Theo khảo sát của Zing.vn, 2 ngày cuối tuần trước Tết Nguyên đán 2 tuần, vào giờ cao điểm 10-12h và 16-18h, một số siêu thị bình dân chật cứng khách mua. Trong khi cùng thời điểm, những siêu thị trong TTTM (trung tâm thương mại), khu mua sắm lớn lại khá vắng vẻ. Mặc dù gần Tết, hầu như tất cả các điểm đều tung khuyến mại, chiêu trò câu kéo, ưu đãi khách, nhưng sự chênh lệch vẫn thể hiện tương đối rõ.
Điều đặc biệt, một số mặt hàng cùng phân khúc ở các siêu thị bình dân và siêu thị trong TTTM như bánh kẹo rời, dạng hộp và các giỏ quà Tết có giá tương đương nhau. Thậm chí, siêu thị Vinmart bên trong TTTM Times City, Royal City, hàng hóa này giá còn rẻ hơn, nhưng sức hút cũng ở mức bình thường so với vài siêu thị bình dân.
Ngoài câu khách bằng khuyến mại, siêu thị Lottemart tại tòa nhà Lotte (Đào Tấn, quận Ba Đình) còn tổ múa lân vào buổi tối cuối tuần, thế nhưng lượng khách tới mua sắm chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút. Đây cũng là một trong những siêu thị ở Hà Nội bày bán giỏ hàng Tết gửi từ miền Nam ra với những đặc sản như tỏi tím Lý Sơn, khô cá, mực… nhưng những giỏ hàng này vẫn khó có thể “lấy lòng” được lượng khách hàng đông đảo giống như các siêu thị bình dân quanh khu vực.
Tại giờ cao điểm 18h cùng ngày tại siêu thị Lotte mart (Đào Tấn) khách mua hàng vẫn thưa thớt. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Trong cùng thời điểm, tại siêu thị bình dân Big C, người đứng xếp hàng tại khu gửi xe đông nghẹt. Tại các quầy hàng, đặc biệt là quầy bánh kẹo, thực phẩm Tết và khu vực thanh toán, người ken người chật cứng. Vì sao có cảnh tượng đối lập nói trên?
Điểm dễ nhận thấy đầu tiên là khác biệt trong giá cả hàng hóa. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu thì giá hàng hóa là yếu tố phần nào quyết định tạo nên doanh thu và sức mua cho siêu thị. Hệ thống siêu thị bình dân thu hút được sức mua lớn bởi họ đã phát triển mô hình bán lẻ tự phục vụ hiệu quả, hàng có có giá rẻ.
Hiện tại, mức thu nhập bình quân của người Việt Nam tương đối thấp. Tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, khách hàng của các siêu thị bình dân chủ yếu là sinh viên, người ngoại tỉnh làm thuê. Thu nhập của những đối tượng này thường thấp nên từ tâm lý, họ đã không chọn các siêu thị trong TTTM lớn. Giá cả trong siêu thị bình dân đang được "mềm hóa" kèm theo các chương trình khuyến mại "sốc" là thứ thu hút được lượng lớn những khách hàng này.
Nguyên nhân khiến cho siêu thị bình dân hút khách hơn siêu thị ở TTTM còn là hàng hóa trong siêu thị bình dân phong phú, đa dạng chủng loại, phù hợp với mọi lứa tuổi và thu nhập của nhiều gia đình. Đơn cử, hàng hóa trong Big C Thăng Long chủ yếu là thực phẩm, tiêu dùng từ cao cấp đến giá rẻ. Đặc biệt, bánh kẹo - một trong những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn chủ lực vào ngày Tết - tại điểm kinh doanh này rất đa dạng. Trên 20 loại kẹo lẻ, 30 món hạt khô, mứt đủ vị được bày bán. Khách mua hàng được thoải mái lựa chọn và mua theo cân tùy thích.
Trong khi đó, tại các siêu thị ở những khu mua sắm, TTTM lớn như Lotte (IPH Xuân Thủy), Citimart (Keangnam)..., loại hàng chủ lực này rất ít, chỉ khoảng 10 loại. Các loại cũng được đóng gói sẵn và niêm yết giá theo từng gói nên khách hàng khó so sánh, đối chiếu xem giá như vậy đã rẻ chưa. Hơn nữa, hàng hóa trong TTTM thuộc phân khúc cao cấp hơn, chủ yếu là hàng điện tử gia dụng, hàng may mặc phụ kiện, vật dụng trang trí nội thất. Những yếu tố này thu hút khách đến chụp ảnh nhiều hơn là sắm Tết.
Hàng bánh kẹo lẻ tự chọn ở Big C Thăng Long chật kín người vào cuối tuần. Ảnh: Ngọc Lan. |
Ngoài ra, các siêu thị "quê" hút khách bởi địa điểm cũng như trang trí, cách bày bán rất bình dân, hình thức nhiều điểm giống như chợ truyền thống. Trong khi siêu thị trong TTTM nhìn hào nhoáng nên tâm lý người dân mặc định là đắt đỏ, không thích vào.
Chị Hồng Hạnh, nhà Nguyễn Trãi, Hà Nội, gần điểm siêu thị Vinmart (Times City) nhưng lại lựa chọn Big C Thăng Long làm điểm sắm Tết. Chị cho biết, lý do các mặt hàng ở đây phong phú, giá bình dân, có nhiều chương trình khuyến mại “sốc”. Đặc biệt một số quầy hàng Tết như giỏ hàng, thạch, bánh kẹo, quả hạt khô được lựa chọn và mua theo cân tùy thích. "Tôi rất ngại vào những siêu thị trong những tòa nhà lớn, công gửi xe, tìm các gian hàng rất mất thời gian. Trong khi đó, tại các siêu thị bình dân, hàng Tết được bày bán la liệt, nhiều chủng loại, mình chọn bao nhiêu tùy thích, vừa dễ mua, lại nhanh gọn", chị Hạnh chia sẻ.
Giá bình dân, không gian rộng, cách bày trí khoa học dễ tìm là lý do để anh Bình, nhà ở gần siêu thị Lotte, tại IPH Xuân Thủy nhưng vẫn chọn điểm Fivimart, Hoàng Quốc Việt để sắm Tết. Anh Bình chia sẻ, anh thích tự chọn mua hàng, tự thanh toán như trong siêu thị bình dân, chứ không thích cảm giác bị nhân viên dám sát, hỏi han như siêu thị trong TTTM, vừa "sang chảnh" lại có cảm giác bất tiện.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng ở siêu thị bình dân đã tạo được thương hiệu đối với người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng bình dân. Siêu thị có lượng khách lẻ "khủng" nhất Hà Nội vào các dịp Tết đã tạo ra những sản phẩm "quen mắt quen tai" như bánh mì, đùi gà, cơm giá rẻ, thậm chí rẻ hơn ở ngoài vỉa hè và chợ. Đây cũng được cho là yếu tố tạo nên sức hút của hệ thống này.
Ngoài ra, việc miễn phí vé vào gửi xe và quầy hàng ăn giá rẻ phục vụ khách mua hàng cũng là điểm nhấn khiến siêu thị này thu hút được một số lượng khách hàng mà các siêu thị khác mơ ước. Chưa kể, hàng hóa trong các siêu thị bình dân được bố trí hợp lý với diện tích tiếp xúc giữa hàng hóa khách hàng nhiều trong khi đó ở các siêu thị thuộc TTTM lớn, hàng đóng gói sẵn, không được thử nên tâm lý người mua không thỏa mái.