Theo New York Times, một sở thú ở miền bắc nước Đức đã vạch ra kế hoạch dự phòng rùng rợn nếu như lầm vào tình trạng kiệt quệ tài chính vì các lệnh phong toả chống Covid-19 của chính phủ kéo dài.
Nếu điều đó xảy ra, sở thú sẽ buộc lòng phải giết một số loài động vật và lấy thịt của chúng làm thức ăn cho các loài khác.
Sở thú Tierpark Neumunster nằm cách thành phố cảng Hamburg khoảng một giờ lái xe. Giám đốc vườn thú nói với hãng thông tấn DPA rằng kế hoạch này chỉ được thực hiện dựa trên kịch bản tồi tệ nhất.
"Nếu - và đây là chỉ với trường hợp tồi tệ nhất trong tất cả - chúng tôi không còn tiền để mua thức ăn, hoặc nếu như những bên cung cấp thực phẩm không còn khả năng mang đồ ăn tới do lệnh hạn chế, thì tôi sẽ phải xẻ thịt những con vật để làm thức ăn cho những con vật khác", bà Verena Kaspari, giám đốc sở thú, cho biết.
Chưa có thông tin rõ ràng về việc những loài nào sẽ bị xẻ thịt và những loài nào được giữ lại.
Tierpark Neumunster rộng hơn 24 ha, là nơi sinh sống của khoảng 700 cá thể động vật. Nó cũng là ngôi nhà ở Vitus - con gấu Bắc cực lớn nhất ở Đức, với chiều cao lên tới 3 mét khi nó đứng bằng 2 chân sau. Theo kế hoạch của vườn thú, Vitus sẽ là con vật cuối cùng được giữ lại.
Vitus cao tới 3 mét khi đứng bằng 2 chân sau, và nó là con gấu Bắc cực lớn nhất nước Đức. Ảnh: Getty. |
Đề xuất quyết liệt của sở thú dường như là một nỗ lực không chỉ nhằm thu hút sự chú ý đến tình hình tài chính khó khăn của cơ sở này, mà còn đưa ra một kế hoạch chi tiết để bảo vệ những con vật quý hiếm nhất trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống và sinh hoạt của người dân Đức.
Tuy nhiên một kế hoạch kỹ lưỡng như vậy là điều chưa từng thấy trong thời bình, theo ông Jan Bauer, người điều hành một sở thú với quy mô tương tự có tên Tierpark Dessau, cách Neumunster 280 km về phía đông nam.
"Tất nhiên là mọi người có quyền đưa ra quyết định của riêng mình. Nhưng nếu chúng tôi không có thức ăn, những tổ chức tài trợ và người dân địa phương chắc chắn sẽ ủng hộ một chút", ông Bauer nhận định.
Ông Bauer, chủ tịch của Hiệp hội Vườn thú Đức, thừa nhận một phần ngân sách của ông được chi trả bởi chính quyền thành phố Dessau, và ông phải lo lắng ít hơn về chi phí vận hành ngay cả khi không có tiền vé của du khách. Vườn thú của ông cũng không có chim cánh cụt hay gấu Bắc cực - những loài tốn kém để nuôi.
Trong khi đó vườn thú Neumunster, nơi đón khoảng 150.000 lượt khách mỗi năm, chủ yếu dựa vào tiền bán vé để hoạt động. Tuy nhiên doanh thu từ việc này giảm mạnh sau khi cả nước bắt đầu phong toả từ 15/3.
Chính quyền các bang ở Đức đã được ca ngợi vì nhanh chóng cung cấp viện trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để vượt qua thời gian phải ngừng hoạt động vì phong toả. Nhưng các sở thú dường như đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận khoản cứu trợ này.
"Chúng tôi không nhận được bất kỳ khoản tiền nào của thành phố và tất cả các khoản tiền từ chính phủ mà chúng tôi đăng ký nhận tới nay vẫn chưa đến", bà Kaspari chia sẻ.
Mặc dù có tới gần 130.000 ca nhiễm Covid-19, Đức có tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Chính phủ của bà Merkel đang chuẩn bị phương án tái khởi động từng phần nền kinh tế sau khi tỷ lệ nhiễm bệnh đã giảm xuống dưới mức 1 (mỗi người nhiễm lây cho 1 người khác).