Trong nửa thế kỷ qua, dầu và khí đốt tự nhiên đã di chuyển tương đối tự do sang các thị trường mua với giá cao nhất. Xu hướng này đột ngột kết thúc khi chiến sự tại Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu nhắm vào Nga khiến thương mại toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trong tuần này, Liên minh châu Âu thông qua biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga, bao gồm cấm vận dầu và chặn các công ty vận chuyển dầu thô từ Moscow.
Trật tự mới sẽ không rõ ràng trong nhiều năm tới. Nhưng các thương nhân, nhà ngoại giao và chuyên gia trong lĩnh vực địa chính trị năng lượng đồng tình trật tự mới sẽ ít tự do hơn so với những gì thế giới chứng kiến kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Ba trục ảnh hưởng năng lượng có khả năng đang xuất hiện: Mỹ và các quốc gia phương Tây sử dụng sức mạnh kinh tế và sức mua khổng lồ làm vũ khí chính trị; Trung Quốc và các quốc gia mới nổi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ chặn sức ép của phương Tây và tiếp tục làm ăn với Nga; Arab Saudi cùng các quốc gia sản xuất dầu ở Trung Đông tìm cách duy trì thế trung lập và có thể giành được thị phần trong những năm tới.
Nhiều người dự đoán ngành công nghiệp năng lượng - trụ cột nền kinh tế Nga - sẽ thu hẹp lại vì nước này không thể thay thế hoàn toàn thị trường lớn nhất vừa mất đi. “Những ngày với tư cách là siêu cường năng lượng của Nga đã đi qua”, ông Daniel Yergin - nhà sử học ngành dầu mỏ - nhận định.
"Mỹ chính trị hóa thương mại năng lượng"
Theo Chas Freeman, cựu đại sứ Mỹ tại Arab Saudi, châu Âu sẽ thôi tin tưởng Nga là nhà cung cấp năng lượng chính. Ngay cả khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, việc các nước đề xuất xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng mới và thông qua hợp đồng cung cấp thay thế dài hạn cũng sẽ ảnh hưởng tới bản đồ năng lượng mới.
Lệnh trừng phạt mới có thể sẽ làm cho buôn bán năng lượng kém hiệu quả và giá đắt hơn, theo Zoltan Pozsar - cựu quan chức tại Bộ Tài chính Mỹ.
Lệnh cấm vận của Đức đối với dầu thô của Nga đồng nghĩa thay vì dầu của Nga đến Hamburg trong 1-2 tuần, nó sẽ mất vài tháng để đến Trung Quốc, ông nói.
Ngược lại, đối với dầu Trung Đông, lệnh cấm vận kích hoạt những chuyến hàng dài ngày hơn đến châu Âu, trong khi vốn thường hướng đến đích châu Á. Ông cho rằng điều này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm và tài chính - những yếu tố vốn là nền tảng cho thương mại năng lượng.
Biểu đồ thể hiện những bên cung cấp và bên mua dầu thô hàng đầu thế giới năm 2020, tính theo tấn. Đồ họa: Wall Street Journal. |
Tuy nhiên, bản đồ năng lượng mới không tác động nhiều tới sức mạnh của Mỹ và vị thế của quốc gia này với tư cách là nhân tố bảo đảm thương mại toàn cầu. Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, đồng USD đã là đơn vị tiền tệ mặc định cho các giao dịch dầu mỏ. Điều này giúp cho Mỹ duy trì vị trí trung tâm đối với nền kinh tế toàn cầu.
Việc lợi dụng sức mạnh từ hệ thống tài chính của Mỹ để áp các lệnh trừng phạt nhắm tới Nga đang khiến nhiều nước thay đổi suy nghĩ. Arab Saudi, Ấn Độ và các nước đang phát triển đang tìm cách thực hiện giao dịch năng lượng bằng các loại tiền không phải USD. Tương tự, Nga cũng bắt đầu tìm cách thu phí nhiên liệu hóa thạch bằng đồng ruble.
“Mỹ đã chính trị hóa thương mại năng lượng”, ông Freeman nói.
Địa chính trị và năng lượng luôn có mối liên hệ với nhau, và các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và Venezuela đã làm gián đoạn dòng chảy dầu toàn cầu trong những năm gần đây.
Nhưng kể từ khi lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab vào đầu những năm 1970 kết thúc, thương mại hàng hóa tương đối tự do, được hỗ trợ bởi sức mạnh tài chính và quân sự của Mỹ. Điều này đã trở thành dấu ấn trong hệ thống quốc tế.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Trong bài phát biểu vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói đã đến lúc thiết kế lại Bretton Woods - hệ thống các quy tắc thương mại Washington thông qua từ năm 1944, trong đó ưu tiên hiệu quả kinh tế và hợp tác quốc tế.
