Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ông sẽ tái triệu tập Ủy ban Khẩn cấp của WHO trong tuần này để đánh giá về nguy cơ đại dịch, theo BBC.
WHO từng 5 lần ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu: 2 lần bùng phát dịch Ebola (các năm 2014 và 2018), dịch Zika (2016), bệnh bại liệt (2014) và dịch cúm H1N1 (2009).
Đại dịch Covid-19 kể từ khi được ghi nhận vào tháng 1 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 16,3 triệu người và khiến hơn 651.000 người tử vong trên thế giới.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters. |
“Khi tôi tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 30/1, bên ngoài Trung Quốc mới có chưa đến 100 ca nhiễm và không có ca tử vong nào”, Tổng giám đốc WHO nói. “Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta”.
Ông Tedros cho biết thêm số ca nhiễm trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 6 tuần qua, bất chấp nỗ lực to lớn của các nước nhằm đánh bại virus. “Vẫn còn chặng đường dài khó khăn phía trước chúng ta”, ông nói.
Tại họp báo hôm 27/7 ở Geneva, Thụy Sĩ, WHO cho biết việc áp đặt hạn chế đi lại không thể là biện pháp về lâu dài. Các quốc gia cần làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn đại dịch, bằng các chính sách đã được chứng minh là hiệu quả như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
“Không thể để các quốc gia đóng cửa quá lâu. Các nền kinh tế cần mở cửa trở lại, mọi người phải làm việc, các hoạt động giao thương phải tiếp diễn”, ông Mike Ryan, Giám đốc các Chương trình Khẩn cấp của WHO, nhận định.
Tuy nhiên, các quan chức WHO cũng thừa nhận rằng các quốc gia đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới cần giãn cách thêm, nhưng lưu ý các biện pháp không nên kéo dài và chỉ khoanh vùng trong phạm vi nhỏ.
“Chúng tôi càng hiểu về virus hơn thì càng có thể làm nhiều hơn để kiểm soát nó”, ông Ryan nói.