164 thành viên của WTO cũng đã nhất trí họp thêm một ngày tại Geneva (Thụy Sĩ), nơi đặt trụ sở của cơ quan thương mại hàng đầu thế giới, nhằm cố gắng phá vỡ sự bế tắc.
“Họ đang xem xét một gói thỏa thuận lớn: Điều gì có thể đạt được, và nhượng bộ trong các lĩnh vực khác”, một quan chức nói với báo giới. “Về cơ bản là: Tôi có thể nhận được gì để đổi lại thứ đó”.
“Chúng tôi đã bước vào giai đoạn đàm phán thực sự. Đây là lúc mọi hành động diễn ra. Hy vọng một số thỏa thuận sẽ có thể đạt được”, vị quan chức chia sẻ.
Quyết tâm tránh thất bại
Trong cuộc họp tối 15/6, Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai được ghi nhận thường xuyên đi ra, rồi lại đi vào phòng họp. Trong khi đó, một khay bánh sandwich khổng lồ được mang vào để giúp các đại biểu nạp năng lượng.
“Cuộc họp sẽ diễn ra cả đêm”, vị quan chức trên nói với AFP. “Mọi người đều mệt mỏi”. Dù vậy, người này bày tỏ lạc quan vì “họ đang đàm phán”.
WTO đang cố gắng chứng tỏ họ vẫn đóng vai trò nhất định trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, người nhậm chức từ tháng 3/2021, đã cam kết “thổi sức sống mới” vào tổ chức bị coi là “xơ cứng” này.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala hy vọng cuộc họp lần này sẽ không thất bại như năm 2017. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi đang có tiến triển, nhưng cần hành động nhiều hơn và nhiều thời gian hơn”, bà Okonjo-Iweala nói. “Điều này đòi hỏi chúng tôi làm việc vào ban đêm”.
Đây là cuộc gặp cấp bộ trưởng đầu tiên của WTO sau hơn 4 năm, kể từ hội nghị tháng 12/2027 tại Buenos Aires (Argentina) - nơi các bên không thể đạt được đồng thuận lớn nào. Bà Okonjo-Iweala không muốn điều này lặp lại.
Một trong những nguyên nhân khiến WTO khó ra quyết định là cơ chế làm việc dựa trên đồng thuận. Do đó, chỉ cần một nước thành viên không đồng ý, cả bản thỏa thuận sẽ cần được xem xét lại.
Tranh cãi về nghề cá
Bà Okonjo-Iweala kỳ vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận về hạn chế các khoản trợ cấp với ngành thủy sản. Theo những người ủng hộ quy định này, việc bãi bỏ trợ cấp sẽ giúp bảo vệ nguồn cá trên các đại dương và hạn chế tình trạng đánh bắt quá mức.
Sau hơn hai thập kỷ đàm phán, các nhà ngoại giao tuyên bố thỏa thuận “đã gần hơn bao giờ hết”.
Dù vậy, Ấn Độ hôm 14/6 tuyên bố sẽ không ký vào thỏa thuận nếu không được miễn trừ trong vòng 25 năm. Quãng thời gian quá dài này khiến nhiều quốc gia khác không thấy thoải mái.
Một số nhà đàm phán chỉ trích sự “không khoan nhượng” và “chiến thuật thiếu xây dựng” của Ấn Độ. “Đã đến lúc rồi. Xã hội dân sự muốn điều này, các cộng đồng ngư dân muốn điều này, và đàn cá muốn điều này”, một nguồn tin ngoại giao chia sẻ với AFP.
Trong khi đó, các tổ chức xã hội dân sự cho rằng các nước giàu phải chịu trách nhiệm cho sự bế tắc khi thiếu linh động trước nhu cầu của các nước đang phát triển, theo Reuters.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal tuyên bố nước này luôn ủng hộ sự bền vững. Tuy vậy, ngành ngư nghiệp Ấn Độ không có các đội tàu lớn, thay vào đó, họ phụ thuộc vào các ngư dân nghèo khó, hoạt động ở quy mô nhỏ. Do đó, họ và các quốc gia tương tự cần quãng thời gian chuyển giao 25 năm.
“Với việc văn bản càng ngày càng bị Ấn Độ phản đối, chưa rõ các bên có đạt được thỏa thuận hay không”, một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters.
Một cuộc biểu tình trong trụ sở WTO phản đối sự bất bình đẳng về vaccine trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Bất đồng về vaccine
“Có những thứ đang đi đúng hướng. Điều không may mắn là những thứ khác không tiến triển nhiều”, ông Franck Riester, quan chức phụ trách ngoại thương trong chính phủ Pháp, nói với báo giới trước cuộc đàm phán đêm 15/6 - rạng sáng 16/6.
Những vấn đề liên quan tới y tế được cho là có triển vọng sáng sủa nhất. Các bộ trưởng đã bàn thảo về cách ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi các biện pháp phòng dịch, cũng như khả năng bãi bỏ tạm thời bằng sáng chế vaccine Covid-19.
Một số quốc gia có các công ty dược phẩm lớn - như Anh hay Thụy Sĩ - cảm thấy thỏa thuận về bằng sáng chế đã đi quá xa. “Bằng sáng chế không làm chậm việc tiếp cận vaccine, mà ngược lại”, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ Guy Parmelin tuyên bố.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ chỉ trích thỏa thuận này vẫn là chưa đủ.
Giữa lúc cuộc đàm phán diễn ra, các nhà vận động đã biểu tình trong trụ sở WTO. Theo họ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Thụy Sĩ và Mỹ đang cản đường một thỏa thuận có ý nghĩa lớn về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Covid-19.
“Đề xuất trên bàn đàm phán có mục đích cứu vớt danh tiếng của WTO, nhưng sẽ không thể cứu tính mạng con người trong đại dịch”, bà Deborah James, người tổ chức cuộc biểu tình, nói với AFP.