Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Welbeck và trò hề về lòng trung thành

Một lần nữa, Danny Welbeck trở lại Old Trafford. Sẽ lại có những tiếng la ó từ khán đài nhưng bất chấp điều đó, nếu ghi bàn, anh nên ăn mừng như cách đây một năm.

Đã có vô số những lời chỉ trích, chửi bới, thậm chí là nguyền rủa ném về phía Welbeck khi anh ghi bàn rồi ăn mừng bàn thắng ngày 10/03/2015. Theo lập luận của các manucian, tiền đạo sinh ra ở Longsight, nơi chỉ cách Old Trafford 4 dặm, là một kẻ phản bội.

Cuộc đời là một vòng tròn

Còn sao nữa, MU đã phát hiện ra anh ra năm 6 tuổi. 8 tuổi, anh được dạy dỗ bởi Học viện Carrington. Welbeck cũng gặp vấn đề Osgood Schlatter, chứng viêm phì đại phần sụn lồi củ trước xương chầy nhưng đội ngũ y tế đã giúp anh vượt qua căn bệnh này. Ở tuổi 18, Welbz di chuyển vào đội một và sau đó, trải qua 5 mùa trong Nhà hát. Không hề nói quá khi cho rằng, anh ta trưởng thành trong sự thương yêu của MU.

Welbeck 

trưởng thành trong sự thương yêu của MU.

Vậy mà xem Welbeck đã làm gì. Anh đến Arsenal, tuyên bố Emirates mới là nhà và trở lại chốn cũ để ghi bàn quyết định loại đội bóng cũ khỏi FA Cup. Không dừng lại ở đó, tiền đạo này ăn mừng “tự nhiên như ở nhà”, trong nỗi thất vọng tột cùng của những người từng yêu mến anh.

Có thể hiểu được sự giận dữ của họ. Tuy nhiên, có vẻ như MU đã quên rằng, vào năm 2012, Sir Alex Ferguson đã lôi kéo Van Persie rời khỏi Emirates. Ngôi sao người Hà Lan nhanh chóng trở thành nhân vật chính trong danh hiệu cuối cùng của Máy sấy tóc. Cũng đừng quên, Percy không chỉ một, mà tới 3 lần chọc thủng lưới đội bóng cũ. Giống Welbeck, anh ta cũng ăn mừng khá ầm ĩ.

Khi ấy, các mancunian đã cười rất nhiều, cho chiến thắng của họ và cho sự đau khổ của Arsenal. Van Persie trở thành chủ đề mới trong mỗi lần đụng độ giữa hai đội, nêu bật thành công bên Quỷ đỏ và những thất bại cay đắng phía Pháo thủ.

Van Persie từng ăn mừng trước mặt các Pháo thủ.

Bây giờ có lẽ họ đã hiểu tâm trạng của những người Bắc London. Cuộc đời là một vòng tròn luẩn quẩn và gây khó chịu, phải không?     

Tình yêu phải từ hai phía

Bóng đá đã thay đổi trong những năm qua. Lòng trung thành là cái gì đó vốn được đề cao đã không còn nhiều ý nghĩa ở thời đại hôm nay. Thực sự, rất sáo rỗng khi đề cập đến cụm từ đó.

Chúng ta đã thấy rất nhiều cầu thủ bị phê phán khi ra đi và sau đó, quay trở lại để đối mặt với đội bóng cũ. Nhưng hãy công bằng, nếu nói về sự trung thành, tại sao không truy cứu trách nhiệm từ phía CLB? Chẳng phải tình yêu nên xuất phát từ hai phía đó sao? Một cầu thủ có sẵn lòng trung thành nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu đội bóng không đếm xỉa đến điều đó?

Trường hợp Welbeck là một ví dụ. Welbz luôn coi mình là một mancunian nhưng Van Gaal và Ed Woodward lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng anh ta không đủ tốt và ít có khả năng đem về các bàn thắng. Hoặc như Vidic, Ferdinand, Evra hay Van Persie, những người được khuyến khích rời khỏi Nhà hát vì họ bị cho là đã hết thời.

Welbeck có thể ăn mừng lần nữa nếu ghi bàn ở Old Trafford.

Trong bóng đá, quy luật đào thải rất khắc nghiệt và người hâm mộ luôn muốn thấy đội bóng của mình ở trình độ cạnh tranh cao nhất. Những cầu thủ từng được ca ngợi sẽ lập tức bị la ó và coi là vật cản nếu không chơi tốt, như Rooney, Van Persie, Roy Keane hoặc xa hơn nữa, cả Eric Cantona.

Đừng bao giờ nói về lòng trung thành, hoặc đòi hỏi quá đáng về lòng trung thành. Bóng đá là một nghề nghiệp và chỉ nên yêu cầu một cầu thủ phải cống hiến hết mình cho đội bóng đang khoác áo, và trả lương. Khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ, họ có quyền bày tỏ cảm xúc và sống thật với nó. Tại sao phải nghiêm trọng hóa vấn đề và ép buộc anh ta vờ như có lỗi?

Vì vậy, hãy ăn mừng nếu lập công, Welbeck! Và đừng bận tâm về các manucian.

Ảo tưởng về cầu thủ trẻ sẽ giết MU

Màn ra mắt ấn tượng của Rashford chỉ như làn gió thoảng qua. Sẽ rất nguy hiểm nếu MU rơi vào ảo tưởng, có thể đảo ngược tình hình bằng những cầu thủ trẻ.




Thanh Đình

Ảnh: Getty Images

Bạn có thể quan tâm