Thủ tướng Stephen Harper của Canada phát biểu trong một cuộc họp báo về TPP tại thành phố Ottawa hôm 5/10. Ảnh: Reuters |
Tối 4/10 theo giờ Mỹ, các bộ trưởng Thương mại từ 12 nước châu Á – Thái Bình Dương đã kết thúc cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một thỏa thuận thương mại khu vực với phạm vi lớn và toàn diện, tập trung vào cả tự do thương mại và đầu tư giữa các nước tham gia.
Các quy định và nguyên tắc của TPP hướng tới tiêu chuẩn khá cao trong nhiều lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước, lao động, quyền sở hữu trí tuệ. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi TPP là một phần quan trọng trong chính sách kinh tế và đối ngoại của ông. Chúng ta sẽ tìm hiểu những nét cơ bản của TPP qua một số câu hỏi.
Các bên đạt được thành tựu gì tại thành phố Atlanta?
Các bộ trưởng thương mại tại thành phố Atlanta giải quyết những điểm vướng mắc cuối cùng trong hiệp định. Những vấn đề nổi cộm – liên quan tới lĩnh vực ôtô và dược phẩm sinh học – đã được giải quyết do các nhà đàm phán làm việc tới tận sáng hôm sau để hoàn tất những chi tiết cuối cùng. Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (UTR) đang giữ bản tóm tắt nội dung của thỏa thuận với 30 chương – đề cập tới mọi lĩnh vực thương mại như hàng hóa, mua sắm của chính phủ và sở hữu trí tuệ. Nó cũng bao gồm nhiều vấn đề mà các hiệp định thương mại truyền thống không đề cập tới, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới nền kinh tế số và sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước. Thỏa thuận cũng đưa ra những giai đoạn quá độ để các nước tham gia có thể phát triển năng lực trước khi thực thi những nghĩa vụ mới.
Mặc dù thỏa thuận đã được công bố, các bộ trưởng nói rằng các nhà đàm phán sẽ tiếp tục thảo luận những vấn đề kỹ thuật để hoàn thành nội dung của TPP.
Các nhà đàm phán giải quyết những vấn đề vướng mắc cuối cùng thế nào?
Trong mọi cuộc đàm phán thương mại, các bên đều có những lĩnh vực nhạy cảm chính trị dù nên kinh tế của họ lớn hay cởi mở. Đạt một kết quả cân bằng với lợi ích lớn, đồng thời đảm bảo sự hài hòa về chính trị cho mọi bên là nhiệm vụ rất khó. Mặc dù công chúng chưa biết nội dung chi tiết của thỏa thuận, các bộ trưởng khẳng định họ đã đạt sự cân bằng hợp lý.
Tiếp cận thị trường nông nghiệp luôn là vấn đề mà các đoàn phải tranh đấu tới phút chót. Các nhà đàm phán tìm ra sự thỏa hiệp đối với sản phẩm bơ sữa bằng cách tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và Canada của những nước nhập khẩu như New Zealand, đồng thời duy trì mô hình “quản lý nguồn cung” của Canada. Các công ty xuất khẩu đường của Australia cũng có thể mở rộng thị phần tại Mỹ, trong khi Nhật Bản mở cửa thị trường đối với gạo, thịt bò, thịt lợn từ Mỹ và các nước khác.
Các bộ trưởng cũng tìm ra sự cân bằng về quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sinh học, một lĩnh vực mà Mỹ rất quan tâm, bằng cách đề ra những quy tắc để bảo đảm lợi ích cho những người hay doanh nghiệp tìm ra biện pháp điều trị mới, đồng thời tạo điều kiện để bệnh nhân trong khu vực tiếp cận các phương pháp điều trị dễ dàng hơn. TPP cho phép các nước bảo vệ dữ liệu dành cho sản xuất dược phẩm sinh học trong thời gian tối thiểu 5 năm, cộng thêm 3 năm nữa bằng các biện pháp khác.