Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã nhiều lần yêu cầu các quan chức Trung Quốc cung cấp dữ liệu "phân tách" - nghĩa là các số liệu cụ thể được chia ra từ các con số tổng thể - có thể làm sáng tỏ sự lây truyền trong bệnh viện và giúp đánh giá mức độ rủi ro mà các nhân viên tuyến đầu phải đối mặt.
"Chúng tôi nhận được thông tin phân tách theo từng khoảng thời gian, mặc dù không có thông tin chi tiết về nhân viên chăm sóc sức khỏe", Tarik Jasarevic, phát ngôn viên của tổ chức, nói với Washington Post.
Đây là một trong những bình luận đầu tiên của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc về những thiếu sót trong báo cáo hoặc xử lý khủng hoảng virus corona của Trung Quốc.
Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Hiếu Cảm, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, ngày 20/2. Ảnh: AFP/Getty. |
Nó có thể lại làm dấy lên nỗi sợ rằng Bắc Kinh không thể hoặc không muốn chia sẻ tất cả thông tin mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng cần để hiểu về virus khi nó tăng đột biến ở những nơi như Hàn Quốc, Italy và Iran.
Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học và học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết chi tiết về việc nhiễm virus của các nhân viên tuyến đầu "rất quan trọng trong việc phát triển các kế hoạch chuẩn bị ở các nước trên thế giới".
"Đưa thông tin đó cho Tổ chức Y tế Thế giới cũng rất quan trọng từ quan điểm uy tín", bà nói.
Nhận thông tin từ các quốc gia thành viên trong cuộc khủng hoảng luôn đòi hỏi phải "dỗ dành". Nhưng các chuyên gia y tế công cộng lo lắng rằng giọng điệu ca ngợi đã đi quá xa.
Mara Pillinger, thành viên Viện Georgetown’s O’Neill về Luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu, cho rằng sự hợp tác một phần này khiến WHO gặp khó khăn trong việc quyết định nên đính chính công khai hay "dỗ dành" chính phủ Trung Quốc, "vì WHO cần phải làm mọi thứ có thể để khuyến khích sự hợp tác mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc".
Ví dụ, Trung Quốc đã được WHO khen ngợi vì đã nhanh chóng báo cáo mối đe dọa mới nổi ở Vũ Hán. Nhưng có bằng chứng cho thấy một số quan chức, đặc biệt ở cấp địa phương, đã tìm cách che giấu những gì đang diễn ra.
Hiện tại, WHO dường như đang tiếp tục công khai ủng hộ Trung Quốc và các nhà lãnh đạo.
Hôm 25/2, quan chức của WHO, Bruce Aylward, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng các nước khác có thể học hỏi từ "cách tiếp cận cứng rắn" của Trung Quốc.
"Họ biết những gì họ làm và họ thực sự rất giỏi", ông nói.