Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các nhà dịch tễ học của WHO đã theo dõi các diễn biến của đợt bùng phát virus này và "chúng tôi hiện đã nâng mức đánh giá nguy cơ lây lan và hệ quả của Covid-19 lên mức rất cao đối với toàn cầu", theo CNN.
Trong 24 giờ qua, Đan Mạch, Estonia, Lithuania, Hà Lan và Nigeria đã báo cáo những ca nhiễm virus đầu tiên, tất cả đều liên quan đến Italy, hiện là một trong những ổ dịch lớn bên ngoài Trung Quốc. Những nước khác cũng ghi nhận số lượng ca nhiễm lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran.
Trước đó một ngày, các quan chức WHO lưu ý rằng số ca nhiễm virus bên ngoài Trung Quốc ghi nhận trong ngày đã lần đầu tiên vượt qua số ca nhiễm tại Trung Quốc, và các nước phải hành động nhanh chóng và quyết liệt để khống chế sự lây lan.
Nhân viên y tế khử trùng tại một ga tàu điện ở Hàn Quốc, nơi hiện có số ca nhiễm cao thứ nhì, ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 28/2 ở Geneve, ông nói rằng phần lớn các ca nhiễm hiện tại đều có thể truy ra nguồn gốc ổ dịch, và WHO chưa thấy bằng chứng của việc virus lây lan mất kiểm soát.
"Chừng nào trạng thái này còn duy trì, chúng ta vẫn còn cơ hội kiềm chế virus này", ông nói.
Trong buổi họp báo, tổng giám đốc WHO cũng cho biết 20 loại vắc xin chống lại virus corona đang được phát triển trên toàn thế giới.
Tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc tính đến ngày 28/2 là 2.337 ca với 13 trường hợp tử vong. Iran, nơi có 139 trường hợp nhiễm viurs được ghi nhận, có đến 19 trường hợp tử vong, là nơi có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 327 ca nhiễm mới vào ngày 27/2. Tổng số bệnh nhân nhiễm virus corona tại Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 27/2 là 78.824, với 2.788 ca tử vong.