Sau một thời gian dài cầm cự với cuộc chiến sinh tồn, Miliket, Bông Bạch Tuyết, Kem Thủy Tạ… những thương hiệu từng một thời vang bóng với người dùng Việt Nam, bắt đầu nghĩ đến chuyện dùng danh tiếng ngày xưa để thu hút nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Bông Bạch Tuyết, trà bí đao trở lại
Theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, thương hiệu "vang bóng một thời" sắp quay lại với thị trường chứng khoán sau 8 năm kể từ ngày hủy niêm yết, do làm ăn thua lỗ.
Hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đang dần được cải thiện những năm gần đây.
Sau giai đoạn thua lỗ triền miên, từ năm 2014, Bông Bạch Tuyết đã bắt đầu có lãi trở lại. Sang năm 2015 và 2016, con số lợi nhuận tiếp tục tăng lên. Theo nghị quyết đại hội cổ đông, năm 2017, Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu doanh thu 101 tỷ đồng và lợi nhuận 24,3 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và 65% so với 2016.
Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập năm 1960. Đây là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Sản phẩm bông y tế của doanh nghiệp này từng có thời điểm chiếm tới 90% thị phần cả nước.
Đến năm 1975, nhà máy được quốc hữu hoá và năm 1979 đổi tên thành Xí nghiệp quốc doanh Bông Bạch Tuyết, năm 1992 đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết. Đây là giai đoạn Bông Bạch Tuyết nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại, cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường cả nước.
Từ thành công này, cổ phiếu của Bông Bạch Tuyết được đưa lên sàn chứng khoán tháng 3/2004. Nhưng cũng từ đây hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đi xuống.
Trong 4 năm, từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn. Hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ và hủy niêm yết.
Tuy 3 năm gần đây công ty có lãi nhưng hoạt động vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các khoản nợ cũ và khoản lỗ luỹ kế từ các năm trước.
Ông Tạ Xuân Thọ, nguyên Tổng giám đốc Bông Bạch Tuyết, từng thừa nhận chính việc nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng.
Lần lên sàn trở lại này, Bông Bạch Tuyết khẳng định tiếp tục tìm hướng phát triển và trong năm 2017 sẽ tăng vốn điều lệ từ 68,4 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng. Đây cũng là lần tăng vốn đầu tiên của Bông Bạch Tuyết trong 15 năm qua.
Cũng vấp ngã một lần trên sàn như Bông Bạch Tuyết, doanh nghiệp FDI lừng danh một thời là Interfood (mệnh danh là “vua bí đao”) cũng tìm đường niêm yết trở lại.
Trong quá khứ, doanh nghiệp thuộc Trade Ocean Exporters Sdn Bhd (Malaysia) chiếm 3% thị phần cả nước. Interfood đứng trong tốp thứ 2 tại thị trường nước giải khát và là đối trọng của Tân Hiệp Phát (mảng đồ uống không ga).
Trà bí đao Wonderfarm - sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp này, là một sản phẩm nổi tiếng và được nhận diện thương hiệu vượt trội so với các sản phẩm cùng loại. Nước Yến Ngân Nhĩ của doanh nghiệp này cũng là sản phẩm mở đầu cho xu hướng nước yến đóng lon.
Riêng trong mảng nước trái cây không ga, theo số liệu từ báo cáo thường niên của công ty, “vua nước bí” chiếm khoảng 50-60% thị phần cả nước.
Lần đầu lên sàn, giá cổ phiếu doanh nghiệp này đạt mức 60.000 đồng/cổ phiếu nhưng ở lần trở lại, Interfood đưa ra giá chào sàn 30.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá được giải thích dựa trên kết quả kinh doanh gần đây.
Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp luôn báo lỗ, dù tăng trưởng ghi nhận ở mức cao. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp FDI khác.
Việc Interfood trở lại được cho rằng doanh nghiệp sẽ huy động vốn từ thị trường chứng khoán để tận dụng cơ hội mở rộng quy mô, tăng lợi thế cạnh tranh. Bởi thời gian gần đây, những lùm xùm về chất lượng đang kéo giảm tăng trưởng của Tân Hiệp Phát và URC.
Các 'lão làng' lên sàn tìm vốn?
Điểm chung của các doanh nghiệp này đều là những “ông vua thoái vị”. Có những doanh nghiệp đã là người cũ trên sàn, nhưng cũng có đơn vị lần đầu giới thiệu mình trên thị trường chứng khoán.
Gần đây, sàn UpCom đón nhận hai doanh nghiệp “vàng son” khác là Kem Thủy Tạ (TTJ) và mì gói Miliket (CMN) lần đầu niêm yết cổ phiếu.
