Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TPP: Cuộc chiến kiểm soát thương mại Mỹ - Trung

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh: “Mỹ không thể để các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, tạo ra luật lệ cho kinh tế toàn cầu”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Getty

Vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố thỏa thuận giữa bộ trưởng 12 quốc gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hôm 5/10, các nhà lập pháp Mỹ lên tiếng về TPP và cho rằng nó có thể gặp khó khăn khi đệ trình ở Quốc hội Mỹ. Người Mỹ cân nhắc giữa lợi ích và tác động mà TPP có thể mang lại.

Tuy nhiên, theo National Interest, TPP không chỉ là vấn đề nội tại nước Mỹ mà còn là cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữa Washington và Bắc Kinh. Trong tuyên bố hôm 5/10, Tổng thống Obama khẳng định: “Khi trên 95% khách hàng của chúng ta sống bên ngoài đường biên giới nước Mỹ, chúng ta không thể để các quốc gia khác như Trung Quốc thiết lập luật lệ với kinh tế toàn cầu”.

12 quốc gia đàm phán TPP bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam chiếm 40% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, 30% xuất khẩu và 25% nhập khẩu toàn cầu. Trên thực tế, TPP là một “nền tảng mở” và sẽ không cố định số lượng thành viên. Các quốc gia khác như Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan đang bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập TPP.

Theo thoả thuận, 12 nước TPP sẽ giảm hoặc miễn thuế cho 18.000 chủng loại mặt hàng. Ngoài những lợi ích đa phương, TPP còn giúp Washington kiềm tỏa Trung Quốc hay nói chính xác hơn là đẩy Trung Quốc vào thế tự kiềm tỏa chính mình. Bắc Kinh từng được mời tham gia đàm phán TPP nhưng từ chối tham dự.

National Interest nhận định Trung Quốc khó có thể gia nhập TPP vì họ không thể ký vào các thỏa thuận “tiêu chuẩn cao” của hiệp định.

Các nhà phân tích dự đoán, Trung Quốc sẽ thu về thêm 809 tỷ USD vào năm 2025 nếu gia nhập TPP. Trước đó, Bắc Kinh đã giành được những lợi ích lớn sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối năm 2001.

Nếu bằng cách nào đó, Trung Quốc đáp ứng được vấn đề lao động, an toàn thực phẩm và các quy định về môi trường, Bắc Kinh vẫn gặp trở ngại khi phải tuân thủ các hạn chế về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, gây tác động cơ bản tới mô hình kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, Internet cũng là vấn đề lớn với chính sách kiểm soát thông tin của Bắc Kinh.

Nhằm đối phó với TPP hay chính xác hơn là Mỹ, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hiệp định thương mại toàn cầu tương đồng như TPP là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với các quốc gia chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu nhưng không bao gồm Mỹ. Ngoài Trung Quốc, hiệp định kỳ vọng có sự tham gia của 10 nước ASEAN, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nó khó có thể cạnh tranh với TPP.

Hiện tại, Bắc Kinh tìm cách sử dụng thương mại để thực thi chính sách Trung Quốc là trung tâm. Ngoài ra, việc Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng cũng góp phần làm cản trở tham vọng của Bắc Kinh.

Ý nghĩa sau những tác động của hiệp định thế kỷ TPP

Những nền kinh tế tham gia đàm phán TPP hân hoan khi quá trình đàm phán kết thúc sau nhiều năm. Họ kỳ vọng những lợi ích kinh tế to lớn mà hiệp định lịch sử sẽ mang lại.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm