Tòa án Tối cao Fiji cùng ngày đã dỡ bỏ yêu cầu Amadea ở lại đảo quốc Thái Bình Dương này, qua đó ngăn Mỹ giành quyền kiểm soát con tàu. Theo Chánh án Kamal Kumar, “dựa trên các bằng chứng”, cơ hội kháng cáo của các luật sư bảo vệ lợi ích công ty sở hữu con tàu “rất nhỏ hoặc bằng không”.
Ông Kumar cũng công nhận việc giữ tàu Amadea ở Fiji “khiến chính phủ Fiji phải trả chi phí đắt đỏ”. Con tàu này “đi vào vùng biển của Fiji mà không xin phép với khả năng cao nhằm thoát khỏi sự truy tố của Mỹ”, ông Kumar tuyên bố.
Siêu du thuyền Amadea tại Fiji hồi tháng 4. Ảnh: AP. |
Chỉ 1-2 giờ sau khi phán quyết được đưa ra, giới chức Mỹ đưa tàu Amadea rời khỏi Fiji, dường như nhằm tránh khả năng con tàu này lại gặp vấn đề pháp lý khác. Bộ Tư pháp Mỹ không trả lời đề nghị bình luận của AP về vấn đề này.
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn yêu cầu tịch thu Amadea lên tòa án cấp cao Fiji vì cho rằng con tàu này vi phạm lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và có dính líu tới tham nhũng.
Theo Washington, chủ sở hữu trên thực tế của siêu du thuyền này là nhà tài phiệt Nga Suleiman Kerimov, người có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Hôm 3/5, tòa án Fiji đã ra phán quyết có lợi cho Mỹ. Dù vậy, Millemarin Investments, chủ sở hữu của Amadea trên giấy tờ, đã kháng cáo và yêu cầu tòa án Fiji tạm hoãn lệnh tịch thu. Luật sư của Millemarin Investments lập luận Amadea thuộc về một tỷ phú người Nga khác không bị Mỹ trừng phạt.
Siêu du thuyền Amadea - được định giá 300 triệu USD - có chiều dài 106 m và sở hữu nhiều tiện ích như hầm chứa tôm hùm, đàn piano sơn tay, bể bơi hay sân đỗ trực thăng.