Abdul Nazer và vợ Ansi Alibava đã cùng nhau lên kế hoạch cho tương lai.
Họ đã vay tiền để chuyển từ Ấn Độ sang New Zealand vào năm 2018, để cô có thể học thạc sĩ ngành kinh doanh nông nghiệp. Anh đã tìm được công việc sắp xếp hàng hóa ở siêu thị gần nhà để trang trải chi phí.
Khi Alibava tốt nghiệp, họ hy vọng cô sẽ tìm được một công việc có lương cao, rồi họ sẽ sống và làm việc ở New Zealand, trước khi trở về quê nhà ở bang Kerala, miền nam Ấn Độ.
Nhưng vụ xả súng ở 2 thánh đường hồi giáo ở thành phố Christchurch ngày 15/3 đã thay đổi tất cả.
Cặp vợ chồng Nazer (phải), 34 tuổi, và Alibava (trái), 25 tuổi đã có kế hoạch cho một tương lai hạnh phúc. Ảnh: Abdul Nazer. |
"Vợ tôi nằm sấp trên mặt đất"
Nazer kể lại câu chuyện với CNN trong nghẹn ngào và chậm rãi. Anh không thể ngủ được kể từ ngày hôm đó. Bạn của anh, Renju George, ngồi bên cạnh, nói hộ cho Nazer những khoảng lặng mà anh không đủ bình tĩnh nói ra.
Nazer, 34 tuổi, và Alibava, 25 tuổi, đều ở trong thánh đường Al Noor - nơi đàn ông ngồi bên trái, còn phụ nữ ngồi bên phải - khi những tiếng súng đầu tiên của vụ xả súng đẫm máu nhất ở New Zealand vang lên.
Vào khoảng 13h46 ngày 15/3, một tay súng đã bước vào thánh đường Al Noor ở Christchurch và xả súng vào bất kỳ ai mà hắn gặp. Cảnh tượng kinh dị được tay súng phát trực tiếp trên mạng xã hội. Một vụ xả súng khác cũng xảy ra ở thánh đường Linwood ở Christchurch.
Con số thương vong cuối cùng được cảnh sát công bố vào cuối ngày là 49 người, trong đó 41 người thiệt mạng ở thánh đường Al Noor.
Ansi Alibava đã hy vọng tìm được công việc tốt ở Christchurch sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Abdul Nazer. |
“Ngay sau lời cầu nguyện chính, tôi nghe thấy một tiếng súng, và tôi tưởng bọn trẻ bên ngoài làm vỡ bóng bay”, Nazer nói với CNN bằng tiếng mẹ đẻ Malayalam, một ngôn ngữ được nói tại bang Kerala, quê nhà của đôi vợ chồng.
Vài giây sau, một loạt phát súng từ chiếc súng bán tự động khiến khoảng 300 người trong thánh đường hiểu ra mọi chuyện, họ ngay lập tức tìm lối thoát hiểm.
Nazer nói anh ở gần cửa thoát hiểm và đã thoát được sau khi một người đập vỡ kính. Nhưng những người khác không may mắn như vậy. “Một số người bắt đầu ngã xuống ngay cạnh tôi, và tôi thấy những người có máu trên áo”, anh nói với CNN.
Anh chạy đến một ngôi nhà ở gần và gọi cảnh sát trước khi quay lại thánh đường và tìm vợ mình. Từ lúc họ ngồi vào cầu nguyện, anh chưa thấy cô.
Trước mặt anh là một cảnh tượng kinh hoàng.
Các thi thể nằm khắp con phố bên cạnh các vũng máu. Nhiều người bị thương. Rồi anh thấy vợ anh, bất động, nằm sấp trên mặt đất
“Tôi chạy đến chỗ cô nhưng cảnh sát chặn lại và nói tôi hãy đi chỗ khác”, Nazer nói với CNN.
Bạn bè của Nazer và Alibava, đã cưới nhau năm 2007, nói họ đã yêu nhau rất nhiều. Ảnh: Abdul Nazer. |
“Mọi người đều yêu quý cô ấy”
Phải đến tối ngày 16/3, hơn 24 tiếng sau khi anh đã chạy khỏi thánh đường, cảnh sát mới xác nhận rằng Alibava là một trong 50 người thiệt mạng trong các vụ xả súng ngày 15/3.
George, bạn của Nazer, đã đi cùng anh khi cảnh sát đưa cho họ, và các gia đình khác, danh sách những người được xác nhận là đã chết. Cho tới lúc đó, anh và các gia đình khác vẫn nuôi hy vọng đã có nhầm lẫn nào đó, và có thể Alibava đang ở trong bệnh viện.
“Chúng tôi nghĩ có thể sẽ có phép màu nào đó”, George nói.
Nazer và Alibava đã cưới nhau sau khi được giới thiệu 2 năm trước, và bạn bè của họ nói cặp đôi đã sớm phải lòng nhau.
“Cô ấy rất yêu chồng, và chồng cô cũng rất yêu cô”, Tali Ao nói với CNN. Anh là bạn của Alibava khi họ cùng nhau học ở Đại học Lincoln, ngoại ô Christchurch.
“Tôi có thể thấy sau khi đến New Zealand, họ đã hiểu hơn nhiều về nhau, và thực sự đã rất thích nhau”, anh nói thêm.
Alibava học xong cao học 3 tuần trước, sau khi học thêm các lớp mùa hè năm ngoái để xong sớm hơn các bạn. Ao nói Alibava là sinh viên thông minh nhất trong lớp.
“Các giáo sư, mọi người đều yêu quý cô ấy”, Ao nói. “Cô ấy rất thông minh, dù cô ấy không thích làm bài giao về nhà, cô ấy làm rất giỏi”.
Alibava học xong cao học 3 tuần trước, sau khi học thêm các lớp mùa hè năm ngoái để xong sớm hơn các bạn. Ảnh: Abdul Nazer. |
Ngày 18/3, các sinh viên và nhân viên ở trường cúi đầu trong một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người chết.
“Việc những người trong cộng đồng của chúng ta bị tấn công chỉ vì đức tin của họ là không thể hiểu nổi”, quyền hiệu trưởng Bruce Mckenzie phát biểu.
Cộng đồng những người đồng hương Kerala, Ấn Độ ở Christchurch đã đoàn kết lại để giúp Nazer vượt qua những ngày tháng tới.
Họ đã lập một trang Givealitte để gây quỹ giúp anh trả 70.000 đôla New Zealand (48.000 đôla Mỹ) tiền mà cặp vợ chồng đã vay để trả tiền học cho Alibava.
Nazer muốn đưa thi thể của vợ mình về quê nhà để ở bên cạnh mẹ và một người anh em trai. Cha của cô đã mất cách đây vài năm.
Nazer muốn đưa thi thể vợ mình về quê nhà để được gần gia đình. Ảnh: Abdul Nazer. |
Nazer không rõ tương lai sẽ thế nào, nhưng anh biết mình sẽ muốn ở lại Christchurch, nơi mà anh và vợ đã dành phần lớn quãng đời sau khi cưới.
“Cô ấy có nhiều ước mơ”, anh nói với CNN. “Không ai nghĩ một điều như vậy lại xảy ra. Có rất nhiều người tốt ở đây... Điều này không được phép xảy ra với bất kỳ gia đình nào”.