Mỹ
Việc các nước hoàn tất đàm phán TPP diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Barack Obama cần, bởi nó tương trưng cho cam kết xoay trục sang châu Á, châu lục đông dân nhất hành tinh, của Mỹ.
Giờ đây, ông chủ Nhà Trắng có thể coi đây là một thắng lợi ngoại giao trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Thách thức tiếp theo mà ông phải vượt qua là thuyết phục Quốc hội phê chuẩn hiệp định.
"Hiệp định sẽ củng cố quan hệ chiến lược giữa chúng ta với các đối tác và đồng minh trong khu vực có vai trò quan trọng đối với thế giới trong thế kỷ 21", ông Obama nhận định.
Tuy nhiên, phản ứng ban đầu sau thỏa thuận cấp Bộ trưởng cho thấy một số thành viên Quốc hội Mỹ, bao gồm cả nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa, dao động từ thận trọng tới hoài nghi. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, cảnh báo hiệp định sẽ tác động tới việc làm và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ. “Tại Thượng viện, tôi sẽ làm mọi thứ để bác bỏ TPP”, ông Sanders tuyên bố.
Nhiều người trong đảng Dân chủ của Tổng thống Obama cũng như các nhóm lao động lo sợ TPP sẽ ảnh hưởng tới việc làm hay làm suy yếu luật bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số ngành sản xuất của Mỹ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nước ngoài sau khi hàng rào thuế quan bị bãi bỏ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, chính trị gia quyền lực của Đảng Cộng hòa đang đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, tỏ ra nghi ngại về sự lâu dài của thỏa thuận. Ông Hatch là người kêu gọi chính phủ Mỹ cứng rắn trong việc bảo vệ sở hữu chí tuệ, bao gồm cả bản quyền với các loại thuốc.
Bộ trưởng Thương mại Canada, ông Ed Fast, tin rằng các rào cản về hành chính và thuế quan đối với mậu dịch và đầu tư sẽ giảm nhờ TPP. Ảnh: EPA |
Đông Nam Á
Lim Hng Kiang, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, nhận xét rằng TPP chính là tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Nó sẽ thay đổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng cách loại bỏ những rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với cả hàng hóa lẫn dịch vụ, khuyến khích đầu tư, giải quyết những thách thức thương mại mới phát sinh trong nền kinh tế hiện đại", Channel News Asia dẫn lời ông Lim.
Vị bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng các đoàn đàm phán đã điều chỉnh để TPP trở nên toàn diện hơn nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng nó để giành ưu thế trên thương trường.
Đối với Việt Nam, giảm thuế đối với khí butane, propane và khí đốt hóa lỏng chỉ là một trong những lợi ích từ TPP.
New Zealand
Ông John Key, Thủ tướng New Zealand, thông báo TPP sẽ làm giảm 93% thuế xuất khẩu đối với sản phẩm bơ, sữa của họ tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, ông tỏ ra bất bình vì hiệp định không tạo thêm lợi ích cho ngành công nghiệp bơ sữa của New Zealand.
"Chúng tôi thất vọng vì hiệp định không xóa toàn bộ thuế đối với sản phẩm bơ sữa, song về tổng thể đây là một thỏa thuận tốt đối với New Zealand. Nó giúp chúng tôi tiếp cận thị trường với hơn 800 triệu khách hàng ở châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế của chúng tôi sẽ hưởng lợi ít nhất 2,4 tỷ USD mỗi năm trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030", ông bình luận.
Bộ trưởng Mậu dịch New Zealand, ông Tim Groser, nói rằng các nhà đàm phán của ông đã đấu tranh tới những giờ cuối cùng tại cuộc đàm phán về bơ sữa ở thành phố Atlanta, song họ buộc phải nhượng bộ một số điểm để hoàn tất thỏa thuận.
"Chúng tôi đã đề ra mục tiêu khá cao và đạt thành quả trong tầm khả năng", ông nói với đài Radio New Zealand.
Canada
Ông Ed Fast, Bộ trưởng Thương mại Canada, gọi TPP là một thỏa thuận "mang tới sự thay đổi thực sự". Theo ông, TPP sẽ giúp các nước giảm những rào cản về hành chính và thuế quan đối với mậu dịch và đầu tư giữa 12 nước.
"Thói quan liêu cản trở rất nhiều hoạt động trên thế giới. Đây là một thành tựu lớn trong nỗ lực giảm quan liêu. TPP sẽ giúp hoạt mậu dịch diễn ra trơn tru hơn", ông nhận xét.
Chile
Heraldo Munoz, Ngoại trưởng Chile, tỏ ra hài lòng với kết quả đàm phán và khẳng định thỏa thuận sẽ cho phép Chile củng cố mối quan hệ với những nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương.
"Chúng ta sẽ là một phần của mô hình kinh tế hiện đại nhất trên thế giới", ông phát biểu.
Andres Rebolledo, trưởng đoàn đàm phán TPP của Chile, nhấn mạnh rằng đoàn đã đạt được một thỏa thuận cân bằng hợp lý, mang đến những lợi ích quan trọng cho đất nước.
Peru
Nicholas McCaffrey, Đại sứ Australia tại Peru, nói rằng việc hoàn tất đàm phán TPP sẽ làm tăng hoạt động mậu dịch giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và máy móc chuyên dụng.
"Hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nhà sản xuất ở cả hai phía Thái Bình Dương", ông nói.
Mexico
Ông Enrique Pena Nieto, Tổng thống Mexico, ca ngợi thỏa thuận bằng dòng chữ trên mạng xã hội Twitter: "Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ tạo ra những cơ hội đầu tư lớn hơn và những công việc lương cao hơn cho người dân Mexico".
Theo Nieto, thuế suất đối với dược phẩm, máy móc, thiết bị cơ khí và điện, linh kiện ôtô mà Mexico nhập khẩu sẽ không tồn tại trong vòng 10 năm nữa, còn thuế đối với hải sản sẽ giảm tới mức 0% trong vòng 15 năm.
Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, nói rằng thỏa thuận là một "kết quả quan trọng" đối với đất nước ông và tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
TPP sẽ tạo điều kiện để các hãng ôtô Nhật Bản mua linh kiện từ châu Á để chế tạo xe dành cho thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, hiệp định lại đề ra thời hạn khá dài cho việc bãi bỏ thuế nhập khẩu mà Mỹ áp với xe hơi và xe tải nhẹ của Nhật Bản.