Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vua nhạc đỏ'... chăn dê

Chẳng ngờ được một người trông củ mì như Tấn lại mở cả một chuỗi nhà hàng đặc sản chuyên về "dê ré", giống dê bản địa, thấp bé, nhẹ cân nhưng lại thơm ngon hơn bất kỳ loài dê nào.

Điểm danh món chả cá nổi tiếng 3 miền

Mỗi miền có một bí quyết riêng tạo nên hương vị đặc trưng cho món chả cá Lã Vọng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Nha Trang.

Kiêu hãnh kiểu của… dê

Tấn bảo, thực ra lúc đầu ý định của anh “hiền lành” hơn thế: Vốn từ đồng ruộng mà ra, nên “vua nhạc đỏ” từ lâu vẫn thầm nuôi ý định “nuôi con gì, trồng cây gì” ở đâu đó, để đôi lúc được về lại với ký ức điền viên. “Đứng trong một cái nghề tiếng là đầy hào quang, nhưng tôi lại luôn thấy mình gần gũi hơn với những gì dân dã, như chính nơi tôi vốn thuộc về. 

Tôi thích thiên nhiên, cây cối, và đặc biệt là các con vật. Thích được nuôi nấng, chăm bẫm và ngắm nhìn nó”. Là muốn thế, định thế, nhưng rồi cuộc sống thường ngày nó cứ cuốn đi…

Cho đến khi Tấn gặp một anh bạn, tiến sĩ kinh tế học ở Nga về, quen nhau qua những buổi họp phụ huynh và sinh hoạt ngoại khóa của con. Trò chuyện qua lại, mới biết cùng là chỗ có “tâm hồn ăn uống”, và cùng khoái món thịt dê. 

Anh làm kinh tế bảo: Dê, rõ là ngon hơn bò, lành hơn, bổ hơn, mà cũng đắt hơn bò, nhưng sao ở Hà Nội lại hầu hết là quán dê bình dân, mà chưa có được một không gian thưởng thức cho đáng tầm đặc sản. Rõ là phí của giời! Cứ bảo, dê là đặc sản của Ninh Bình, nhưng thực ra, nguồn cung dê chủ yếu là đến từ vùng núi Tây Bắc. Ninh Bình làm được, sao Hà Nội không làm được… Vậy, mở một cái quán đặc sản dê, trông thật “tươm”, tại sao không?

Đi sâu tìm hiểu về con vật để nghe theo lời “xúi bẩy” của anh làm kinh tế, anh làm nghệ thuật lại nảy ra một mối tâm đắc khác. Dê, theo “vua nhạc đỏ”, là con vật khá là “sang chảnh”. Trong khi hầu hết vật nuôi đều chúi mõm xuống ăn thì chị dê nhà ta quyết ăn trong tư thế ngẩng cao đầu: Chỉ ăn những thứ trên cành, không ăn những thứ dưới đất. 

“Có lần, tôi thử vứt một nắm lá xuống chân, nhưng nó nhất định không ăn. Phải cầm trên tay, thì nó mới chịu. Đó tất nhiên chỉ là một tập tính sinh học, nhưng cái nước ăn, nước nhận ấy (kiêu hãnh đến thế là cùng!), có khi con người cũng phải học…”, Tấn gật gù.

Ca sĩ Trọng Tấn bên đàn dê.

Làm nghệ thuật, lại càng phải học? Cái sự kiêu hãnh của người làm nghề, luôn hướng tới những gì sạch sẽ và vươn tới những gì cao hơn, chẳng thế, là gì? “Nếu để triết lý, tôi lại nghĩ nhiều hơn đến cái gọi là văn hóa tiếp nhận, văn hóa tẩy chay kia. Cho gì ăn nấy, có sao dùng vậy thái độ tiếp nhận có phần thỏa hiệp đó của một bộ phận công chúng có khi cũng chính là một phần nguyên nhân của sự dễ dãi trong đời sống nghệ thuật ở ta - “vua nhạc đỏ” tâm đắc nhưng may sao, gần đây, vẻ như điều đó đang dần thay đổi…” .

“Dê ré, bé mới ngon”!

Thế rồi, mở quán. Một không gian đúng là sang trọng hơn những gì người ta có thể hình dung về một quán thịt dê, nhưng lại vẫn phải giữ được nét dễ gần, dân dã. Gì chứ “dân dã” thì anh trai quê “Hoa Thanh Quế” (quê Thanh Hóa) có thừa, lại từng học vẽ, cái thuở đứng trước ngã hai: Hoặc thi vào Kiến trúc, hoặc đầu quân cho Nhạc viện, nên ông đồng chủ quán quyết kiêm luôn chân “đì giai” cho quán. Khách đến quán, ít ai biết, những hình trang trí theo phong cách graffiti đầy chất “nghệ” trên bức tường mộc kia chính là một tay Tấn vẽ hoặc thảo chữ.

Câu chào hàng của quán: “Dê ré, bé mới ngon”, không phải ai cũng hiểu. Tấn giải thích: “Tìm hiểu mới biết, dê có nhiều dòng, nhiều loại lắm. Nếu là giống dê lai, nguồn gốc từ Trung Quốc, Pakistan thì nặng lắm, trọng lượng có thể lên đến hàng tạ. Nhưng theo dân sành ăn và những đầu bếp giỏi, thì loại cho thịt thơm nhất, ngon nhất lại là giống dê ré bản địa ở ta. 

Đó là loại dê non, chưa thay răng, cân nặng chỉ từ 17 – 20 kg đổ lại, được nuôi thả tự nhiên trên địa hình núi đá, chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn so với loại dê chăn thả trên đồi. Bên cạnh đó, dê ré ăn rất sạch, chỉ ăn cây thuốc, lá non trên cành, không bao giờ ăn lá rụng… nên thịt thường có vị thơm…”.

Có vẻ giống một Trọng Tấn “tuy anh không cao, nhưng đồng nghiệp vẫn phải ngước nhìn” trong nghệ thuật? “vua nhạc đỏ” cười, ra chiều bẽn lẽn: “Ừ nhỉ! Chị có nói, tôi mới nghĩ ra. Chứ tự nhận, thì nào ai dám nhận. Nhưng quả là, những cống hiến của người nghệ sĩ, để đạt đến độ thăng hoa, chạm đến những tần số rung ở công chúng, thì quyết chưa bao giờ được quyết định bởi vóc dáng bên ngoài của người nghệ sĩ đó…”

http://laodong.com.vn/van-hoa/vua-nhac-do-chan-de-296888.bld

Theo Nguyên Quân/Lao động

Bạn có thể quan tâm