Tuy chưa ghi nhận ca tử vong do biến chủng Omicron, WHO vẫn cảnh báo sự lây lan của biến chủng mới có thể chiếm một nửa số ca mắc ở châu Âu trong những tháng tới, AFP đưa tin ngày 4/12.
WHO cũng khẳng định phải mất nhiều tuần mới có thể xác định được mức độ lây nhiễm của biến chủng, liệu Omicron có gây bệnh nặng, các phương pháp điều trị và vaccine hiệu quả ra sao trước chủng mới này.
Biến chủng Omicron lần đầu được các nhà khoa học Nam Phi công bố với thế giới vào ngày 24/11. Một số nghiên cứu ban đầu của nước này cho thấy Omicron có khả năng khiến người bệnh tái nhiễm cao gấp ba lần so với Delta hoặc Beta.
Các bác sĩ Nam Phi cũng cho biết đã có sự gia tăng đột biến số trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện kể từ khi Omicron xuất hiện. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng còn quá sớm để kết luận trẻ nhỏ đặc biệt dễ mắc bệnh.
Người dân đứng xếp hàng chờ xét nghiệm ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết Omicron có thể làm chậm lại sự phục hồi kinh tế toàn cầu, giống như những gì Delta gây ra.
“Ngay cả trước khi có sự xuất hiện của biến chủng này, chúng tôi đã lo ngại rằng sự phục hồi, dù vẫn tăng, đang mất đi phần nào động lực", bà nói.
Biến chủng mới đặt ra thách thức lớn trong việc chấm dứt đại dịch.
Hôm 3/12, Malaysia báo cáo ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên là sinh viên nước ngoài từng tới Nam Phi và quay về vào ngày 19/11. Sri Lanka cũng thông báo về trường hợp đầu tiên là một công dân về từ Nam Phi.
Tại Mỹ, hai trường hợp không có lịch sử đi du lịch quốc tế gần đây đã cho thấy Omicron đang lưu hành trong cộng đồng.
Australia cũng gặp tình huống tương tự, khi hôm 2/11 chính phủ xác nhận 3 sinh viên ở Sydney có kết quả dương tính với chủng Omicron.
Tại Na Uy, ít nhất 13 người nhiễm biến chủng Omicron sau một bữa tiệc Giáng sinh, họ chỉ có triệu chứng nhẹ.
Để ngăn nguy cơ biến chủng Omicron lan rộng, chính phủ Na Uy đã áp đặt hàng loạt biện pháp hạn chế mới ở Oslo và các khu vực lân cận, có hiệu lực từ sáng 3/12.
Riêng biến chủng Delta cũng đủ khiến châu Âu điêu đứng. Các chính phủ phải áp dụng lại việc bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, ra giờ giới nghiêm hoặc đóng cửa khiến nhiều doanh nghiệp lo sợ lại trải qua một mùa Giáng sinh ảm đạm.