Dinh thự xa hoa nổi bật giữa những ngôi nhà nhỏ trong thị trấn Tenancingo, bang Tlaxcala, Mexico. Ảnh: Zuma Pres |
María Méndez gặp Ricardo López trên đường đến siêu thị khi cô mới 15 tuổi. Cô sống trong một gia đình nghèo ở bang México, biết làm việc nhà từ khi lên 8. Ricardo, lúc đó 16 tuổi, là một gã trai bảnh bao đến từ thị trấn nhỏ Tenancingo, bang Tlaxcala.
Gã trai tán tỉnh, hứa hẹn rằng hắn cưới María, cho cô một gia đình trọn vẹn. Cô gái 15 tuổi vốn đang quá tuyệt vọng với cuộc sống hiện tại nên dễ dàng tin tưởng vào những lời nói đường mật của Ricardo. Chỉ sau hai tuần quen biết, cô theo hắn về Tenancingo.
Ban đầu, Ricardo và gia đình hắn đối xử với María khá tốt. Nhưng cuộc sống của cô nhanh chóng rơi vào địa ngục.
"Hắn bắt tôi làm gái điếm ở các thành phố Tijuana, Guadalajara, Torreon, Aguascalientes và gần như trên cả nước để kiếm tiền. Hắn bảo chúng tôi sẽ dùng số tiền đó để mua đất, xây một ngôi nhà nhỏ. Nhưng tất cả đều là sự giả dối, thậm chí cả cái tên của hắn. Ricardo buộc tôi sống một cuộc đời đáng buồn, nhục nhã và tuyệt vọng", María, hiện tại 59 tuổi, nói.
Những gia đình buôn người ở bang Tlaxcala đã lừa María Méndez cũng như hàng ngàn phụ nữ khác ở Mexico. Bang Tlaxcala từng là nơi dân bản địa Nahua hợp lực với người Tây Ban Nha để chinh phục người Aztec hùng mạnh. Tuy nhiên, trong 5 thập kỷ qua, nơi đây biến thành trung tâm buôn người.
5 trong số 10 tên tội phạm mại dâm bị truy nã gắt gao nhất ở Mỹ đến từ thị trấn Tenancingo, nơi cơn ác mộng của María Méndez bắt đầu. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mạng lưới buôn bán người từ bang Tlaxcala là nguồn cung nô lệ tình dục lớn nhất dành cho nước Mỹ .
Công nghiệp buôn bán nô lệ tình dục bắt đầu từ những năm 50. Sau thời kỳ công nghiệp hóa, các nhà máy giảm lương. Công nhân bỏ việc, về nhà với hy vọng rằng họ sẽ tìm ra công việc mới với mức lương khá hơn. Họ bắt đầu buôn bán rồi thành lập những đường dây bóc lột tình dục nhỏ do gia đình điều hành.
Năm 2008, cảnh sát phát hiện tình trạng buôn bán người ở 23 trong số 60 thành phố của bang Tlaxcala. Năm 2014, con số này tăng lên 35. Tổ chức đấu tranh vì nhân quyền Fray Julián Garcés xác định 6 khu vực "báo động đỏ", nơi hoạt động buôn bán nô lệ tình dục diễn ra mạnh nhất.
Thị trấn Tenancingo với khoảng 11.000 người là "hang ổ" của các tổ chức tội phạm lớn. Những biệt thự rộng lớn, hào nhoáng nằm xen lẫn giữa hàng loạt ngôi nhà bình thường, giản dị. Mọi người đều biết chủ sở hữu của các biệt thự dù họ không có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Các tổ chức phi chính phủ gây sức ép lên chính quyền nhằm cải thiện tính minh bạch và nhắm vào đường dây buôn bán người nhưng thất bại.
Những ngôi biệt thự giống như bánh cưới nhiều tầng được trang hoàng bởi các tác phẩm điêu khắc hình đại bàng, sư tử, thiên nga. Thậm chí nghĩa trang cũng rất hùng vĩ. Những tên buôn người trang trí các ngôi mộ một cách công phu và lộng lẫy.
Tại quảng trường lớn của thị trấn, một nhóm đàn ông tuổi tầm trên 30, 40 đang uống bia lạnh. Hai sĩ quan cảnh sát đứng cách họ chưa đến 150m.
"Họ là ma cô và thường sang các nước khác, tìm những cô gái dễ lừa gạt. Mọi người đều biết những kẻ đó là ma cô. Đây không phải là chuyện bí mật. Họ hoạt động tự do nhưng không bị trừng phạt. Buôn bán người đã trở nên quá bình thường và béo bở. Nhiều thanh niên gia nhập tổ chức của họ", Emilio Muñoz, giám đốc trung tâm nhân quyền và chống bạo hành giới tính Fray Julián Garcés, nói.
