“Cô có biết vì sao đó lại là lỗi không? Giờ thì họ sẽ được đá phạt. Cô biết ai nổi tiếng với những cú đá phạt không? David Beckham chứ ai”, một người đàn ông quay sang giải thích với Genevieve Loh, nữ phóng viên của Channel News Asia khi cô đang theo dõi trận tứ kết Anh - Thụy Điển.
“À, nhưng cô thích bóng đá thật hay chỉ đang xem vì các cầu thủ Anh và Thụy Điển dễ thương?”, anh ta tiếp tục.
Nữ phóng viên im lặng. Cô kể lại rằng đã phải dùng hết sức bình sinh để không đáp trả những lời của người đàn ông bằng nắm đấm.
Nhìn lại 4 tuần World Cup trước thềm Pháp và Croatia tranh cúp vô địch ngày 15/7, có thể nói vòng chung kết năm nay đã có ít nhiều bất ngờ. Đội tuyển Anh tiến xa hơn mong đợi, còn Argentina và nhà vô địch World Cup 2014, Đức phải ra về từ vòng bảng.
Tuy nhiên, có một điều dường như không bao giờ thay đổi: sự phân biệt giới tính trong tình yêu với bóng đá. Phụ nữ luôn phải tự chứng minh họ là những cổ động viên thực thụ.
Cộng đồng This Fan Girl phát động chiến dịch đăng ảnh nữ cổ động viên bóng đá tại Anh. Ảnh: This Fan Girl. |
Những "bài kiểm tra miệng" đột xuất
Nhiều cổ động viên nữ chia sẻ họ thường xuyên bị cánh đàn ông kiểm tra kiến thức bóng đá, như thể nam giới chỉ chờ bắt lỗi vì không tin phụ nữ có thể là cổ động viên chân chính.
“Tôi bị ‘lên lớp’ suốt! Đặc biệt khi tôi nói rằng tôi hâm mộ Manchester United, họ sẽ hỏi lại là ‘vì Ronaldo đúng không?’”, Ng Xin Rong, 28 tuổi, chia sẻ. “Hồi học đại học, một người bạn cùng lớp thách tôi kể tên các cầu thủ Manchester United theo số áo. Và tôi đã thắng, 1-0 nghiêng về nữ giới!”.
Aisha Manoj, cổ động viên Barcelona 34 tuổi, cũng gặp trường hợp tương tự.
“Nếu tôi tình cờ đề cập đến sở thích xem bóng đá, tôi thường sẽ bị ‘kiểm tra miệng đột xuất’ và phải trả lời hàng tá câu hỏi về lịch sử thể thao và giải thích tại sao tôi ủng hộ Barcelona”, cô nói.
Lucinda Wee, người Singapore sống tại Anh, chia sẻ: “Như thể tôi phải có bằng chứng để chứng tỏ mình thực sự là một cổ động viên bóng đá vậy”.
Phóng viên Genevieve Loh, fan ruột của “Quỷ đỏ” Manchester United, cũng không tránh được việc bị “lên lớp” về luật chơi và chiến thuật trong khi những cậu em họ đi cùng tới sân vận động không bao giờ rơi vào tình cảnh này.
Suốt nhiều năm, cô nhận được duy nhất một câu hỏi lặp đi lặp lại: “Cô thích bóng đá vì cầu thủ đẹp trai đúng không? Làm sao mà phụ nữ lại yêu bóng đá được, cô còn không biết nó chơi thế nào”.
Chiếc áo của Manchester United năm 1994-1996 của nữ phóng viên Genevieve Loh. Ảnh: Genevieve Loh.
|
Hình ảnh méo mó trên truyền thông
Phần lớn cuộc tranh luận về thể thao luôn xoay quanh nam giới. Từ những quảng cáo mà hình ảnh nam giới ngự trị tới việc các bình luận viên dường như lúc nào cũng là đàn ông, có vẻ như xã hội vẫn tồn tại một định kiến rằng phụ nữ không bao giờ có thể là cổ động viên thể thao chân chính.
Tình hình càng tệ hơn với cách truyền thông thể hiện hình ảnh nữ cổ động viên. Gần đây, bộ ảnh “Những cổ động viên World Cup nóng bỏng nhất” của Getty đã vấp phải ý kiến trái chiều từ dân mạng.
