“Người chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa có bằng chứng từng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó mà thuộc nhóm có rủi ro mắc bệnh nặng và tử vong, bao gồm người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh nền, nên được khuyến cáo hoãn đi lại tới khu vực có lây nhiễm cộng đồng”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/11 ra cảnh báo, theo Guardian.
WHO đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh nhiều quốc gia cấm đi lại đối với công dân tới từ các nước ghi nhận ca nhiễm Omicron để ngăn chặn biến chủng này xâm nhập. Nguyên nhân là nỗi lo ngại Omicron có thể nguy hiểm hơn chủng Delta do chứa lượng lớn đột biến.
Quan chức y tế nhiều nước nhấn mạnh tiêm chủng là cách tốt nhất để chống lại chủng Omicron. Ảnh: Reuters. |
Theo WHO, những lệnh cấm di chuyển tuyệt đối “sẽ không ngăn chặn sự phát tán quốc tế (của Omicron), cũng như gây ra áp lực nặng nề đối với cuộc sống và sinh kế”.
Ngoài ra, các lệnh cấm này còn sẽ có nhiều hậu quả tiêu cực khác, bao gồm việc khiến các quốc gia ngại chia sẻ dữ liệu dịch tễ học vì có thể trở thành mục tiêu của lệnh cấm di chuyển.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết rất dễ hiểu khi các nước muốn bảo vệ công dân trước “biến chủng mà chúng ta chưa hoàn toàn hiểu rõ”.
Nhưng ông kêu gọi phản ứng toàn cầu cần phải “bình tĩnh, phối hợp và rõ ràng” trong khi các nước có “các biện pháp giảm thiểu rủi ro hợp lý và tương xứng”.
Tới nay, thế giới còn chưa có nhiều thông tin về Omicron. Ngày 30/11, giám đốc cơ quan y tế của Liên minh châu Âu (EU) từng nói cần hai tuần để xác định liệu vaccine ngừa Covid-19 hiện tại có thể chống lại Omicron hay không.
Đến nay, biến chủng Omicron đã xuất hiện ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Italy, Israel, Hong Kong, Botswana…