Là một trong những người quan sát tình hình kinh tế Việt Nam lâu năm và đóng góp đáng kể thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Mỹ, ông Herb Cochran "vui mừng và phấn khích" sau khi vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của Mỹ và Việt Nam, đã hoàn tất.
Dù lịch trình làm việc bận rộn với các hoạt động liên quan đến TPP, vị giám đốc điều hành AmCham vẫn dành thời gian để tham gia buổi phỏng vấn trực tuyến cùng Zing.vn vào chiều 7/10 để chia sẻ những nhận định về tác động từ hiệp định lịch sử đối với Việt Nam.
- Xin ông cho biết những lợi ích cụ thể của Việt Nam sau khi gia nhập TPP. Cá nhân ông cho rằng, các lợi ích nào là quan trọng nhất đối với Việt Nam?
- Một nghiên cứu rất chi tiết về tác động của TPP giáo sư Peter Petri đã phân tích những lợi ích đối với Việt Nam. Đó là (1) xuất khẩu hàng chế tạo nhiều hơn (34%); (2) nhập khẩu hàng tiêu dùng và chế biến tăng (27%); (3) luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ về nhiều hơn do sự lạc quan của nhà đầu tư; (4) những mối liên kết vững chắc hơn với các chuỗi cung ứng quốc tế; (5) gia tăng năng suất do cạnh tranh; và (6) xu hướng cải cách để thúc đẩy tăng trưởng lẫn cơ hội.
Với kinh nghiệm cá nhân, tôi quan tâm hai điều mà tôi đánh giá là quan trọng nhất. Đầu tiên, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội học hỏi và tiếp cận với những chuỗi cung ứng quốc tế. Cần nhớ rằng giá trị xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là từ doanh nghiệp FDI, rất ít sự tham gia của những doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Kế đến, Việt Nam sẽ có động lực cải cách để thích ứng với những “luật chơi” mới tiêu chuẩn cao, đơn cử như lĩnh vực hải quan. AmCham và các công ty thành viên, cùng với những cơ quan của chính phủ Mỹ như Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP), rất mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật đối với Việt Nam về hai điểm này.
- Theo ông, điểm hạn chế của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ là gì?
- Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp thường không nhận thức đầy đủ về hàng loạt tiêu chuẩn mà họ phải đáp ứng khi muốn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Do vậy, họ cần được cung cấp thông tin, huấn luyện và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP HCM trả lời Zing.vn vào chiều ngày 7/10. Ảnh: Hải An |
- Ông kỳ vọng như thế nào về làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là từ Mỹ, vào Việt Nam sau khi tham gia TPP?
- Vốn FDI thực chất từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam hiện đã rất nhiều, thường là thông qua các công ty chi nhánh của Mỹ ở Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hà Lan hoặc Anh… Mỹ cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất ở ASEAN với hơn 200 tỷ USD đến năm 2013. Nếu tỷ lệ nguồn vốn mà Việt Nam nhận được trong số này không đáng kể, chúng ta phải nghiên cứu những lý do.
Gần đây, chúng tôi tiếp đón một phái đoàn quy mô từ AmCham Singapore đến tìm hiểu và làm việc. Họ rất quan tâm đến cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ thận trọng vì cho rằng Việt Nam là thị trường đang phát triển, đang trong quá trình hội nhập, Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ (BTA) có hiệu lực từ năm 2011, gia nhập WTO năm 2007.
Thời gian qua, những dự án FDI vào Việt Nam để đón đầu TPP đã lên đến 3 tỷ USD. Thành công của những dự án này đến đâu; Việt Nam thực hiện các cam kết quy định theo TPP cũng như cải cách thế nào… sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút FDI, không chỉ từ Mỹ mà còn là từ nhiều nền kinh tế khác.
- Ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu nhiều hơn sau khi tham gia TPP.
Chuyện thịt gà đông lạnh giá rẻ nhập khẩu từ Mỹ vừa qua là ví dụ mới nhất. Ông có lời khuyên gì đối với những doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này?
- Vấn đề này có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tùy vào từng lĩnh vực. Đối với cây ăn quả, một nữ quan chức Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tỏ ra rất lạc quan về tương lai tươi sáng do người dân đã bắt đầu thích nghi với các biện pháp nông nghiệp chất lượng cao. Bà cho biết nhiều loại trái cây và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã gia nhập thị trường nước ngoài, do vậy họ cũng sẽ tận dụng được lợi thế từ TPP.
Đối với ngành chăn nuôi, ông Văn Đức Mười (Tổng giám đốc Vissan) cho rằng việc tham gia TPP là thời điểm để ngành này buộc phải thay đổi nhằm cho ra sản phẩm có thể cạnh tranh đối với đối thủ nước ngoài.
Trong một hội nghị do AmCham đồng tổ chức, ông Mười thừa nhận Việt Nam không có đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kỹ năng để bảo đảm hoàn toàn tuân thủ về TBT (Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại) và SPS (Biện pháp kiểm dịch động thực vật).
Do vậy, vị tổng giám đốc Vissan cho rằng, giải pháp là doanh nghiệp phải đề nghị các nước phát triển là đối tác cam kết về hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức cụ thể, khả thi và có hiệu quả để thực hiện SPS, TBT.
AmCham hoan nghênh cơ hội hợp tác các hiệp hội doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam, nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về SPS, TBT theo TPP; qua đó hỗ trợ ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp của Việt Nam.
Độc giả xem toàn bộ nội dung phỏng vấn trực tuyến các chuyên gia kinh tế về TPP tại đây.