Chính sách một con hà khắc của Trung Quốc là nguyên nhân đẩy phụ nữ và bé gái vào tình cảnh trở thành món hàng buôn bán trên thị trường chợ đen (ảnh minh họa). |
Buôn bán phụ nữ đã trở thành vấn nạn ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua, do quá trình mất cân bằng tỷ lệ giới tính kéo dài và “tập tục” trọng nam khinh nữ. Hình mẫu gia trưởng truyền thống càng khiến bất bình đẳng giới gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, nơi phụ nữ buộc phải phục tùng nam giới.
Sự bất bình đẳng này khiến phụ nữ ngày càng thiệt thòi và dễ rơi vào tình trạng trở thành món hàng để buôn bán. Trong vài thập kỷ qua, nạn buôn bán tình dục ở Trung Quốc càng trở nên trầm trọng do chính sách một con của nước này.
Trung Quốc nhận thức rõ ràng rằng buôn bán phụ nữ và trẻ em vi phạm nghiêm trọng quyền cá nhân; gây ra mối nguy hại lớn cho sức khỏe thể chất và tâm lý của nạn nhân. Do đó, Trung Quốc đã phê chuẩn nhiều công ước quốc tế nhằm giảm tỷ lệ buôn bán tình dục trên toàn thế giới, trong đó có Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát triển một chương trình hành động về chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, vấn nạn buôn bán tình dục không ngừng gia tăng ở Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tình trạng này là chính sách một con khắc nghiệt của Trung Quốc.
Kể từ năm 1979, khi chính sách này bắt đầu có hiệu lực, sự mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc ngày càng lan rộng. Theo ước tính, đến năm 2020, sẽ có khoảng 30 triệu đàn ông Trung Quốc không tìm được vợ.
Nhiều đàn ông Trung Quốc phải tìm vợ ở nước ngoài do sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở quốc gia này. |
Chính sách một con của Trung Quốc có thể là chính sách dân số gây tranh cãi nhất trên thế giới. Mặc dù vấp phải những lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền, chính phủ Trung Quốc tuyên bố chính sách này đã ngăn chặn thành công hơn 400 triệu ca sinh nở và giúp quốc gia này đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Hồi tháng 11/2013, khi Bắc Kinh công bố chính sách sinh đẻ “thoáng” hơn, cho phép được sinh 2 con nếu vợ hoặc chồng là con một, các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới đã lên tiếng ủng hộ; trong khi các nhà báo và học giả bắt đầu suy đoán lý do Trung Quốc đột ngột thay đổi chính sách kiên định của mình. Họ xem xét hai yếu tố chính.
Thứ nhất, chính sách một con đã dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ nam nữ. Thứ hai, lực lượng lao động bị già hóa nhanh chóng sẽ trở thành gánh nặng cho phúc lợi xã hội của Trung Quốc.
Rõ ràng chính sách một con đã tàn phá hiện trạng nhân khẩu học của Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, chính sách này còn góp phần đáng kể làm gia tăng tốc độ buôn bán tình dục trong nước và xuyên biên giới Trung Quốc.
Trước năm 2014, Trung Quốc giữ vị trí số 3 trong bảng xếp hạng danh sách các nước nỗ lực nhận thức và hành động chống lại nạn buôn người của TIP. |
Theo báo cáo về nạn buôn người năm 2014 do Văn phòng theo dõi và chống buôn người (TIP), trực thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố, phụ nữ và trẻ em từ các nước Myanmar, Việt Nam, Lào, Mông Cổ, Triều Tiên, các nước ở châu Phi và châu Mỹ, đang bị ép buộc buôn bán và lao động tình dục ở Trung Quốc.
Nhiều người trong số họ được tuyển chọn thông qua các công ty môi giới hôn nhân và được đưa đến Trung Quốc, sau đó bị bán vào các động mại dâm hoặc phải lao động tình dục.
Hơn nữa, báo cáo TIP còn chỉ ra mối liên kết rõ ràng giữa nạn buôn bán tình dục ở Trung Quốc và chính sách một con của nước này. Báo cáo có đoạn: "Chính sách hạn chế sinh đẻ do chính phủ Trung Quốc ban hành và tập tục “trọng nam khinh nữ” đã gây ra sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ giới tính... Điều này làm tăng nhu cầu mại dâm và tăng số lượng cô dâu người nước ngoài tại Trung Quốc. Cả hai trường hợp trên đều có thể xảy ra do bị ép buộc hoặc cưỡng ép".
