Ông Chung Nam Sơn, người góp công lớn trong khống chế dịch SARS năm 2003, nói dù dịch virus corona chủng mới (Covid-19) bùng phát mạnh mẽ ở Vũ Hán, các thành phố khác tại Trung Quốc lại ít bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi từng dự đoán rằng dịch bệnh có thể đạt đỉnh vào giữa hoặc cuối tháng 2, nhờ sự can thiệp mạnh tay của nhà nước cũng như việc không có cao điểm đi lại sau Tết", South China Morning Post dẫn lời vị chuyên gia.
"Hóa ra số ca nhiễm bắt đầu giảm sau ngày 15/2. Dự báo của chúng tôi tương đồng với của một số chuyên gia khác có thẩm quyền ở nước ngoài, và chúng tôi tin rằng dịch bệnh về cơ bản sẽ được kiểm soát vào tháng 4".
Chuyên gia Chung Nam Sơn trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 11/2. Ảnh: Reuters. |
Ông Chung cho rằng dự báo của các chuyên gia nước ngoài - một số nói sẽ có hơn 160.000 ca nhiễm - đã không tính đến sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc.
Nhà khoa học cho biết một người nhiễm virus trung bình có thể lây cho 2 đến 3 người khác và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác, trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng nhanh chóng ở Hàn Quốc, Iran và Italy.
Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 1.500 ca nhiễm với 13 ca tử vong, tính đến sáng 27/2, trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc. Italy đang chứng kiến sự bùng phát dịch ở miền bắc với ít nhất 12 người tử vong trong hơn 400 ca nhiễm, ổ dịch lớn nhất tại châu Âu.
Trong khi đó, Iran là điểm nóng lớn nhất về dịch tại Trung Đông với ít nhất 19 người tử vong trong 139 ca nhiễm. Hàng loạt nước trong khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm liên quan đến Iran, gây nên lo lắng về sự lây lan của virus.
Ông Chung cho rằng dù dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, ca nhiễm đầu tiên có thể không phải ở đây.
"Khi chúng ta đưa ra dự báo, chúng ta chỉ nghĩ về Trung Quốc mà không nghĩ đến các nước khác, nhưng giờ dịch bệnh đang diễn ra ở các nước khác. Dù dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc là nguồn lây bệnh", ông nói.
Chuyên gia về bệnh hô hấp cho rằng nhiều loài động vật hoang dã có thể là vật chủ của virus gây nên Covid-19, không chỉ có tê tê. Nguồn gốc của virus đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Dù vậy, ông thừa nhận giới chức Trung Quốc đã chậm trễ trong việc ứng phó với dịch bệnh. Ông nhận định rằng nếu Trung Quốc hành động sớm từ đầu tháng 12, hoặc thậm chí đầu tháng 1, số ca nhiễm sẽ có thể thấp hơn nhiều.
Trung Quốc lần đầu tuyên bố virus có thể lây nhiễm từ người sang người vào ngày 20/1 và, theo ông Chung, nếu việc này diễn ra chậm hơn chỉ vài ngày, số ca nhiễm cuối cùng có thể vượt quá mức 100.000.
"Đã có 3 đợt bùng phát dịch bệnh virus corona từ đầu thế kỷ 21. Chúng ta nên hành động để ngăn chặn sự lây lan ngay khi chỉ có 1 ca nhiễm", ông nói. "Đây là bài học lớn cho chúng ta".
Ông cũng nhắc lại việc các bác sĩ, bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán, đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh trong thời gian từ giữa đến cuối tháng 12/2019, nhưng giới chức không báo cáo cho chính quyền cho đến ngày 30/12.
Theo chuyên gia, chính quyền địa phương đã không lưu tâm đến những lời cảnh báo "hoặc họ không hiểu đó là chuyện gì".
"Đó là lý do không thể ngăn chặn sự lây lan (của virus)", ông nói.