Những tiếng súng nổi lên bất chợt gây khó hiểu đến nỗi ban đầu thầy tế vẫn tiếp tục bài giảng về sự tha thứ và tình anh em.
"Trong những giây đầu tiên, tôi nghĩ đó là pháo hoa hoặc điện giật, ngoại trừ tiếng ồn quá lớn", Asif Shaikh, 44 tuổi, nói với Wall Street Journal. Lúc đó, anh vừa nói chuyện về cricket với người bạn trong phòng cầu nguyện chính của nhà thờ Hồi giáo Al Noor.
Người ta nhanh chóng nhận ra âm thanh phát ra từ những viên đạn xé toạc qua phòng cầu nguyện chính. Các tín đồ ngã xuống. Những người khác chạy về góc phía xa của căn phòng để thoát thân.
Lễ tang gần nhà thờ Hồi giáo Al Noor ở thành phố Christchurch, New Zealand, ngày 19/3. Ảnh: New York Times. |
Tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng đã chặn lối ra chính còn các cửa sổ cao từ sàn đến trần ở phía sau đã được lắp chấn song để bảo đảm an ninh.
"Mọi người phá vỡ các cửa sổ, cố gắng kéo các thanh sắt để tìm cách thoát ra ngoài khi các thi thể chồng chất xung quanh họ. Người chết nằm la liệt trên sàn với hộp sọ bị bắn toác hoặc bị bắn giữa hai mắt. Mọi người hoảng loạn, chỉ tìm cách thoát thân khi không còn thời gian để nghĩ nên chạy đường nào", Asif kể lại.
Các thông tin điều tra về vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử New Zealand cho thấy nghi phạm có thể đã tăng đáng kể số người chết bằng cách nhốt nạn nhân ở những khu vực có ít lối thoát, đặc biệt trong phòng cầu nguyện của Al Noor.
Cuộc tấn công bất ngờ
Cảnh sát buộc tội nghi phạm người Australia Brenton Tarrant, 28 tuổi, tội giết người. Tarrant nhận trách nhiệm các cuộc tấn công trong một bản tuyên ngôn dài, đầy thù hận được đăng trên Facebook dưới tên mình vào thời điểm vụ xả súng, bày tỏ quan điểm của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và mô tả tác giả là một người Australia thuộc tầng lớp lao động. Đoạn video bạo lực ghi lại vụ khủng bố được tay súng đăng tải trên mạng đã bị gỡ bỏ.
Các nhà điều tra tin rằng Tarrant đã hoán cải trái phép các hộp tiếp đạn dung lượng lớn thành súng trường bán tự động, cho phép anh ta bắn được nhiều người mà không cần nạp lại đạn. Vụ tấn công khiến Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hối thúc những thay đổi đối với luật súng của nước này.
Vụ việc đã làm rung chuyển cộng đồng Hồi giáo gắn kết bao gồm người Bangladesh, người Afghanistan, người Indonesia, người Ai Cập và những người nhập cư khác. Họ tìm đến New Zealand vì cho rằng đây là ốc đảo tránh xa khỏi sự hỗn loạn toàn cầu.
Họ nỗ lực hết sức để có được chỗ đứng ở một đất nước mới. Nhiều người đã quen thuộc với tiếng súng ở quê nhà, bao gồm cả Afghanistan, nhưng vẫn không thể tưởng tượng được những âm thanh họ nghe thấy lúc đầu là tiếng đạn nổ.
Nhân viên cứu thương đưa một người đàn ông từ bên ngoài nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố Christchurch, New Zealand, đến bệnh viện sau vụ xả súng ngày 15/3. Ảnh: AP. |
Đó là một ngày thứ sáu mát mẻ ở Christchurch. Tarrant, tay súng bị cáo buộc, đã bật camera, lia ống kính tới ghế trước của chiếc xe để cho thấy ba khẩu súng với những biểu tượng da trắng thượng đẳng được vẽ nguệch ngoạc và trích dẫn các trận chiến lịch sử giữa người châu Âu và Hồi giáo.
"Hãy bắt đầu bữa tiệc nào", anh ta nói trong video giữa nền nhạc Serbia và giọng nói của hệ thống GPS trên xe hơi. Dứt lời, Tarrant lao ra khỏi xe.
Omar Jahid, một người nhập cư Bangladesh 30 tuổi làm việc ca sáng tại trạm xăng, đang trò chuyện với một người bạn về dự định kết hôn ở Bangladesh và đưa cô dâu đến sống ở New Zealand.
