Rạng sáng 6/10, trung tâm vùng áp thấp trên Biển Đông cách đảo Song Tử Tây khoảng 300 km về phía bắc đông bắc.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định ngày và đêm may, vùng áp thấp đi theo hướng tây với vận tốc 10 km/h và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Sáng 7/10, tâm áp thấp nhiệt đới nằm cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 330 km, sức gió vùng gần tâm mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Sau đó, áp thấp giữ nguyên hướng đi, tăng tốc lên 15 km/h.
Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ tồn tại vùng áp thấp nêu trên, kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên ngày 7-11/10, Trung Bộ hứng chịu một đợt mưa lớn.
Lượng mưa trong cả đợt phổ biến 300-500 mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi 500-700 mm. Sau ngày 11/10, mưa lũ tại đây còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.
Dự báo đường đi của vùng áp thấp trên Biển Đông những ngày tới. Đồ họa: Mỹ Hà. |
Cùng lúc, khu vực phía bắc Tây Nguyên có mưa lớn, 200-350 mm/đợt. Nam Tây Nguyên và Nam Bộ mưa 150-250 mm.
Các khu vực trên có thể hứng chịu những trận mưa cực đoan liên tiếp trong nhiều ngày tới, gây ngập úng đô thị, lũ quét và sạt lở đất ở miền núi. Người dân cần lưu ý thêm các hiện tượng đi kèm theo mưa như lốc, sét và gió giật mạnh.
Trên Biển Đông, vùng nguy hiểm những giờ tới trải từ vĩ tuyến 12 đến 16 độ vĩ bắc và từ 110 đến 116 độ kinh đông. Tất cả tàu thuyền hoạt động trong vùng này có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Đồng thời, xoáy thuận nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên tạo ra một tổ hợp thời tiết xấu trên biển. Từ chiều nay, khu vực giữa và nam Biển Đông mưa rào và dông mạnh, nguy cơ kèm theo lốc xoáy với sức gió giật cấp 7-8.
Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có kiểu thời tiết tương tự.
Vùng biển phía tây của khu vực phía nam Biển Đông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng cao 2-4 m.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến vùng áp thấp trên các phương tiện thông tin để kịp thời lên phương án ứng phó với mưa lũ cực đoan.
Lực lượng chức năng phải giữ liên lạc với thuyền trưởng và chủ các phương tiện tàu, thuyền nhằm chủ động trong sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng tránh phù hợp; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.