Qatar: Đất nước Vùng Vịnh giàu có và đầy nghịch lý
Thứ tư, 7/6/2017 05:52 (GMT+7)
05:52 7/6/2017
Qatar là quốc gia Vùng Vịnh nhỏ bé với đầy nghịch lý: giàu dầu mỏ nhưng phải nhập khẩu thực phẩm, chính quyền chuyên chế nhưng ủng hộ các cuộc đấu tranh dân chủ ở nước ngoài.
Đất nước với dân số 2,6 triệu người Qatar là nơi có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới: 129.700 USD/năm. Người Qatar cũng là chủ nhân của khối tài sản trị giá hơn 335 tỷ USD trên khắp thế giới, bao gồm tòa nhà The Shard tại London (Anh), hiện là tòa nhà cao nhất châu Âu. Ảnh: AFP.
Cũng như nhiều nước láng giềng Vùng Vịnh, sự thịnh vượng của Qatar chủ yếu nhờ vào dầu mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của Qatar là 15 tỷ thùng. Trong 50 năm, dầu mỏ đã biến Qatar từ đất nước ngư nghiệp nghèo trở thành "đại gia". Qatar không áp thuế thu nhập, và là một trong các quốc gia có mức thuế thấp nhất. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 năm 2013 là 0,1%.
Ảnh: AFP.
Trước khi phát hiện được dầu mỏ, kinh tế Qatar tập trung vào ngư nghiệp và tìm kiếm ngọc trai. Hầu hết lãnh thổ bán đảo Qatar là đồng bằng thấp và khô cằn nên khó để phát triển nông nghiệp. Lương thực ở Qatar phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu và nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo. Ảnh: Arab Qatari Agricultural Production Conpany.
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao với Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh nổ ra, cư dân Qatar ngay lập tức đổ đến cửa hàng để mua thực phẩm. Qatar chỉ có biên giới trên bộ với Saudi Arabia và phụ thuộc rất lớn vào nguồn lương thực nhập khẩu, đa phần từ các nước Vùng Vịnh. Qatar nhập từ Saudi Arabia những mặt hàng như thịt gà và nhiều người địa phương hôm 5/6 đã nhanh chóng lên mạng xã hội để nói về chuyện họ sẽ phải ăn thịt gia cầm thay thế từ Oman. Ảnh: AFP.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Qatar phụ thuộc vào người lao động ngoại quốc để phát triển kinh tế, quy mô công nhân di cư chiếm đến đến 86% dân số và 94% lực lượng lao động. Trong khi đó, của cải của quốc gia giàu có này tập trung vào tay hơn 300.000 công dân. Ảnh: The Journal.
Hãng hàng không quốc gia của Qatar, Qatar Airways đã vươn lên trở thành một trong những hãng hàng không có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong những năm gần đây. Cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Qatar Airways khi các nước xung quanh như Saudia Arabia, UAE và Bahrain, đều đóng cửa không phận với Qatar.
Ảnh: Reuters.
Về thể chế chính trị, Qatar là một nước quân chủ chuyên chế do gia tộc Al Thani cai trị. Triều đại Al Thani đã nắm quyền ở Qatar kể từ khi gia tộc này thành lập vào năm 1825. Trong ảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani hồi tháng 5 tại Saudi Arabia. Ảnh: AFP.
Trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập năm 2011, chính phủ Qatar, khác với hầu hết nhà nước Trung Đông, đã ủng hộ các nhóm kêu gọi thay đổi, miễn là sự thay đổi đó diễn ra bên ngoài Vịnh Ả Rập. Ảnh: AFP.
Pháp luật Qatar không cho phép thành lập các thể chế chính trị hoặc công đoàn. Đánh roi được sử dụng tại Qatar để trừng phạt tội tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc quan hệ tình dục bất hợp pháp. Ném đá là một biện pháp trừng phạt pháp lý tại Qatar. Đồng tính luyến ái là một tội có thể bị tử hình trong khi luật pháp yêu cầu người vợ phải phục tùng chồng. Ảnh: AFP.
Cuộc biểu tình đòi trả tự do cho nhà thơ người Qatar Mohammed al-Ajami tại Đại sứ quán Qatar ở Washington D.C.. Mohammed al-Ajami bị cáo buộc xúc phạm Quốc vương Hamad bin Khalifa Al Thani và kích động lật đổ chính quyền. Phiên tòa kết án không cho phép các bên không liên quan tham dự và bản thân Mohammed al-Ajami cũng không có mặt ở đó. Ảnh: Wikipedia.
Kênh truyền hình Al Jazzera, đặt trụ sở tại Doha và nhận tài trợ của gia tộc Thani, ủng hộ các cuộc đấu tranh dân chủ. Sự ra đời của Al Jazzera đánh dấu lần đầu tiên có một hãng truyền thông xuất phát từ Arab lại dám chỉ trích các lãnh đạo Arab. Theo Economist, Al Jazeera là kênh truyền thông cho những người Arab bất đồng chính kiến ở khắp nơi, trừ Qatar. Chỉ trích chính phủ, tiểu vương và hoàng tộc trên truyền thông là điều bất hợp pháp. Ảnh: AFP.
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Qatar, cả về số vận động viên và khán giả. Các ông chủ Qatar không chỉ mua các tòa nhà chọc trời ở châu Âu, họ mua cả câu lạc bộ bóng đá. Năm 2010, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) quyết định Qatar sẽ là nước đăng cai World Cup 2022. Trong ảnh, Abdullah bin Nassar Al Thani (bên trái) mua lại câu lạc bộ Malaga của Tây Ban Nha với giá 36 triệu USD. Ảnh: Getty.
Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế từng yêu cầu FIFA tước quyền đăng cai World Cup của Qatar vì không đảm bảo điều kiện cho những người công nhân tham gia chuẩn bị cho sự kiện. Họ chỉ ra rất nhiều công nhân đã thiệt mạng, điều kiện giữa chủ thuê và người lao động quá ngặt nghèo và nhiệt độ tại công trường vào mùa hè lên đến 50 độ C. Ảnh: BBC.
Là quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới nhờ sản xuất dầu mỏ và khí đốt, nền kinh tế Qatar vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi bị các nước vùng Arab cô lập.