MD Faysal, một nhân viên viễn thông 29 tuổi đến từ Bangladesh, vừa rời chỗ làm để đến nhà thờ thực hiện nghi lễ rửa tay, chân và mặt trước khi vào phòng cầu nguyện.
Ngay khi vào tòa nhà, tay súng vừa sải bước vừa bắn liên thanh. Anh ta bước qua một nạn nhân ngã xuống ở sảnh, đi xuống hành lang chính tối và hẹp với tấm thảm xanh trắng chạy suốt tòa nhà.
Tarrant vừa đi vừa nã đạn, bỏ lại các nạn nhân ngả rạp xung quanh mình. Anh ta dừng lại một chút để nhìn vào căn phòng bên phải. Bắt gặp một người đàn ông chạy trốn qua ô cửa, anh ta bắn vài phát súng trước khi lại hướng về hành lang.
Xác người chất đống trong phòng cầu nguyện
Trong phòng cầu nguyện chính, các giáo dân đang cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Jahid, nhân viên trạm xăng, cho biết anh đang quay lưng ra hành lang khi những phát súng bắt đầu vang lên. Anh chạy sang bên phải và ngã xuống sàn, trong khi những người khác ngã lên trên anh. Một trong số đó là người đàn ông Somalia lớn tuổi, đậm người mà Jahid biết mặt nhưng không biết tên.
Kẻ giết người đã bắn bốn, năm lần vào đám người quanh Jahid. Một viên đạn sượt qua vai anh. Ít nhất một lần đạn bắn trúng người đàn ông Somalia. Người đàn ông Somalia đã chết.
Khi xác người chất đống trong các góc phòng, một người đàn ông mặc áo len màu hạt dẻ đã liều mình lao vào tay súng trước khi bị bắn chết.
"Vậy là xong", tay súng nói trong video khi thay hộp tiếp đạn.
Anh ta tiếp tục nã đạn vào phòng cầu nguyện trong khoảng 60 giây, di chuyển đến gần các thi thể, tùy ý bắn vào các xác người nằm trên sàn. Khi tất cả đều đã ngã xuống, anh ta bắt đầu đi xuống hành lang dài, hướng về phía cửa trước.
Hình ảnh từ video trên mạng xã hội do tay súng đăng tải trực tuyến khi cuộc tấn công xảy ra. Ảnh: Reuters. |
Asif, sinh viên kinh doanh người Ấn Độ, cảm thấy ai đó đẩy anh từ phía sau rồi ngã lăn ra, trong khi một người khác nhảy qua anh và bị bắn vào lưng. Sợ hãi, anh nằm xuống đất giả chết trong vài phút. Tiếng súng rền vang khắp hành lang, sau đó là khoảng dài im lặng. Anh không nghe thấy gì ngoài tiếng rên rỉ từng hồi của các nạn nhân bị thương.
Faysal, nhân viên viễn thông, trốn trong phòng rửa chén từ đầu tới cuối. Cánh cửa nối phòng vệ sinh với hành lang không khóa, vì vậy anh giữ một tay trên cánh cửa, tay kia gọi cảnh sát.
Vụ xả súng đột ngột dừng lại. Faysal nói rằng anh có thể nghe thấy kẻ tấn công đang nạp đạn ngay bên ngoài cửa. Anh cũng nghe thấy nhạc quân đội phát ra từ thiết bị có thể là loa di động được tay súng mang theo bên mình. Anh cầu nguyện để hắn đừng bước vào.
Một lát sau, tay súng di chuyển ra khỏi tòa nhà và ra đường. Trong đoạn video, anh ta đã bắn khoảng 30 phát đạn vào các xe đi qua. Anh ta quay lại xe, lấy một khẩu súng trường quân sự. Trong lúc này, những người sống sót tranh thủ tìm lối thoát hoặc nơi ẩn nấp.
Tại phòng rửa tội, Faysal vẫn cố gắng liên lạc với cảnh sát. Anh trả lời ngắn gọn với giọng nhỏ để tránh bị phát hiện.
Năm phút sau khi bắn phát súng đầu tiên, tay súng rời khỏi nhà thờ Hồi giáo lần cuối và bắt đầu bắn vào những người chạy trốn khỏi hiện trường. Trong đoạn video, một phụ nữ bị thương gào khóc trên đường "Hãy cứu tôi, cứu tôi, cứu tôi với!" trước khi bị bắn thêm hai phát nữa.
