khiêu khích” mời gọi sự dấn bước chinh phục, khám phá và đắm chìm.

Phong Linh

Bạn có thể quan tâm