"Đại dịch đang trong giai đoạn cao điểm. Bây giờ không phải lúc để cắt giảm tài trợ", bác sĩ Hans Kluge, giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu, ngày 8/4 phản ứng những chỉ trích từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trả lời trong cuộc họp báo ở Geneva, Tổng giám đốc Tedros Ghebreyesus cũng cho rằng thế giới "không nên tốn thời gian để đổ lỗi cho nhau", theo Guardian.
Xe cứu thương xếp hàng chờ tại bệnh viện dã chiến Samaritan's Purse, đặt ở Công viên Trung tâm của thành phố New York. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta cần thời gian để đoàn kết. Giai đoạn tồi tệ nhất vẫn còn trước mắt nếu chúng ta không gấp rút đảm bảo sự đoàn kết toàn cầu", ông cho biết.
Bất đồng giữa WHO và Tổng thống Trump được đào sâu thêm vào ngày 7/4, khi Mỹ ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục trong vòng 24 giờ với hơn 1.800 bệnh nhân.
Tổng thống Trump, những chính trị gia đảng Cộng hòa và truyền thông ủng hộ nhà lãnh đạo trong nhiều tháng qua cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc và yêu cầu quốc hội Mỹ điều tra.
Trong buổi họp báo ngày 7/4, Tổng thống Trump chỉ trích "WHO đã sai lầm về nhiều mặt" và đe dọa rút tài trợ tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi đang điều tra và sẽ cân nhắc. Chúng tôi sẽ xem xét cắt tài trợ vì họ đã dự báo sai. Và nếu bạn xem lại vài năm qua, mọi thứ có vẻ thiên vị cho Trung Quốc", ông Trump nhấn mạnh.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một buổi họp báo ở Geneva ngày 17/3. Ảnh: Reuters. |
Một số ý kiến cho rằng căng thẳng giữa Nhà Trắng và WHO được xướng lên để làm người Mỹ phân tâm về những bất cập trong cách Tổng thống Trump chuẩn bị và ứng phó đại dịch.
Nhiều nhân vật trong WHO lo ngại chiến dịch này sẽ làm hạ thấp uy tín của tổ chức một cách nguy hại, giữa lúc nỗ lực chống dịch toàn cầu cần sự tham vấn quốc tế.
David Nabarro, đặc phái viên WHO về Covid-19, thừa nhận một số "tổ chức, chính phủ và cá nhân" không tránh khỏi viễn cảnh phải chịu trách nhiệm về đợt bùng phát đại dịch. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này nên diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.
"Thế giới đang trong cuộc đấu tranh lịch sử và phi thường với một chủng virus hoàn toàn mới. Trong những thời khắc như thế, mọi quyết định của chúng ta đều được soi xét kỹ lưỡng. Đó là điều nên làm. Nhưng vào thời điểm này, tôi đề nghị chúng ta chờ đến lúc tình hình khẩn cấp lắng dịu để chất vấn. Khi đó, dĩ nhiên các cá nhân, chính phủ và tổ chức sẽ được điều tra kỹ lưỡng", ông chia sẻ.
"Chúng tôi đang nỗ lực kết hợp khoa học và đánh giá rủi ro, kết nối với những nhân vật đang đưa ra các quyết sách khó khăn. Để làm được điều này, họ cần có niềm tin vào chúng tôi", ông nhấn mạnh.