Với lịch sử 45 năm, được xưng tụng “vua mì tôm” một thời, nhưng khi chào sàn gần 5 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket chỉ đạt vốn hóa 124 tỷ đồng. Mục đích việc lên sàn của Miliket có thể được hiểu là tìm kiếm vốn để khắc phục điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp này hàng chục năm qua.
Kể từ khi cổ phần hóa năm 2006, suốt một thập kỷ qua, vốn điều lệ của Miliket vẫn “dậm chân” ở 48 tỷ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn nếu so với hơn 5.000 tỷ đồng của Masan Consumer hay 900 tỷ đồng của CTCP Uniben và 300 tỷ đồng của CTCP Acecook Việt Nam.
Để cạnh tranh, có lẽ Miliket không thể sống nhờ vào quá khứ với số vốn ít ỏi và hình ảnh hai con tôm.
Có thời điểm, Miliket bị dồn ép đến đường cùng vì nội lực hạn chế, không thể mở rộng sản xuất kinh doanh hay áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại hơn. Trong bối cảnh như vậy, việc đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UpCom, và xa hơn có thể niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán, là bước đi được đánh giá cao của Miliket.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh được CMN công bố, năm 2016, Công ty đạt 461 tỷ đồng doanh thu và 19,7 tỷ đồng lãi sau thuế. Trong năm 2017, CMN đặt mục tiêu đạt doanh thu 575 tỷ đồng, lãi ròng 22,4 tỷ đồng với kế hoạch tiêu thụ 18.000 tấn sản phẩm.
Có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ, được thành lập từ tháng 5/1958, hoạt động kinh doanh của TTJ những năm gần đây diễn ra bình lặng.
Cũng giống như Miliket, CTCP Thủy Tạ có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và rất khập khiễng khi đứng cạnh các ông lớn trong ngành công nghiệp kem như Kido Foods hay Vinamilk. Bởi vậy, dễ thấy chiến lược kinh doanh của Kem Thủy Tạ là đánh vào thị trường ngách, gắn với lợi thế địa lý mà họ đang nắm giữ. Ngoài 259 cửa hàng, đại lý kinh doanh phủ khắp Hà Nội, Kem Thủy Tạ còn sở hữu hàng loạt đất vàng bên Hồ Hoàn Kiếm.
Nhưng nguồn vốn hạn chế nên Kem Thủy Tạ cũng không khai thác hết tiềm năng của mình. Vốn hạn chế cũng khiến họ không thể mạnh tay đổi mới, cải tiến dây chuyền sản xuất, mở rộng địa điểm kinh doanh.
Số dư tài sản cố định của Kem Thủy Tạ tới cuối tháng 3/2017 là 13,7 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh trong năm 2017 của doanh nghiệp là doanh thu thuần 115 tỷ đồng, lãi sau thuế 8 tỷ đồng. Việc đưa cổ phiếu lên sàn cho thấy doanh nghiệp kỳ vọng vào nguồn lực bên ngoài để phát triển.
Ưu thế của các "lão làng" này là lợi nhuận không cao so với nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhưng với quy mô tài sản, nguồn vốn nhỏ giúp các chỉ số về hiệu quả ở mức khá cao. Như CMN năm 2016, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 41%, thu nhập trên vốn cổ phần đạt 4.103 đồng/cổ phiếu.
TTJ và CMN chào sàn UpCom ở mức khá cao, là 31.000 đồng/cổ phiếu và 25.000 đồng/cổ phiếu. Từ khi lên sàn, CMN và TTJ đều tăng giá, riêng TTJ tăng gấp hơn 2 lần. Tuy nhiên với cơ cấu cổ đông cô đặc, chưa có chiến lược mới cho hoạt động kinh doanh là nguyên nhân khiến CMN và TTJ chưa thu hút được nhà đầu tư lớn.
Vua mì tôm Miliket: Tồn tại bằng hai con tôm!
Gần 30 năm phát triển, Miliket vẫn trung thành với phân khúc giá rẻ và bao bì không cải tiến. Dường như thương hiệu này cố dùng hình ảnh 2 con tôm quen thuộc để kéo khách.
'Vua mì tôm' Miliket lên sàn với mức định giá khiêm tốn 124 tỷ đồng
2
Với lịch sử 45 năm, được xưng tụng “vua mì tôm” một thời nhưng khi chào sàn gần 5 triệu cổ phiếu, CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket chỉ đạt vốn hóa 124 tỷ đồng.
Mì 2 con tôm Miliket đã thay đổi thế nào trong 30 năm qua?
1 2
Dù đã tiến hành nhiều thay đổi, đầu tư để bám đuổi các ông lớn trong ngành, hình ảnh 2 con tôm trên bao bì của "vua mì tôm" sau hàng chục năm vẫn không thay đổi.