Nói cách khác, nhu cầu buôn bán phụ nữ ở Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến tình trạng thiếu nữ giới. Đây là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại các khu vực nông thôn nghèo của Trung Quốc, nơi có số lượng lớn phụ nữ trẻ chuyển đến các khu vực đô thị để tìm kiếm cơ hội kinh tế tốt hơn.
Hệ quả của việc này là các khu vực đó có rất ít nữ giới sinh sống. Do vậy, nhiều người đàn ông phải thông qua môi giới hôn nhân để tìm vợ, kể cả từ các tỉnh thành khác của Trung Quốc hoặc từ các nước láng giềng.
Một trong số những quốc gia có nguồn “cung” phụ nữ lớn nhất để bán sang Trung Quốc là Myanmar. Theo một báo cáo do Bộ Nội vụ Myammar công bố, 85/155 vụ buôn bán phụ nữ của nước này liên quan đến hôn nhân cưỡng ép, và hầu hết là các cuộc hôn phối giữa Myanmar và Trung Quốc.
Một phân tích tiến hành trên tổng cộng 641 trường hợp buôn bán phụ nữ trong giai đoạn giữa tháng 1/2006 đến tháng 12/2010 cho thấy, 69,7% trong số này là hôn nhân cưỡng bức, và 80% bị bán sang Trung Quốc.
Như vậy, rõ ràng có mối liên hệ trực tiếp giữa các chính sách một con và nạn buôn bán tình dục trong nước và xuyên biên giới Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi: liệu những thay đổi gần đây về chính sách một con có làm giảm tỷ lệ buôn bán tình dục ở Trung Quốc?
Văn phòng TIP tại Mỹ nhận định rằng Trung Quốc có thể làm được điều này. Năm 2014, Trung Quốc đã “leo” từ vị trí số 3 lên vị trí số 2 trong bảng xếp hạng danh sách các nước nỗ lực nhận thức và hành động chống lại nạn buôn người của TIP.
Báo cáo cho hay, việc tăng thứ hạng này xuất phát từ việc Trung Quốc đã sửa đổi các chính sách một con: "Hồi tháng 11/2013, chính phủ Trung Quốc sửa đổi chính sách hạn chế sinh đẻ, cho phép các cặp vợ chồng được phép sinh 2 con nếu vợ hoặc chồng là con một. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến nạn mại dâm và cô dâu nước ngoài tại Trung Quốc trong tương lai, vốn được mua bán dưới hình thức vũ lực hoặc cưỡng ép".
Tuy nhiên, một số người khác vẫn tỏ ra hoài nghi. Bà Reggie Littlejohn, người sáng lập và chủ tịch của tổ chức Nữ Quyền không biên giới, thông tin với tờ The Diplomat: "Việc chính phủ Trung Quốc sửa đổi chính sách một con không có nghĩa là họ sẽ duy trì nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn buôn bán người. Hơn nữa, việc cho phép một số lượng tương đối nhỏ gia đình có con thứ hai cũng không dẫn đến việc chấm dứt chế độ nô lệ tình dục ở Trung Quốc".
Mặc dù việc nới lỏng chính sách một con có thể giúp thu hẹp khoảng cách giới tính ở Trung Quốc, hậu quả chính sách này gây ra đối với nhân khẩu học của Trung Quốc sẽ không thể khắc phục dễ dàng. Trước khi Trung Quốc giải quyết được tận gốc vấn đề mất cân bằng giới tính, thị trường chợ đen, nơi phụ nữ mà món hàng được buôn bán, sẽ tiếp tục phát triển.
Bà Michelle Clark, một chuyên gia quốc tế nghiên cứu về tệ nạn buôn bán người, đồng thời là giáo sư trợ giảng tại trường Đại học George Washington ở Washington, Mỹ, khẳng định vấn đề buôn bán nô lệ tình dục tại Trung Quốc sẽ không thể giải quyết dễ dàng.
Bà nhận định: "Chính sách mới của Trung Quốc sẽ mất khá nhiều thời gian để ổn định và đi vào quỹ đạo. Do vậy, trong tương lai gần, những người đàn ông Trung Quốc sẽ phải tận dụng nhiều cách khác nhau để tìm vợ. Buôn bán phụ nữ chắc chắn sẽ là một hình thức cung cấp cô dâu hiệu quả".