Theo một nghiên cứu của Đại học Tlaxcala năm 2010, 1/5 trẻ em trong thị trấn Tenancingo muốn trở thành ma cô khi chúng lớn lên. 2/3 số trẻ tham gia khảo sát quen ít nhất một người thân hoặc bạn bè làm ma cô hay kẻ buôn người.
Tenancingo là khu vực tai tiếng nhất bang Tlaxcala - với khoảng 1/10 dân số đang tham gia tích cực vào hoạt động buôn người. Nhưng tại thị trấn Axotla del Monte, cách Tenancingo 16 km về phía bắc, với dân số khoảng 2.000 người, các ngôi biệt thự và xe thể thao sang trọng, hào nhoáng còn xuất hiện dày đặc hơn. Tháng 12/2012, chính phủ buộc phải phái quân đội đến đây sau khi cảnh sát rơi vào tình trạng nguy hiểm vì cố bắt một gia đình buôn người.
Một đường phố trong thị trấn Tenancingo, nơi khoảng 11.000 dân sống. Ảnh: New York Daily News |
Các khách sạn giá rẻ nằm dọc theo tuyến đường cao tốc nối Axotla và Tenancingo. Vào giữa trưa, những phụ nữ trẻ mặc quần giả da, đeo giày cao gót đứng gần khách sạn để thu hút sự chú ý của các tài xế lái xe qua.
Đó là cảnh tượng tồi tệ. Họ đến từ các bang nghèo ở miền nam Mexico như Chiapas, Oaxaca và Guerrero. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), đây là nguồn cung chủ yếu của đường dây buôn người. Bang Tlaxcala chỉ là điểm tập kết trước khi chúng gửi "hàng" đến thị trường béo bở ở miền bắc Mexico và Mỹ.
Trong những năm gần đây, bọn buôn người đổi thủ đoạn từ bắt cóc và dùng vũ lực sang lừa gạt và tạo mối quan hệ giả. Lời hứa hẹn về hôn nhân hoặc việc làm thường mê hoặc các bé gái và phụ nữ bản địa nghèo, thất học.
Với cách thông thường nhất, như trong trường hợp của María Méndez, chủ buôn thuyết phục nạn nhân bán dâm "vì tình yêu", để góp phần giải quyết tình hình tài chính khó khăn trong "gia đình". Khi họ nhận ra bản thân đã trở thành gái mại dâm, những "ông chồng" sẽ đánh và đe dọa cha, mẹ, con (cũng là giọt máu của kẻ buôn người) để kiểm soát họ.
"Chúng tôi chỉ mới truy tố thành công một số vụ án liên quan đến các nhóm tội phạm quốc tế. Tuy nhiên, điều tra bọn buôn người ở Mexico là việc khó vì chúng chủ yếu dùng phương pháp dụ dỗ đối với người thân và bạn bè", Felipe de la Torre, cố vấn của UNODC tại Mexico, nói.
Nhà chức trách Mỹ đã truy tố vài gia đình quyền lực ở bang Tlaxcala, bao gồm cả gia tộc nổi tiếng nhất là Carreto. Từ năm 1991 đến năm 2004, chúng lừa, ép buộc và buôn bán nhiều phụ nữ Mexico đến các nhà chứa ở thành phố New York, Mỹ.
Chính quyền bang Tlaxcala cho biết, từ năm 2011, họ đã giam 14 kẻ liên quan đến tội buôn người, chiếm 10% số vụ trên cả nước. Nhà chức trách cứu 127 nạn nhân, đóng cửa hơn 200 quán bar, câu lạc bộ đêm và khách sạn, tổ chức hàng trăm sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, mỗi năm khoảng 20.000 người Mexico trở thành nạn nhân của bọn buôn người.
María Méndez phải sống nhục nhã 10 năm mới dám chống lại Ricardo López, buộc hắn không bắt bà tiếp khách nữa. Tuy nhiên, họ vẫn sống cùng nhau cạnh đường cao tốc - nơi những cô gái bán dâm hàng ngày. Ricardo làm việc trong một cửa hàng mặc dù gia đình hắn vẫn buôn người.
"Những gã đàn ông ngồi trên xe đẹp luôn coi trọng tiền bạc hơn phẩm giá con người. Họ là quái vật, giống như chồng tôi. Mỗi lần nhìn thấy các cô gái nghèo, tôi lại không thể thở nổi. Tôi cầu nguyện một ngày nào đó, thị trấn Tenancingo có thể thoát khỏi bóng ma nô lệ tình dục", María Méndez nói.