Cụ thể, Bông Bạch Tuyết (BBT) bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn đối với: Báo cáo tài chính năm 2015 và năm 2016 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2015 và năm 2016; Tài liệu họp, Biên bản và Nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 và năm 2017.
Doanh nghiệp này cũng bị phạt tiền 70 triệu đồng do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về triệu tập Đại hội đồng cổ đông (BBT gửi thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 lần 3 đến cổ đông chưa đảm bảo thời gian chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc theo quy định).
Cuối cùng, doanh nghiệp bị phạt tiền 200 triệu đồng do đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 9 tháng đến 12 tháng.
Vừa trở lại sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết dính hàng loạt sai phạm |
Trước đây, vào năm 2008, đơn vị này cũng bị phạt nặng vì liên quan đến vụ bê bối kiểm toán nghiêm trọng tại doanh nghiệp. Bản thân công ty cũng bị Ủy ban Chứng khoán phạt tổng cộng 90 triệu đồng và hai công ty kiểm toán bị khiển trách.
Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn (A&C) - đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của BBT năm 2005, kiểm toán viên đã không cẩn trọng trong việc kiểm toán BCTC. Kiểm toán viên không đưa khoản loại trừ chi phí quảng cáo vào BCTC kiểm toán năm 2005. Ngoài ra, A&C cũng không có thư quản lý sau kiểm toán.
Trong khi đó về công tác kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học (AISC) là đơn vị kiểm toán BBT 2 năm 2006 và 2007. Qua đó Kết quả kinh doanh năm 2006 của BBT sau khi hồi tố chênh lệch rất lớn, từ lãi sang lỗ, kiểm toán viên ước lượng ảnh hưởng các khoản ngoại trừ đều có thể ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh, nhưng chưa nêu rõ trong báo cáo kiểm toán.
BCTC được kiểm toán năm 2007 có một số khoản điều chỉnh hồi tố từ năm 2006, nhưng thư kiểm toán đã không nêu rõ vấn đề này; AISC không cung cấp thư quản lý theo hợp đồng kiểm toán năm 2006; AISC không thông báo ngay cho UBCK khi phát hiện tại BBT có những sai phạm trọng yếu…
BBT tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được thành lập năm 1960. Sau ngày 30/4/1975, nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được Nhà nước quốc hữu hóa. Năm 1997 công ty trở thành Công ty CP Bạch Tuyết với vốn điều lệ ban đầu là 11,4 tỷ đồng.
Ngày 10/3/2002, BBT đã tăng vốn điều lệ lên 68,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự tích lũy. Hai năm sau, Bông Bạch Tuyết đã chào sàn HOSE với mã BBT. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh ngày càng đi xuống và lục đục nội bộ khiến BBT hủy niêm yết từ ngày 7/8/2009.
Năm 2017, BBT chính thức trở lại sàn chứng khoán sau 8 năm vắng bóng.