Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WHO cảnh báo về 4 loại syrup ho sau cái chết của 66 trẻ em ở Gambia

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về 4 loại syrup trị ho và cảm lạnh do Maiden Pharmaceuticals ở Ấn Độ sản xuất, nghi ngờ chúng liên quan đến cái chết của 66 trẻ em ở Gambia.

WHO cảnh báo 4 loại syrup ho sau cái chết của 66 trẻ em ở Gambia. Ảnh: PTI.

WHO cho biết các loại thuốc này có thể đã được phân phối bên ngoài quốc gia Tây Phi, với mức độ phổ biến trên toàn cầu là điều “có thể xảy ra”, ReutersAFP đưa tin.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên rằng bốn loại syrup trị ho và cảm lạnh được đề cập "có khả năng liên quan tới các trường hợp tổn thương thận cấp tính, và 66 trường hợp tử vong ở trẻ em".

"Sự mất mát của những sinh mạng nhỏ này là điều không khỏi đau lòng đối với gia đình các bé”, ông Tedros nói và cho biết WHO đang “điều tra thêm công ty và các cơ quan quản lý ở Ấn Độ”.

Theo cảnh báo do WHO đưa ra hôm 5/10, 4 sản phẩm trên bao gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.

“Cho đến nay, nhà sản xuất đã không cung cấp bằng chứng đảm bảo an toàn và chất lượng của các sản phẩm này cho WHO”, cảnh báo cho biết. Phân tích trong phòng thí nghiệm các mẫu sản phẩm “xác nhận rằng chúng chứa một lượng không thể chấp nhận được diethylene glycol và ethylene glycol như là chất gây hại”.

Những chất này có hại đối với con người và có thể gây tử vong. Các triệu chứng nhiễm độc các chất này “có thể bao gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, khó tiểu, đau đầu, trạng thái tinh thần thay đổi liên tục và tổn thương thận cấp tính, có thể dẫn đến tử vong”.

WHO cho biết thông tin nhận được từ Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương của Ấn Độ chỉ ra rằng nhà sản xuất chỉ cung cấp thuốc bị nhiễm độc cho Gambia.

“Tuy nhiên, không thể loại trừ các sản phẩm này được phân phối thông qua các thị trường không chính thức hoặc không được kiểm soát đến các nước khác ở châu Phi”, WHO cho biết.

“Ngoài ra, nhà sản xuất có thể đã sử dụng cùng một nguyên liệu bị nhiễm độc trong các sản phẩm khác và phân phối chúng trong nước hoặc xuất khẩu”, tổ chức cảnh báo thêm.

Ông Tedros kêu gọi tất cả quốc gia thận trọng, làm việc để “phát hiện và loại bỏ những sản phẩm này để tránh gây nguy hại thêm cho bệnh nhân”.

Hôm 6/10, chính quyền Gambia đã bắt đầu thu hồi syrup có chứa paracetamol và promethazine từ các hộ gia đình nông thôn ở một số vùng. Cơ quan y tế cũng đã ra lệnh thu hồi vào ngày 23/9 tất cả các loại thuốc có chứa paracetamol hoặc promethazine.

Một cuộc điều tra của Bộ Y tế Gambia, bắt đầu vào tháng 7 và đang diễn ra, cũng cho rằng vi khuẩn E. coli là nguyên nhân có thể gây ra loạt trường hợp suy thận cấp tính.

Abubacarr Jagne, bác sĩ thận học dẫn đầu cuộc điều tra của Bộ Y tế, nói với AFP hôm 5/10: “Kết quả sơ bộ từ cuộc điều tra đang diễn ra cho thấy rất có thể paracetamol và syrup promethazine đã gây ra các trường hợp tổn thương thận cấp tính này”.

Gambia đã trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều năm vào tháng 7, khiến nước trong hệ thống cống bị tràn. “Kể từ tháng 7/2022, số ca mắc bệnh thận nặng với tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em chủ yếu do tiêu chảy đã gia tăng”, bộ cho biết trong một tuyên bố vào tháng 9.

Vi khuẩn E.coli được tìm thấy trong phân của nhiều trẻ em, nhưng nhiều trẻ cũng đã uống syrup paracetamol.

Mối đe dọa mới từ căn bệnh đang được WHO phát cảnh báo cao nhất

Mặc dù khó trở thành đại dịch với quy mô và mức độ nguy hiểm như Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ đang trở thành mối lo mới với hệ thống y tế trên thế giới vì nhiều lý do.

Thế bế tắc của Mỹ trước căn bệnh vừa được WHO cảnh báo cao nhất

Tốc độ chia sẻ dữ liệu dịch tễ cần thiết đang “chạy chậm” hơn nhiều so với tốc độ lây lan đậu mùa khỉ ở Mỹ, dẫn đến lỗ hổng trong cách ứng phó đợt bùng phát mới nhất tại nước này.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm