Thông báo từ hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia SPA cho biết quốc gia này chính thức đóng cửa đường biên giới với Qatar nhằm "bảo vệ lợi ích dân tộc khỏi chủ nghĩa khủng bố và cực đoan".
Saudi Arabia đã cắt đứt mọi liên lạc trên đất liền, đường biển và đường hàng không với Qatar sau thông báo trên. Đồng thời thúc giục các nước anh em triển khai hành động tương tự.
Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cáo buộc Qatar "ủng hộ, tài trợ và khuyến khích chủ nghĩa khủng bố, cực đoan", gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình khu vực.
Tiểu quốc vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Ảnh: Reuters. |
Mất an ninh, chia rẽ nội bộ
Chuyến bay cuối cùng từ Abu Dhabi tới thủ đô Doha của Qatar sẽ cất cánh lúc 14h45 (giờ địa phương) vào ngày 6/6, mọi phương thức liên lạc sẽ cắt đứt ngay sau đó.
Hãng thông tấn Bahrain cũng đưa ra thông báo chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do Doha "làm mất an ninh và ổn định của Bahrain".
3 quốc gia đặt ra thời hạn 14 ngày để công dân Qatar về nước trong khi Saudi Arabia chỉ cho các nhà ngoại giao Qatar 48 giờ để rời khỏi.
Qatar cũng bị khai trừ khỏi Liên đoàn Arab do Saudi Arabia lãnh đạo, vốn đang chiến đấu với các nhóm phiến quân ở Yemen.
Ai Cập tuyên bố chính sách của nhà nước Qatar "đe dọa tới an ninh quốc gia, gây xung đột và chia rẽ nội bộ vùng Arab". Tất cả cảng biển và sân bay của Ai Cập sẽ không cho phép tàu, máy bay của Qatar đỗ lại.
Mới nhất, Libya cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, trở thành quốc gia thứ 5 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar trong ngày 5/6.
Bản đồ thể hiện vị trí các nước láng giềng vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Đồ họa: BBC. |
Bộ trưởng Ngoại giao Libya Mohammed Dairi nói: "Qatar đã trở thành nguồn cung cấp vũ khí chính cho các nhánh của tổ chức Anh em Hồi giáo tại Libya từ năm 2012, gây nguy hại tới an ninh của nhiều nước Arab".
Đáp lại, Bộ ngoại giao Qatar khẳng định các biện pháp của 5 nước trên hoàn toàn phi lý và dựa trên những thông tin vô căn cứ. Doha nhấn mạnh động thái này sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt của công dân mang quốc tịch Qatar.
Đang trong chuyến công du tại Sydney, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lên tiếng kêu gọi các nước vùng Vịnh đoàn kết và "cùng ngồi xuống để giải quyết những khác biệt".
Washington khó xử
Căng thẳng mới khiến cho Washington khó xử khi Hạm đội 5 nước này đang đồn trú tại Qatar trong khi UAE lại cung cấp các căn cứ không quân cho Mỹ.
Các chiến dịch không kích do không quân Saudi Arabia, Bahrain và UAE chống khủng bố sẽ rất khó tiến hành khi đại diện quân sự của họ không còn ở Qatar, nơi có căn cứ chỉ huy của Hạm đội 5.
Mối quan hệ giữa Qatar và các nước vùng Vịnh gặp nhiều bất đồng xoay quanh sự ủng hộ của Qatar đối với nhóm nổi dậy chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào Hồi giáo lâu đời nhất trên thế giới. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng chống các nước có mối quan hệ với Iran, kình địch chính trị lớn nhất của Riyadh tại Trung Đông.
Năm 2014, quan hệ các nước này từng rạn nứt trong suốt 8 tháng khi Saudi Arabia, Bahrain và UAE rút đại sứ của mình khỏi Doha, cáo buộc Qatar là ủng hộ các nhóm phiến quân.
Qatar từng dùng ảnh hưởng truyền thông, thông qua đài truyền hình Al Jazeera, và chính trị để ủng hộ phong trào "Mùa xuân Arab" vào năm 2011, dẫn tới các cuộc nổi dậy ở một loạt nước Trung Đông trong đó có Ai Cập. Đài truyền hình này cũng thường xuyên chỉ trích chính quyền của Saudi Arabia.
Quan hệ Saudi Arabia với Qatar thêm căng thẳng hồi tháng 5 khi nhà lãnh đạo Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, kêu gọi cải thiện quan hệ với Iran và phê phán một số nước Vùng Vịnh khác.
Phía Qatar sau đó giải thích những lời bình luận này là do các hacker tạo ra khi xâm phạm trang web của hãng thông tấn nước này. Lời giải thích này dù vậy không được phía Saudi chấp nhận.
Sự cố ngoại giao mới cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của Qatar, nước sẽ tổ chức World Cup 2022.
Ngay sau khi Ai Cập và 3 quốc gia vùng Vịnh tuyên bố chấm dứt quan hệ với Qatar, giá dầu trên thị trường thế giới bắt đầu tăng nhẹ.