Tay súng quay lại xe, lao ra khỏi con hẻm và rẽ ra trước nhà thờ Hồi giáo. Trong đoạn video, tay súng tỏ ra bực bội vì "mọi chuyện không như kế hoạch". Anh ta tăng tốc xuống đường, thỉnh thoảng phanh lại để nã đạn qua kính chắn gió và cửa sổ vào những người đang chạy trốn.
Tiếng còi báo động rền rĩ. 13h47, cảnh sát tới Al Noor, chỉ một lúc sau khi tay súng rời đi. Khi vào bên trong, họ tìm thấy Asif, Faysal cùng những người sống sót khác và hướng dẫn họ rời khỏi tòa nhà.
Cảnh sát hộ tống những người đàn ông từ một nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thành phố Christchurch, New Zealand, ngày 15/3. Ảnh: AP. |
Jahid, nhân viên trạm xăng, đã trốn thoát qua một cửa sổ bị vỡ. Người bạn nói chuyện với anh trước đó về kế hoạch kết hôn đã chết.
Cuộc tàn sát thứ hai
Phía bên kia thị trấn, các tín đồ tại Trung tâm Hồi giáo Linwood không hề biết rằng vụ tàn sát thứ hai sắp diễn ra.
Thầy tế người Ai Cập Ibrahim Abdelhalim đang điều hành buổi cầu nguyện sau khi kết thúc bài giảng về bản chất của tình huynh đệ thì tiếng nổ lớn và tiếng hét thất thanh nổi lên bên ngoài.
Ahmed Khan, người nhập cư Afghanistan 27 tuổi, đã chạy ra ngoài để giúp người đàn ông vừa bị bắn chết nhưng buộc phải quay lại bên trong sau khi bị bắn. Anh kêu gọi các tín đồ đồng đạo hành động.
"Tôi nói với họ rằng phải tóm được hắn ta, nếu không hắn ta sẽ bắn tất cả chúng ta, hắn có cả đống đạn", anh thuật lại.
Một sĩ quan cảnh sát đứng bảo vệ trước nhà thờ Hồi giáo Al Noor ở thành phố Christchurch, New Zealand, ngày 19/3. Ảnh: AP. |
Ahmed Khan cùng một số người tình nguyện khác lên kế hoạch lần lượt tấn công tay súng dù họ có thể bị bắn.
Với vũ khí tốt nhất mà mình có, người đàn ông tên Abdul Aziz đã dùng máy đọc thẻ tấn công tay súng, tạm thời trì hoãn việc tay súng bước vào nhà thờ để giúp mọi người ẩn nấp.
Khi tay súng bước vào nhà thờ và nã đạn, Linda Armstrong, một tín đồ cải đạo người New Zealand, đã kêu gọi anh ta bình tĩnh và ngừng bắn. Các nhân chứng cho biết cô đã nhanh chóng bị bắn chết.
Vợ của thầy tế Abdelhalim đồng thời là bạn thân của Armstrong đã quàng tay quanh Armstrong để bảo vệ cô và bị bắn vào tay. Trong khi đó, từ chỗ ẩn nấp, ông Abdelhalim và những người khác chỉ đành bất lực đứng nhìn.
"Tôi thấy vợ tôi chảy máu nhưng tôi không thể đến chỗ cô ấy", ông nói.
Anh Khan, người Afghanistan, lúc đó đang bế một người đàn ông bị thương trên tay. Người này hỏi xin nước, anh Khan bảo ông cố gắng gượng, cảnh sát sẽ đến sớm thôi. Tuy nhiên, sau đó, viên đạn bay đến găm vào đầu người đàn ông, khiến người này tử vong.
Tay súng rời nhà thờ Hồi giáo, có thể để lấy thêm đạn từ xe. Người đàn ông trung niên Afghanistan nhặt một khẩu súng mà anh ta làm rơi, nó không có bất kỳ viên đạn nào. Những người sống sót sau vụ thảm sát cho biết anh ta đã đuổi theo Tarrant, người đã lên xe và rời đi.
Một lát sau, Tarrant bị cảnh sát chặn lại. Họ dồn xe và kéo anh ta ra ngoài. Hơn 35 phút sau khi bắt đầu, cơn thịnh nộ mới kết thúc.