Bà Yellen ủng hộ xây dựng các chuỗi cung ứng nguyên liệu thô quan trọng “dựa vào đối tác” bằng cách tăng cường quan hệ thương mại với “nhóm quốc gia tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và giá trị”.
Khác với dầu, châu Âu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga, vốn chiếm hơn 30% nguồn cung của EU và chủ yếu đến qua đường ống.
JPMorgan Chase ước tính đến cuối năm, châu Âu sẽ vẫn nhận được 81-94% lượng khí đốt của Nga mà họ đã sử dụng vào năm 2021. EU tuyên bố ngừng sử dụng dầu và khí đốt của Nga trong năm 2027, nhưng chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga có thể khiến khối này phải trả giá đắt.
Lãnh đạo EU đang đẩy nhanh các kế hoạch đầy tham vọng như xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, nhưng thừa nhận châu Âu sẽ cần nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn trong thời gian tới.
Theo Joseph McMonigle, Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Arab Saudi, nhu cầu gia tăng cùng với các lệnh trừng phạt năng lượng của phương Tây có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu toàn cầu.
Biểu đồ thể hiện những bên cung cấp và bên mua khí đốt tự nhiên thông qua đường ống hàng đầu trên toàn cầu năm 2020, tính bằng m3. Đồ họa: Wall Street Journal. |
"Thời" của Arab Saudi?
Các nhà sản xuất tại Trung Đông có vẻ đã sẵn sàng trở thành người chiến thắng trong bản đồ năng lượng mới.
Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh đã phải chịu áp lực đa dạng hóa khỏi nhiên liệu hóa thạch trong những năm gần đây do những lo ngại toàn cầu về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây có những động thái muốn “làm hòa” với Arab Saudi, khác hẳn với thái độ trước đây khi ông còn trong chiến dịch tranh cử.
Dennis Blair - người từng làm giám đốc tình báo quốc gia dưới thời ông Obama - nhận định bất chấp những nỗ lực xoay trục chính sách đối ngoại của Mỹ ra khỏi khu vực, tầm quan trọng của Trung Đông đối với lợi ích của Washington đã trở lại sau chiến sự Ukraine.
Công ty năng lượng khổng lồ Saudi Aramco gần đây đã vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. “Ông lớn” này đã nhận được nhiều yêu cầu từ những khách hàng ở châu Âu.
Nhìn rộng hơn, các quan chức Arab Saudi nói rằng cuộc chiến chứng minh rằng các mục tiêu nhằm giảm lượng khí thải carbon bằng cách cắt nhiên liệu hóa thạch là không thực tế.
“Chúng tôi cảm thấy thật nực cười khi năm ngoái, một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã gây sức ép phải tuân theo (kế hoạch giảm lượng khí thải carbon vào năm 2050), nhưng giờ đây họ đang yêu cầu cung cấp thêm dầu”, một quan chức Arab Saudi cho biết.
Một quan chức khác nói rằng cuộc chiến Ukraine đã “dạy thế giới một bài học lớn: Chúng ta cần thêm dầu của Arab Saudi”.
Thách thức của Nga
Nhiệm vụ mới của Nga là làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, để thay thế cho thị trường châu Âu.
Nga cần tính kế xoay trục, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu khí đốt, loại năng lượng khó tìm khách hàng hơn so với dầu và cần xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ.
Một số dự án đường ống và khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẽ thúc đẩy khả năng vận chuyển đến châu Á. Tuy nhiên, thách thức về mặt kỹ thuật và chi phí, cùng với lệnh trừng phạt, sẽ cản trở kế hoạch của Nga.
Dự án quan trọng nhất là đường ống dài nối bán đảo Yamal của Nga với Trung Quốc, được gọi là Power of Siberia 2. Dự án Power of Siberia đầu tiên trị giá hơn 50 tỷ USD và mất hơn 5 năm để xây dựng.
EU bắt đầu tìm nguồn dầu thô từ công ty năng lượng khổng lồ của Arab Saudi là Saudi Aramco. Ảnh: AFP. |
Các nhà ngoại giao Nga đang gấp rút tìm kiếm khách hàng mới. Theo JPMorgan Chase, vận chuyển dầu của Nga đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các nước “thân thiện” khác tăng hơn 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 2-4.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng châu Á không có khả năng thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu trong dài hạn. Ấn Độ đang tìm cách mua dầu giảm giá từ Nga, giống như cách Trung Quốc tìm kiếm mức chiết khấu khí đốt tự nhiên.
Mất thị trường gần nhất và lớn nhất khiến Nga mất hàng tỷ USD doanh thu năng lượng mỗi năm. Cùng với các biện pháp trừng phạt về công nghệ, điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng duy trì mức sản xuất dầu và khí đốt hiện tại của Moscow.