“Năm 2018 rồi... Đến thời gian còn thay đổi mà sao các bạn thì không?”, tổ chức Women in Football đăng trên Twitter.
Getty đăng bộ ảnh “Những cổ động viên World Cup nóng bỏng nhất” gây tranh cãi. |
Getty đã phải gỡ bộ ảnh với lý do bộ ảnh “không đạt tiêu chuẩn xuất bản” và cho biết: “Chúng tôi rất tiếc vì sai sót này và đã gỡ bỏ hình ảnh. World Cup có nhiều câu chuyện để kể và chúng tôi thừa nhận đây không phải là một trong số đó”.
Trong mùa World Cup, bên trong sân vận động, máy quay luôn đi tìm những cô gái trẻ đẹp để đưa lên hình. Còn bên ngoài sân bóng, nhiều nữ phóng viên trở thành nạn nhân của nạn quấy rối khi đang tác nghiệp.
Phụ nữ lên tiếng
Phụ nữ đang đứng lên đấu tranh vì quyền lợi. Các cộng đồng trên mạng như This Fan Girl (tạm dịch: "Nữ cổ động viên này") đã phát động chiến dịch đăng những bức ảnh nữ cổ động viên thực thụ thay cho ảnh chụp các cô gái trẻ hở hang trên mạng.
Trang web của This Fan Girl nhấn mạnh: “Cách nữ cổ động viên được tái hiện trên truyền thông không phản ánh chân thực những phụ nữ mà chúng ta nhìn thấy khi tới xem trận đấu”.
Cộng đồng This Fan Girl muốn thể hiện hình ảnh nữ cổ động viên chân thật hơn những gì truyền thông tái hiện. Ảnh: This Fan Girl. |
Nữ giới cũng bắt đầu lên tiếng về việc bị coi như “fan giả”, những người chỉ tập trung vào cầu thủ đẹp trai trong mùa World Cup.
Từng gặp phải nhiều hoài nghi từ nam giới, Ronda Ng Doswell, chia sẻ: “Tôi đã làm việc trong ngành thể thao 15 năm rồi. Tôi nghĩ điều đó đủ để nói lên tình yêu của tôi với thể thao”.
“Phụ nữ hiểu rõ trò chơi. Chúng tôi theo dõi và cũng đọc ra các chiến thuật. Chúng tôi cũng quan tâm tới phân tích trước và sau trận đấu như nam giới vậy”, Julie Teo, tổng giảm đốc quản lý bóng đá nữ tại Hiệp hội Bóng đá Singapore (FAS), nói.
Theo nghiên cứu của Nielsen, bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất với khán giả nữ. Năm 2017, 31% phụ nữ trên 18 thị trường được khảo sát nói rằng có hứng thú với môn thể thao vua. Các nhà quảng cáo đang dần tiếp thu sự thật này, vậy tại sao thế giới lại không?
World Cup 2018 có thể trở thành sự kiện đánh dấu sự thay đổi về định kiến giới với phụ nữ.
Vicki Sparks, nhà báo thuộc BBC, trở thành người phụ nữ đầu tiên bình luận World Cup tại Anh trong trận Bồ Đào Nha - Morocco. Bình luận viên Claudia Neumann cũng làm nên lịch sử tại nước Đức. Hãng truyền hình Fox và Telemundu tại Mỹ đã mời nữ giới bình luận trực tiếp trong mùa World Cup.
Hàng nghìn phụ nữ Iran được phép vào sân vận động lần đầu tiên kể từ năm 1979 để xem đội tuyển quốc gia đá với Tây Ban Nha qua màn hình ở thủ đô Tehran.
Đây đều là những tin vui bên cạnh hàng loạt vụ việc cổ động viên nữ bị quấy rối và hạ thấp. Và, khi nam bình luận viên Jason Cundy công khai xin lỗi vì đánh giá tông giọng của nữ giới quá cao để bình luận bóng đá thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cần trân trọng phụ nữ và cả môn thể thao này.
Đã đến lúc quên đi câu nói “phụ nữ không phải là cổ động viên chân chính”.