Theo Reuters, một mục tiêu quan trọng của hội nghị Nairobi là xác định WTO sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào sau nhiều năm đàm phán vô ích. Ngoại trưởng Kenya Amina Mohamed thẳng thừng khẳng định WTO “đem lại quá ít giá trị” cho các nước thành viên. “Tại Nairobi, chúng ta cần phải ra quyết định về việc phải làm gì với WTO”, bà Mohamed nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Kenya cảnh báo nếu WTO không thể đạt được một thỏa thuận thương mại lớn thì đồng nghĩa với việc “chức năng đàm phán của tổ chức đã bị đổ vỡ”. “Chúng ta phải sửa chữa nó, đạt thỏa thuận về cách đàm phán mới, hoặc loại bỏ chức năng này để WTO tập trung vào việc giải quyết tranh chấp, đánh giá chính sách thương mại và các lĩnh vực khác không cần đến đàm phán”, bà Mohamed nói.
Bế tắc trầm trọng
Và theo nhiều nguồn tin từ Nairobi, hội nghị WTO diễn ra không suôn sẻ bởi quan điểm của các bên vẫn quá khác biệt. Trên thực tế, WTO đã rơi vào một cuộc khủng hoảng không có lối ra từ năm 2008. Vòng đàm phán thương mại tự do Doha bắt đầu từ năm 2001 với tham vọng mở rộng phạm vi toàn cầu hóa, hỗ trợ người nghèo thế giới bằng các biện pháp như giảm thuế và loại bỏ trợ giá nông nghiệp.
Nhưng sau nhiều năm, một thỏa thuận toàn cầu vẫn chỉ là giấc mơ. Bế tắc của WTO tập trung ở các nghĩa vụ liên quan đến thuế, trợ giá, sự minh bạch, các quy định rõ ràng… mà các nền kinh tế đang nổi lớn phải thực hiện. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU hay Nhật đòi hỏi các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Indonesia phải đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn so với những quốc gia đang phát triển nhỏ bé.
Tổng giám đốc WTO phát biểu tại hội nghị ở Nairobi. Ảnh: Marketplace. |
Nhưng các nền kinh tế mới nổi lớn không chấp nhận và giải thích rằng chính sách của họ phải đảm bảo lợi ích cho hàng triệu công dân nghèo, và chính các nền kinh tế phát triển cần phải đi đầu tự do hóa thương mại. Dù vậy, các nhà phân tích nhận định vấn đề của WTO không chỉ đơn thuần là các nước phát triển đối đầu với các nước đang phát triển, mà bản thân khối phát triển và khối đang phát triển cũng có những mâu thuẫn nội bộ rất sâu sắc.
Một lý do nữa là sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi trong thương mại và đầu tư thế giới với đại diện tiêu biểu là Trung Quốc đang làm nghiêng cán cân quyền lực toàn cầu theo hướng từ Bắc và Tây sang Đông và Nam. Diễn biến đó là thách thức nghiêm trọng đối với thiết kế WTO do phương Tây đưa ra, cũng như trật tự thương mại và đầu tư quốc tế mà WTO đại diện.
Đi từng bước nhỏ
Trước sự bế tắc của WTO, một số thành viên lớn nhất của tổ chức như Mỹ và EU chuyển hướng theo đuổi các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Có thể kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của 12 quốc gia hay Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU. Mỹ và EU còn đang thúc đẩy Thỏa thuận Thương mại dịch vụ (TiSA) của một liên minh các nước thành viên WTO, đàm phán tự do hóa và đề ra các quy định mới về thương mại dịch vụ.
WTO phải làm gì để vượt qua cuộc khủng hoảng này? Phải chăng như gợi ý của Ngoại trưởng Kenya Mohamed là tập trung vào các nhiệm vụ ít tham vọng hơn, ví dụ làm trọng tài giải quyết các vụ xung đột thương mại? Trên báo Financial Times, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo đã vạch ra đường hướng tương lai cho tổ chức thương mại thế giới.
Hai năm trước, đàm phán ở Bali (Indonesia) được đánh giá là thành công, dẫn tới một số thỏa thuận. Có thể kể đến thỏa thuận tiêu chuẩn hóa thủ tục hải quan giúp thuận lợi hóa dòng hàng hóa di chuyển trên toàn cầu. WTO cũng đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán về thỏa thuận quản lý thương mại hàng hóa công nghệ cao trị giá 3.000 tỷ USD một năm. Tổng giám đốc Azevedo khẳng định các thỏa thuận này là dấu hiệu tốt lành đối với WTO dù quy mô của chúng thua xa đàm phán thương mại tự do Doha.
“WTO đang trở nên linh hoạt hơn và năng động hơn” - Tổng giám đốc Azevedo nhấn mạnh. Nhưng chính ông cũng thừa nhận WTO cần phải thúc đẩy thành công đàm phán Doha. Bước đầu tiên mà các thành viên WTO phải làm là đàm phán thỏa thuận hạn chế trợ giá xuất khẩu đối với hàng nông sản. Nhưng đây là thách thức lớn bởi trợ giá nông sản là vấn đề nhạy cảm ở nhiều quốc gia.
“Thế giới đang di chuyển và nếu chúng ta không xử lý các vấn đề quan trọng thì chúng sẽ được xử lý ở những nơi khác”, Tổng giám đốc Azevedo thừa nhận khi nhắc đến TPP hay TTIP. Vấn đề là liệu WTO có còn đủ sức làm điều đó hay không.