Một người chăn gia súc được xác định mắc dịch hạch (hay còn gọi là cái chết đen) vào cuối tuần hiện đã ổn định trong bệnh viện, theo BBC.
Một phát ngôn viên của WHO cho biết ca bệnh đang được “xử lý tốt”.
Cái chết đen từng là căn bệnh đáng sợ nhất thế giới nhưng giờ đây, căn bệnh này có thể điều trị dễ dàng.
Phát ngôn viên WHO Margaret Harris cho biết: “Bệnh dịch hạch luôn tồn tại với chúng ta trong nhiều thế kỷ. Chúng tôi đang xem xét số ca bệnh ở Trung Quốc. Tình hình đang được kiểm soát tốt”.
“Hiện tại, chúng tôi không xem bệnh này có rủi ro cao nhưng chúng tôi đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận”, bà Harris nói.
WHO cho biết hôm 6/7, tổ chức này đã được thông báo về ca nhiễm dịch hạch ở một người chăn gia súc. Người này đang được điều trị tại một bệnh viện ở Bayan Nur thuộc khu tự trị Nội Mông.
Sóc marmot ở phía tây Trung Quốc. Nhà chức trách ở Mông Cổ và Nga đã cảnh báo các động vật này có thể đang mang bệnh dịch hạch. Ảnh: Reuters. |
Xinhua cho biết Mông Cổ cũng xác nhận hai ca bệnh dịch hạch vào tuần trước. Bệnh nhân là hai anh em ăn thịt sóc marmot ở tỉnh Khovd.
Các quan chức Nga đang cảnh báo người dân vùng Altai của Nga, tiếp giáp với Mông Cổ, Kazakhstan và Trung Quốc không được săn bắt sóc marmot vì thịt loài gặm nhấm nhiễm bệnh là một con đường lây truyền dịch hạch.
Bệnh dịch hạch là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Cái chết đen đã giết chết khoảng 50 triệu người trên khắp châu Phi, châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14.
Sau đó, thế giới cũng trải qua nhiều đợt bùng dịch lớn. Khoảng 1/5 dân số London đã tử vong trong Đại dịch hạch năm 1665. Hơn 12 triệu người cũng chết trong các vụ dịch thế kỷ 19 ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng ngày nay, dịch hạch có thể được điều trị bằng kháng sinh. Nếu không được điều trị, căn bệnh thường được truyền từ động vật sang người bằng bọ chét này có tỷ lệ tử vong là 30-60%.
Các triệu chứng của bệnh dịch hạch bao gồm sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn, yếu và sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc háng.
Rất hiếm có ca bệnh dịch hạch ở thời nay. Nhưng thỉnh thoảng, vẫn có một vài đợt bùng phát bệnh.
Madagascar đã ghi nhận hơn 300 ca bệnh trong một đợt bùng phát vào năm 2017. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy có khoảng 30 người chết.
Vào tháng 5/2019, hai người ở Mông Cổ đã chết sau khi ăn thịt sống của một con sóc marmot.