Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thế bế tắc của Mỹ trước căn bệnh vừa được WHO cảnh báo cao nhất

Tốc độ chia sẻ dữ liệu dịch tễ cần thiết đang “chạy chậm” hơn nhiều so với tốc độ lây lan đậu mùa khỉ ở Mỹ, dẫn đến lỗ hổng trong cách ứng phó đợt bùng phát mới nhất tại nước này.

benh dau mua khi lay lan o my anh 1

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23/7 đã tuyên bố đậu mùa khỉ là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC).

Mỹ là một trong những quốc gia ghi nhận số ca cao nhất, khoảng 3.487 trường hợp chỉ sau 2 tháng báo cáo ca nhiễm đầu tiên, theo số liệu ngày 25/7 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

“Đợt bùng phát mới này có tốc độ rất nhanh. Tôi nghĩ rằng (ở Mỹ) đang tồn tại một số thách thức nhằm vận hành trơn tru và hiệu quả việc gửi dữ liệu từ các khu vực pháp lý” tới CDC, Janet Hamilton - Giám đốc điều hành Hội đồng Nhà nước và dịch tễ học theo vùng - cho hay.

CDC Mỹ mới có thông tin công khai về nhân khẩu mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ở Mỹ, phần lớn người mắc là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, với độ tuổi trung bình là 36. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ có thông tin chi tiết về một nửa số ca bệnh. Việc thiếu dữ liệu đang cản trở nỗ lực dự đoán tình hình bệnh.

Người mắc ở Mỹ hiện phải báo cáo về tình trạng bệnh. Do đó, sở y tế công cộng sẽ làm việc với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương để thu thập thông tin về người mắc. Tuy nhiên, việc các bang chia sẻ dữ liệu về bệnh đậu mùa khỉ với CDC là hoàn toàn tự nguyện, theo CNN.

Thiếu thẩm quyền truy cập dữ liệu

CNN đã liên hệ với sở y tế của tất cả 50 bang, trong đó 29 bang phản hồi lại và cam kết chia sẻ dữ liệu với CDC. Tuy nhiên, một số bang nói họ đang thu thập nhiều hơn số thông tin họ chia sẻ.

“Chúng tôi muốn đưa ra càng nhiều thông tin và càng nhiều quyết định sáng suốt càng tốt”, Giám đốc CDC Rochelle Walensky chia sẻ. “Và một lần nữa, giống như Covid-19, chúng tôi bị thách thức bởi thực tế CDC không có thẩm quyền nhận dữ liệu. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu vấn đề này”.

Bà dẫn ví dụ CDC không có dữ liệu và thẩm quyền để biết số lượng người đã tiêm vaccine đậu mùa khỉ. Dữ liệu duy nhất công khai về vaccine đậu mùa khỉ là bản cập nhật hàng tuần về số lượng liều phân phối cho mỗi tiểu bang từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.

Tháng trước, CDC đưa ra bản dự thảo mở rộng quyền truy cập vào dữ liệu các bang đang thu thập. Sau phản hồi, CDC sửa đổi và tập trung hoàn toàn vào dữ liệu quản lý vaccine.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn quốc là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cử điều phối viên giám sát ứng phó với căn bệnh này.

benh dau mua khi lay lan o my anh 2

Dòng người chờ tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ hôm 21/7 tại Mỹ. Ảnh: New York Times.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Xavier Becerra cho biết Mỹ "quyết tâm đẩy nhanh phản ứng trong những ngày tới". Tháng trước, CDC đã kích hoạt trung tâm điều hành khẩn cấp để điều phối ứng phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ và huy động thêm nguồn lực.

Các quan chức hy vọng quyết định sẽ được đưa ra trong tuần này, đi kèm với thông báo phân phối thêm khoảng 800.000 liều vaccine bổ sung. Một số quan chức y tế lập luận quyết định sẽ cho phép chính quyền mở quyền thu thập dữ liệu ca bệnh và tiến trình tiêm chủng bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng như Covid-19 chỉ áp yêu cầu báo cáo với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, như bệnh viện, chứ không phải với các bang và cơ quan y tế công cộng.

Không chỉ vậy, ông Hamilton nói quy trình dữ liệu tại Mỹ “rất thủ công”. Với mỗi ca bệnh, tiểu bang phải nhập thông tin bằng tay hoặc hệ thống có thể bỏ sót một số trường hợp nếu dữ liệu không có chung định dạng.

Ví dụ, có bằng chứng bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần, chẳng hạn như quan hệ tình dục. Người nhiễm virus có thể đưa thông tin về số lượng bạn tình với bác sĩ. Thế nhưng, nếu cơ sở giám sát yêu cầu con số cụ thể cho câu hỏi đó, dữ liệu này, phân loại bởi bác sĩ lâm sàng hoặc sở y tế thu thập, có thể không có sẵn.

