Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vua nhà Trần từng ăn chay khổ hạnh nhiều năm

Thượng hoàng Trần Minh Tông nói ăn chay vì theo truyền thống của cha ông, còn Tuệ Trung Thượng sĩ nói rằng ăn chay hay ăn thịt là tùy sở thích của chúng sinh.

Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, chép rằng: Khi vua Trần Minh Tông đã nhường ngôi cho vua Trần Hiến Tông lên làm Thái thượng hoàng và lui về ở hành cung Thiên Trường, thường hay ăn chay.

Có lần Huệ Túc vương được Thượng hoàng mời vào tẩm điện, cho ngồi. Thấy Thượng hoàng ăn chay, Huệ Túc vương vốn ghét đạo Phật, Lão, mới nói rằng: “Thần không biết ăn chay có lợi ích gì không?”. Thượng hoàng biết ý của Huệ Túc vương, trả lời rằng: “Ông cha ta ngày xưa thường ăn cơm chay, cho nên ta cũng bắt chước đó thôi, còn có lợi ích gì không thì ta không biết”. Huệ Túc vương nghe vậy chỉ biết im lặng rồi lui ra.

Trước thời Minh Tông, thì Tuệ Trung Thượng sĩ là một thiền sư có nhiều ảnh hưởng đến việc tu hành theo Phật giáo của các vua Trần, đặc biệt ông là người thầy hướng dẫn vua Trần Nhân Tông đi vào cửa Thiền để rồi sau đó sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Tran Nhan Tong,  Tran Minh Tong,  an chay,  Tue Trung Thuong si,  Truc Lam Yen Tu,  Thien tong Viet Nam anh 1
Vua Trần Nhân Tông từng ăn chay khổ hạnh đến mức thân hình gầy guộc, khiến vua cha phải thương xót. 

Tuệ Trung Thượng sĩ tên thật là Trần Tung, là con trai cả của An Sinh vương Trần Liễu và là anh trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Ông được phong tước Hưng Ninh vương và đã hai lần cầm quân đánh bại quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta, nhưng khi về già đã lui về ở ấp Tịnh Bang ở An Bang (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng), lập Dưỡng Chân trang để theo đuổi nghiệp thiền.

Cuốn Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam (Viện Khoa học Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm, NXB Đà Nẵng 2011), ghi lại câu chuyện Tuệ Trung Thượng sĩ giải thích về ăn chay như sau:

Một hôm, Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (em gái của Tuệ Trung Thượng sĩ) mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng Thái hậu hỏi:

“Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Thượng sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao”. Trong bữa tiệc này có cả vua Trần Nhân Tông, vua rất thắc mắc về việc này và chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Thượng sĩ, nhưng chưa tiện hỏi...

Năm 1287, Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm băng. Thượng hoàng Trần Thánh Tông trông lo việc triều chính ở kinh đô, vua Trần Nhân Tông phải cấp tốc về đất An Bang để thỉnh cậu là Thượng sĩ Tuệ Trung về lo lễ tang.

Trên đường về kinh đô bằng thuyền, có thời giờ để Thượng sĩ Tuệ Trung và vua Trần Nhân Tông đàm luận. Khi đó, vua vẫn còn thắc mắc về việc Thượng sĩ ăn mặn và những câu trả lời của Thượng sĩ trong bữa tiệc mà Thái hậu đãi lần trước. Vì vậy, vua hỏi Thượng sĩ: "Thưa cậu, chúng sinh quen cái nghiệp ăn thịt, uống rượu, làm thế nào thoát khỏi tội báo nghiệp lực?".

Thượng sĩ đã đọc cho vua bài kệ bằng chữ Hán:

Nghiết thảo dữ nghiết nhục
Chúng sinh các sở thuộc
Xuân lai bách thảo sinh
Hà xứ kiến tội phúc.

Dịch nghĩa là:

Ăn chay cùng ăn thịt
Chúng sinh tùy sở thích
Xuân về cây cỏ tươi
Chỗ nào thấy tội phúc.

Vua lại hỏi: "Như vậy, việc công phu giữ giới tinh nghiêm không chút lơi lỏng là để làm gì?". Thượng sĩ chỉ cười mà không đáp. Vua cố năn nỉ, Thượng sĩ đọc hai bài kệ ấn tâm rồi bí mật dặn kỹ vua:

“Đừng nói với những người không hiểu biết” (Vật thị phi nhân).

Từ đó, vua Trần Nhân Tông mới biết môn phong Thiền học của Thượng sĩ cao thâm siêu việt. Một hôm khác, vua Trần Nhân Tông hỏi Thượng sĩ về “yếu chỉ của Thiền tông” và muốn biết được bí quyết giác ngộ mà Thượng sĩ được Thiền sư Tiêu Dao truyền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: “Hãy quay về tự quán xét chính bản thân mình chứ không thể nhờ một người nào khác”.

Nhờ vào lời dạy thâm sâu bí yếu này của Thượng sĩ mà vua Trần Nhân Tông ngộ được yếu chỉ của Thiền tông và thấy được đường vào Đạo. Từ đó, vua Trần Nhân Tông hết lòng tôn kính Thượng sĩ và thờ Thượng sĩ làm thầỵ.

Bình luận về chuyện này, Hòa thượng Thích Minh Châu cho rằng Tuệ Trung Thượng sĩ không phát nguyện ăn chay, nên ngài có ăn mặn là chuyện thường. Hơn nữa Thượng sĩ là người giác ngộ, không có vướng mắc, chấp trước vào chuyện ăn uống, nên ăn chay hay ăn mặn đối với Thượng sĩ chỉ là để nuôi thân và hành đạo.

Thánh đăng ngữ lục là cuốn sách kể về sự tu hành và ngộ đạo của năm vị vua Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Sách ra đời khoảng cuối đời nhà Trần, được thiền sư Chân Nghiêm khắc in tại chùa Sùng Quang, Cẩm Giàng, Hải Dương khoảng năm 1550 dưới triều Hậu Lê.

Sách kể rằng vua Trần Nhân Tông từng ăn chay khổ hạnh đến mức thân hình gầy guộc, khiến Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải ngăn lại. Sách viết: "Thánh Tông khóc, bảo: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con làm như thế thì sự nghiệp của tổ tông sẽ ra sao? Ngài nghe vua cha nói vậy cũng rơi nước mắt".

Mộ đạo Phật, vua Nhân Tông sau 14 năm ở ngôi đã nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông, làm Thái thượng hoàng 5 năm rồi đến năm 1299, xuất gia vào núi Yên Tử, siêng năng lo tu hành, lấy hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng.

Năm 1308, sau 9 năm vào núi tu hành, ngày 17 tháng 10, ngài nghỉ lại ở chùa Sùng Nghiêm tại Linh Sơn. Tuyên Từ Hoàng thái hậu đến am Bình Dương dâng cỗ chay cúng dường, Điều Ngự vui vẻ bảo: "Đây là lần cúng dường sau cùng", rồi thọ trai. Đến ngày 3 tháng 11 thì ngài tịch. Đệ tử là Pháp Loa đem xác của ngài đi thiêu, thu được ba nghìn hạt xá lị.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm