Vùng Vịnh vừa chứng kiến một cuộc tẩy chay chưa từng có khi hàng loạt nước cùng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cáo buộc Doha tài trợ cho khủng bố.
Việc 4 nước Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ và quay sang "tẩy chay" Qatar diễn ra chớp nhoáng trong vài giờ ngắn ngủi của một buổi sáng ngày 5/6. Các nước tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không với Qatar. Ở một vài nơi, công dân Qatar được yêu cầu trở về nước ngay lập tức.
Tiếp sau đó, Yemen, Libya và Maldives cũng công bố quyết định tương tự.
Trong vỏn vẹn ít giờ, Qatar rơi vào thế cô lập khi xung quanh họ những láng giềng và cùng là thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh trở nên đoạn tuyệt. Đất nước gần nhất còn quan hệ ngoại giao với Qatar là Iran, lại chính là nguyên nhân khiến Doha bị cô lập.
Dù vậy, nguy cơ của cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu tại Vùng Vịnh đã nhen nhóm từ lâu.
"Có một truyền thống rằng các quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có sẽ tránh xa những xung đột chính trị trên thế giới. Nhưng Qatar thường không phải một quốc gia truyền thống".
Đó là cách The Guardian nhận định về Qatar, đất nước hơn 2 triệu dân với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Với diện tích hơn 11.000 km2, Qatar nằm lọt thỏm giữa những láng giềng Vùng Vịnh rộng lớn như Saudi Arabia và UAE. Dù vậy, nhờ trữ lượng dầu lớn và vị trí nằm ở điểm giao của 3 châu lục, Qatar vẫn giàu có với vai trò là một nơi trung chuyển hàng không và nguồn cung dầu của thế giới.
Trong nhiều năm dài, Qatar đã sử dụng nguồn lực tài chính dồi dào để tạo ảnh hưởng lên tình hình chính trị của những khu vực bên ngoài Vùng Vịnh. Theo Washington Post, trong phong trào nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, Qatar đã hỗ trợ các nhóm chống đối như Anh em Hồi giáo (Ai Cập). Trong một khu vực của những đất nước quân chủ, đài truyền hình Al Jazeera, nhận tài trợ của chính phủ Qatar, lại ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ miễn là sự thay đổi đó xảy ra bên ngoài thế giới Arab.
Qatar là thành viên của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu không kích vào nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen nhưng Doha cũng bị cáo buộc đã bí mật ủng hộ Houthi.
Trong thế giới Arab chịu ảnh hưởng lớn của Saudi Arabia và vương triều do những người Hồi giáo dòng Sunni cầm quyền, Qatar vẫn giữ quan hệ khá gần gũi với Iran, đất nước với đa số người dân theo đạo Hồi dòng Shia.
"Trong nhiều năm dài, Qatar đã cố gắng mọi cách để làm vừa lòng mọi người", New York Times viết.
Đỉnh điểm căng thẳng là khi hãng tin nhà nước Qatar dẫn lời Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani ca ngợi Israel và Iran, 2 đối thủ lớn nhất của Saudi Arabia tại Trung Đông. Qatar nhanh chóng tuyên bố website của hãng tin bị tấn công. Dù vậy, lời thanh minh này không thuyết phục được các láng giềng.
Các nước Vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì "ủng hộ khủng bố". Doha cho rằng các cáo buộc trên là vô căn cứ và ngụy tạo.
Hầu hết chuyên gia nhận định động thái trừng phạt Qatar xuất phát từ Saudi Arabia, quốc gia hùng mạnh nhất Vùng Vịnh. Màn trừng phạt tập thể đối với Qatar là kết quả của những bất hòa tích tụ lâu ngày và bùng phát khi gặp thời điểm thích hợp.
Thế giới bên ngoài vẫn chưa biết những phát biểu mà hãng tin Qatar dẫn có phải của do chính Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani nói hay không. Dù vậy, bên trong thế giới Arab, các nước láng giềng ngay lập tức xem đó là sự thật và là sự phản ánh chính sách quan hệ quốc tế có thể gây bất ổn cho khu vực.
Một phóng viên của Reuters kể lại vào ngày 24/5, sau khi hãng tin Qatar đăng tải bản tin gây tranh cãi kia, anh ta nhận được cuộc gọi đầy nôn nóng từ một cố vấn chính phủ Qatar vào 6h sáng.
Vị cố vấn trên một mực phủ nhận việc Quốc vương có phát ngôn chỉ trích chính sách thù địch với Iran và tỏ ra ủng hộ các nhóm Hồi giáo. Ông không hề biết rằng mình Reuters đã nhận được thông cáo về việc hãng tin của Qatar tuyên bố bị tấn công. Vào thời điểm đó, Reuters đã đăng bản tin về tuyên bố của Qatar.
Thay vào đó, cuộc gọi trên cho thấy sự lo lắng của Doha trước nguy cơ làm phật lòng các láng giềng. Ngoại trưởng Qatar, ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói rằng Doha muốn duy trì quan hệ "anh em" với các nước Arab.
Các nước Vùng Vịnh thì thấy bằng chứng cho ý đồ gây bất ổn của Qatar ở khắp nơi. Họ nhìn thấy các trang tin chống Arab đăng tải lại "tuyên bố của Quốc vương Qatar" như lời kêu gọi nổi dậy chống lại các vương triều ở Vùng Vịnh.
Saudi Arabia còn được tiếp sức bằng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump chọn Saudi là quốc gia đầu tiên để đến thăm sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ và Quốc vương 81 tuổi Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi đã chống gậy ra tận thang máy bay đón tổng thống Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia không tốt vào những năm cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Chính quyền Obama xích lại gần Iran và đảm bảo sẽ ủng hộ Saudi trong mọi việc họ muốn. Trái với Obama, ngay tại Saudi, Tổng thống Trump chỉ trích Iran tài trợ phiến quân và khủng bố. Những nhà cầm quyền Saudi có thể xem đây là động lực để mạnh tay hơn với Qatar.
Cuối cùng, những người Saudi quyết định rằng đây là thời điểm họ có thể lập lại trật tự ở Vùng Vịnh theo ý mình và trừng phạt Qatar, "nhân tố nổi loạn" trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Eric Trager, nhà nghiên cứu tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nói rằng Qatar là nơi mà lợi ích và các giá trị của Mỹ "căng thẳng sâu sắc".
Qatar, đất nước bị cáo buộc tài trợ khủng bố lại là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông. Căn cứ Al Udeid, nằm cách thủ đô Doha 32 km về phía tây nam, là nơi đồn trú của 11.000 quân nhân Mỹ.
Tổng thống Trump đã nhanh chóng lên tiếng sau màn trừng phạt của các nước Vùng Vịnh với Qatar.
"Trong chuyến đi gần đây đến Trung Đông tôi đã nói rằng không thể có chuyện tài trợ cho các ý thức hệ cực đoan. Các lãnh đạo đã chỉ vào Qatar - nhìn xem!".
"Thật tốt được nhìn thấy chuyến đi Saudi Arabia và gặp gỡ Quốc vương cùng 50 quốc gia khác đã có kết quả. Họ nói rằng họ sẽ mạnh tay với việc tài trợ chủ nghĩa cực đoan và mọi hàm ý đề nhằm về Qatar. Có lẽ đây sẽ là khởi đầu cho sự kết thúc của chủ nghĩa cực đoan", Tổng thống Trump liên tục viết trên Twitter trong ngày 6/6.
Chỉ cách đó nửa tháng, Tổng thống Trump đã nói trong hội nghị của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh rằng quan hệ của Mỹ với Qatar "vô cùng tốt đẹp". Chuyên gia Trager đặt câu hỏi về sự thay đổi thay độ đột ngột của tổng thống.
Khác với ông Trump, các quan chức chính quyền Mỹ ngay lập tức xoa dịu phía Qatar. Trong cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nói với các phóng viên rằng Mỹ "biết ơn người Qatar vì sự giúp đỡ lâu dài cho sự hiện diện của chúng tôi và cam kết của họ đối với an ninh của khu vực".
Đến ngày 7/6, Tổng thống Trump đã nói chuyện với Quốc vương Salman của Saudi và nhấn mạnh "sự quan trọng của sự thống nhất tại Vùng Vịnh".
Vụ "đoạn tuyệt" quan hệ ở Vùng Vịnh sẽ đặt Mỹ vào thế khó xử hơn là một chiến thắng. New York Times lưu ý rằng chiến dịch chống khủng bố của Mỹ có sử dụng máy bay từ các nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Washington sẽ lâm vào thế bí nếu các nước này không cho phép đại diện quân sự của họ đến căn cứ của Mỹ.
Tại Qatar, đất nước giàu có về dầu mỏ nhưng không thể tự sản xuất lương thực, cuộc khủng hoảng đã gây ra sự hoảng loạn nho nhỏ khi người dân đổ đến các cửa hàng thực phẩm, cố gắng mua càng nhiều càng tốt để phòng ngừa khan hiếm. Một phần lớn thực phẩm của Qatar được nhập khẩu từ Saudi Arabia, nơi vừa đưa ra những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất.
Saudi Arabia và UAE đã đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ Qatar. Bahrain cho phép các máy bay từ Qatar bay qua một vùng trong không phận nước này để chuyển tiếp đến Iran, nếu không, Qatar sẽ rơi vào thế cô lập hoàn toàn về đường không khi nước này không tiếp giáp bất cứ không phận quốc tế hay nước trung lập nào ngoài 3 quốc gia trên.
Qatar Airways, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới, sẽ phải đổi hướng rất nhiều chuyến bay của hãng và đối mặt với chi phí gia tăng.
Về lâu dài, các chuyên gia nhận định trữ lượng dầu dồi dào sẽ cứu Qatar khỏi cuộc khủng hoảng này. Iran cũng đã đề nghị chuyển thực phẩm cho Qatar qua đường biển.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn về việc cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài bao lâu, Đại sứ Việt Nam tại Iran Nguyễn Hồng Thạch nhận định: "Rất khó để khẳng định điều đó. Một điều rất rõ là cắt đứt quan hệ thì dễ nhưng hàn gắn quan hệ bao giờ cũng khó khăn. Chúng ta chỉ có thể hy vọng mà thôi".
"Không chỉ Qatar là một nước phụ thuộc nhiều vào cung cấp hàng hoá từ các nước vùng Vịnh mà cả các nước vùng Vịnh cũng có nhiều công dân làm việc ở Qatar, đặc biệt là Ai Cập. Nếu vẫn tiếp tục bị các nước vùng Vịnh cô lập, Qatar có thể sẽ bắt tay chặt hơn với Iran, ít nhất là để giải quyết các khó khăn về hàng nhu yếu phẩm".
"Như vậy hố ngăn cách sẽ càng ngày càng rộng", Đại sứ Thạch cho biết.
Đối với thế giới, bất kỳ biến động nào từ Vùng Vịnh sẽ khiến giá dầu thế giới tăng. Cuộc khủng hoảng kéo càng dài, thế giới càng phải trả giá cao.
Greg McKenna, chiến lược gia trưởng tại của sàn giao dịch AxiTrade, nhận định: "Qatar là nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Họ có các đường ống dẫn đầu ở Vùng Vịnh. Họ có thể trả đũa bằng việc cắt nguồn cung cho các nước láng giềng. Chúng ta phải chờ xem".
Qatar cũng là nước đăng cai World Cup 2022. Các công trình phục vụ World Cup vẫn đang được xây dựng và phụ thuộc phần lớn vào nhân công đến từ Nepal, Ấn Độ, Philippines và Ai Cập. Việc xây dựng sẽ bị ảnh hưởng nếu việc đi lại khó khăn hoặc các ngưng cho ngừng sang Qatar, như Philippines vừa thông báo.
Không chỉ nhân công, các lệnh đóng cửa không phận sẽ ngăn cản nguồn nguyên vật liệu và thậm chí cả người hâm mộ bóng đá đến Qatar.
Các nước Vùng Vịnh đang yêu cầu Qatar cắt đứt quan hệ với Iran và ngưng tài trợ các nhóm Hồi giáo đối lập. Với một quốc gia đã dính dáng quá nhiều phe phái trong bức tranh toàn cảnh phức tạp tại Trung Đông, việc chấp nhận yêu cầu trên và chọn về một phe là sự nhún nhường quá lớn với Qatar. Dù vậy, cái giá Qatar phải trả nếu rời khỏi Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh cũng khó tưởng tượng.
Người ta vẫn chưa nhìn thấy lối ra cho cuộc khủng hoảng ở thế giới Arab.