Một số chuyên gia cho rằng tuyên bố khẩn cấp trong 90 ngày có thể là công cụ quan trọng để tập trung ứng phó với đậu mùa khỉ.

“Thông báo có thể cho phép huy động nỗ lực lớn chưa từng có”, Jennifer Kates, lãnh đạo chính sách y tế toàn cầu tại Kaiser Family Foundation, nhận định. Bà nói thêm tình hình bệnh đậu mùa khỉ đã có đủ các yếu tố để chính quyền công bố tình trạng khẩn cấp: “Bệnh lây xuyên bang một cách nhanh chóng, cũng chưa từng xảy ra trước đây và có nhiều rủi ro liên quan”.

Phản ứng chậm trễ do kiệt sức vì Covid-19?

Trong khi một số quan chức y tế nói tuyên bố khẩn cấp là cần thiết để chính phủ có thẩm quyền thu thập dữ liệu, nhiều người nói động thái này chỉ mang tính biểu tượng, và không thể giải quyết tình trạng thiếu vaccine hay khó khăn trong quá trình điều trị.

Quyết định này cũng ảnh hưởng bởi tình hình chính trị ở Mỹ. Các nhóm vận động và hiệp hội y tế nhiều lần kêu gọi chính quyền ông Biden ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng với phá thai và bạo lực súng, trong khi Nhà Trắng cũng xem xét tuyên bố khẩn cấp về biến đổi khí hậu.

Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu vấn đề nào mới cần ưu tiên. Chính quyền ông Biden cũng gia hạn tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe công cộng, hết hiệu lực sau 90 ngày, đối với Covid-19.

benh dau mua khi lay lan o my anh 3

Chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuẩn bị vaccine đậu mùa khỉ tại Chicago, Illinois hôm 25/7. Ảnh: Reuters.

Các quan chức Nhà Trắng nói quyết định thuộc về Bộ trưởng Becerra. "Trọng tâm là làm cho HHS củng cố và tăng tốc phản ứng, chứ không phải hành động y như vậy dưới một cái tên khác", một quan chức nói về mục tiêu khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trong khi đó, ông Becerra nói HHS vẫn đang xem xét. "Hiện có bao nhiêu người tử vong so với Covid-19? Chưa ai cả. Chúng tôi đưa ra tuyên bố trường hợp khẩn cấp về sức khỏe công cộng dựa trên dữ liệu khoa học, chứ không dựa trên những lo ngại", ông nói.

Một số người lo lắng đã quá muộn và đậu mùa khỉ đã có "chỗ đứng" tại quốc gia này, dựa trên số ca mắc và khó khăn trong tiếp cận xét nghiệm. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng phản bác, chỉ ra số lượng lớn dự trữ thuốc điều trị và vaccine, cũng như tốc độ xét nghiệm ngày càng tăng.

“Tôi nghĩ không có nơi nào có 300.000 liều vaccine mà phân phối được tới các bang như Mỹ”, ông Becerra cho biết.

Trong lúc đó, bệnh nhân phàn nàn về việc trả kết quả xét nghiệm chậm trễ, bác sĩ khó khăn trong kê đơn điều trị, còn quan chức bang kêu gọi gửi thêm vaccine vì nguồn cung nhanh cạn.

Megan Ranney, bác sĩ cấp cứu tại Đại học Công lập Brown, cho rằng việc chậm trễ trong triển khai tiêm vaccine, xét nghiệm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ khá giống khi Mỹ ứng phó với Covid-19.

“Tôi tự hỏi liệu sự chậm trễ này là do lực lượng y tế công cộng của chúng tôi đã quá kiệt sức?”, bà Ranney nói. “Tất cả đối tượng làm về dịch tễ học hoặc truy vết ca mắc đều đã làm trong thời kỳ đại dịch Covid-19".

WHO đã đúng với tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới nhất

Hỗ trợ những người có nguy cơ cao nhất với căn bệnh đậu mùa khỉ đáng lo ngại này là cách duy nhất để giảm thiểu tác động và ngăn chặn sự lây lan.

Người đàn ông Thụy Điển kể lại ác mộng mắc đậu mùa khỉ ở New York

Sebastian Köhn, một người dân New York đã miêu tả lại với Guardian trải nghiệm kinh hoàng khi mắc đậu mùa khỉ trong hơn 2 tuần ở Mỹ, cùng với sự chật vật khi tìm kiếm hỗ trợ y tế.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm